Trước đó, ngày 24/10/2018, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM đã trao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cấp phép cho Công ty cổ phần xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh do ông Huỳnh Uy Dũng giữ chức Chủ tịch HĐQT. Đây là nhà máy đầu tiên xử lý nước thải thành nước sinh hoạt tái phục vụ cho sản xuất tập trung tại các khu công nghiệp.
Ông Huỳnh Uy Dũng cho biết, gần 30 năm trước, khi Khu công nghiệp Bình Dương, Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2 tại tỉnh Sông Bé cũ (Bình Dương hiện tại) đi vào hoạt động, các quy định về chuẩn nước thải xả ra môi trường chỉ cần đạt loại B. Sau đó, chuẩn nước thải quy định yêu cầu phải đạt loại A song song với việc các khu công nghiệp được phát triển trên phạm vi cả nước.
Việc phát triển các khu công nghiệp đã phát sinh vấn đề nước thải xả ra môi trường, xuất hiện nhiều điểm nóng ô nhiễm trên cả nước.
Từ thực tế này, ông Huỳnh Uy Dũng đã bỏ thời gian, chi phí nghiên cứu thành công quy trình xử lý nước thải thành nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn QCVN 02 của Bộ Y tế, phục vụ cho sản xuất, bằng phương pháp vi sinh, không sử dụng hóa chất, không gây tác dụng phụ.
Ông Dũng chia sẻ, dù ông không phải là nhà khoa học, không phải là kỹ sư hóa, nhưng với trách nhiệm của người đầu tiên phát triển các khu công nghiệp, ông sẽ là người đầu tiên tham gia giải quyết hệ quả của các khu công nghiệp.
Theo ông Dũng, giai đoạn thứ nhất, từ 2018-2021, ông sẽ đầu tư 100 nhà máy. Mỗi nhà máy có kinh phí xây dựng 100 tỷ đồng, công suất xử lý khoảng 10.000 m3/ngày. Nhà máy của Công ty cổ phần xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh có 5 ưu điểm: không có nước thải xả ra môi trường; nước được xử lý để tái phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp trong khu công nghiệp; không hạn chế mức độ ô nhiễm và lưu lượng xả thải từ nhà máy để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất; các doanh nghiệp trong khu công nghiệp không cần xây dựng các nhà máy xử lý nước thải cục bộ; công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật về nước thải.
Ông Huỳnh Uy Dũng khẳng định ông sẵn sàng đầu tư mô hình nhà máy xử lý nước thải này trên phạm vi cả nước nếu các địa phương hoặc các khu công nghiệp có nhu cầu. Mục tiêu hướng tới là nhằm góp phần giúp nền công nghiệp nước nhà phát triển bền vững, đồng thời vẫn bảo đảm môi trường được bảo vệ tốt.
HUỲNH HẰNG/TGTTO