Sáng ngày 19/1, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức thông xe tuyến chính. Đây là tuyến cao tốc có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau gần 3 năm tiếp nhận điều hành, đơn vị thi công Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) đã nỗ lực ngày đêm đưa dự án cán mốc thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tiếp tục kiểm soát chất lượng trong quá trình cho lưu thông trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Hình ảnh một số người căng băng rôn đòi nợ Công ty Đèo Cả, ngày 19/01/2022. (Ảnh: Hoàng Tuấn)
Tuy nhiên, ngay sau buổi lễ Thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, bất ngờ xuất đoàn xe căng băng rôn trên đường để đòi nợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả số tiền 13,5 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ việc nói trên, ngày 20/01/2022, trả lời trên Tạp chí Ngày Nay, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Vận tải Nguyễn Vinh xác nhận, đoàn xe căng băng rôn là do doanh nghiệp này tổ chức để đòi nợ Công ty Đèo Cả, vì chưa nhận được số tiền cung ứng vật liệu còn lại như cam kết của các bên có liên quan.
Cụ thể, bà Thúy cho biết, ngày 28/5/2019, Công ty Nguyễn Vinh ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình Tây An (nhà thầu phụ của Công ty Đèo Cả tại gói thầu XL-11). Nội dung của hợp đồng là phía Công ty Nguyễn Vinh cung cấp vật liệu xây dựng cho Công ty Tây An phục vụ xây dựng gói thầu XL-11 thuộc công trình đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Ngày 14/4/2020, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT TL-MT tổ chức cuộc họp gồm các thành phần tham dự: Công ty BOT TL-MT, Công ty Đèo Cả, Công ty Tây An, Công ty Nguyễn Vinh cùng các đơn vị thầu phụ và nhà cung cấp vật liệu chính cho các đơn vị thi công.
Tại cuộc họp, Công ty BOT TL-MT và Công ty Đèo Cả đồng bảo lãnh hỗ trợ thanh toán cho các nhà cung cấp vật liệu. Yêu cầu đặt ra, các nhà cung cấp vật liệu phải đẩy nhanh tiến độ cung ứng để đến ngày 30/12/2020 sẽ thông tuyến cao tốc TL-MT theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ.
Do có sự bảo lãnh và yêu cầu trên, Công ty Nguyễn Vinh đã tăng tốc cung ứng đầy đủ vật liệu với số lượng lớn cho Công ty Tây An thi công gói thầu XL-11. Ngày 28/4/2020 và ngày 08/5/2020, Công ty Đèo Cả có thanh toán cho Công ty Nguyễn Vinh đợt 1 và đợt 2. Phần còn lại đã làm hồ sơ nhưng không thanh toán. Cho đến thời điểm hiện tại, Công ty Tây An còn nợ Công ty Nguyễn Vinh số tiền hơn 13,5 tỷ đồng.
Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51 km, với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương) và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang.
Với tổng vốn đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng, dự án được khởi công lần đầu cách đây 10 năm, nhưng không thi công. Năm 2016 dự án tái khởi động và thi công được khoảng 15% tổng khối lượng công trình, thì “chết lâm sàng” vì một nhà thầu bị "dính" án hình sự, nên phía ngân hàng dừng giải ngân.
Trước đó, suốt gần 10 năm đầu triển khai dự án với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và dự án chỉ đạt được 10% khối lượng.
Tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận.
Đáng chú ý, trước đó, vào ngày 23/7/2021, Công ty Cổ phần Cầu 12, đơn vị thi công gói thầu số 13 - XL13 của dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (đoạn qua Quốc lộ 1, nút giao Cái Bè thuộc xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cũng đã ngưng thi công, căng băng rôn đòi nợ, cản trở việc thi công tại dự án.
Theo đại diện tại công trình của nhà thầu này, sở dĩ họ phải làm vậy vì chủ đầu tư là Công ty Cổ phần BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không có tiền thanh toán trong suốt thời gian qua, khiến các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều tuần quan không có tiền chi trả lương cho công nhân, mua nguyên vật liệu…
Như vậy, có thể thấy không chỉ nhà thầu chính là Công ty Đèo Cả, mà chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đã từng bị căng băng rôn đòi nợ.