Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, phục vụ phiên chất vấn tại phiên họp thứ 9, sẽ diễn ra vào ngày 16-3.
Báo cáo của Bộ Công Thương tập trung vào vấn đề về sản xuất, cung ứng, nhập khẩu xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Đây là một trong những nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực công thương sẽ được chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ trả lời, làm rõ những nội dung này vào ngày mai.
Giá xăng dầu trong nước liên tục tăng thời gian qua
Bộ Công Thương đã nêu tình hình sản xuất, nhập khẩu xăng dầu thời gian qua cũng như các khó khăn đang gặp phải khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất do gặp khó khăn về tài chính.
Theo báo cáo của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, từ đầu tháng 1-2022, nhà máy đã giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55-60% công suất. Do cắt giảm công suất sản xuất nên việc giao hàng thực tế cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước bị giảm.
Sang tháng 3, Bộ Công Thương cho biết lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng xăng dầu từ sản xuất trong nước tiếp tục giảm (do nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn tiếp tục giảm công suất).
Tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2-2022 chuyển sang cùng với việc các thương nhân đầu mối tiếp tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm 2022 và nhập khẩu bổ sung để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước nên tháng 3 nguồn cung cho xăng dầu trong nước sẽ cơ bản được đáp ứng đủ.
Bộ Công Thương cho biết thêm, hiện Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của nhà máy.
Do đó, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Để ứng phó với tình hình đó, Bộ Công Thương ban hành quyết định giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước để đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa trong quý II/2022.
Xăng dầu trong nước đã có lần thứ 7 tăng giá liên tiếp, đưa xăng RON95 gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, cao nhất từ trước đến nay. Quỹ bình ổn giá xăng dầu liên tục chi để giảm đà tăng của mặt hàng này. Cùng với đó, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết giảm thuế môi trường đối với xăng dầu để "hạ nhiệt".
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được giao trong Quý II nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước, Bộ Công Thương sẽ thực hiện điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.