Sau ba tháng chính thức giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT hãng bay Bamboo Airways (nhiệm kỳ 2023-2028), gặp lại ông Phan Đình Tuệ, tôi đùa: “Trông ông có vẻ gầy hơn, tóc bạc nhiều, phải chăng “ghế nóng Bamboo Airways nhiều áp lực?
Ông nói: Đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways đúng là áp lực. Bởi, tham gia quản trị điều hành một hãng hàng không bình thường đã là thách thức rất lớn, huống hồ với một hãng hàng không còn mới thành lập lại có những khó khăn nội tại như Bamboo Airways, có quá nhiều việc cần phải làm.Tuy nhiên, chúng tôi phải đối diện, để từng bước tháo gỡ khó khăn và tiến hành tái cấu trúc toàn diện.
Ngược lại thời gian, Bamboo Airways mới được thành lập, đang trong quá trình phát triển, xây dựng thương hiệu và bắt đầu vận hành suôn sẻ thì Covid-19 ập tới. Hơn hai năm, đại dịch như một cơn bão quét qua cả nền kinh tế mà một trong những lĩnh vực phải chịu ảnh hưởng và tổn thất lớn nhất đó hàng không. Các doanh nghiệp hàng không có bề dày còn phải vật lộn để sống còn, thì đối với Bamboo Airways khó khăn sẽ gấp nhiều lần.
* Đến nay, việc tái cấu trúc, định hướng lại kinh doanh cho Bamboo Airways đã đến đâu, đã được như mong muốn mà HĐQT đưa ra, thưa ông?
- Chặng đường tái cấu trúc phải cần thêm thời gian. Tuy nhiên, với đội ngũ nhân sự gắn bó và trách nhiệm, sự đồng hành và thấu hiểu của đối tác, sự tin yêu của khách hàng chúng tôi đã và đang quyết liệt thực hiện đề án tái cấu trúc và đã đạt được những kết quả quan trọng: chúng tôi đã cấu trúc đường bay và chặng bay, chú trọng khai thác các đường bay nội địa có hiệu quả, tái cấu trúc đội tàu bay, trước đây Bamboo Airways khai thác ba loại máy bay nhưng hiện nay chỉ tập trung khai thác một loại máy bay Airbus, thực hiện định biên nhân sự, tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa doanh thu, duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ vững niềm tin của khách hàng.
* Ông có chia sẻ việc làm Chủ tịch Bamboo Airways là “nhiệm vụ” ông có ngại khi thực thi “nhiệm vụ” không đạt như kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến uy tín cá nhân?
- Khi tiếp nhận nhiệm vụ, tôi và Ban lãnh đạo đã đặt ra mục tiêu và kỳ vọng Bamboo Airways phải tốt lên, kế hoạch tái cấu trúc sẽ thành công. Trước mắt công việc còn ngổn ngang, có những việc không phải muốn là làm ngay được, nói thật lo lắng là có nhưng uy tín của tổ chức mới là quan trọng.
Tuy nhiên, đã nhận nhiệm vụ thì phải nỗ lực và quyết tâm. Với kinh nghiệm của bản thân, sự đồng lòng của đội ngũ nhân sự, sự ủng hộ của đối tác và sự tin yêu của khách hàng chúng tôi tin tưởng Bamboo Airways sớm phục hồi
* Công bằng mà nói, trước đây, Bamboo Airways đã tạo được uy tín và rất nhiều hành khách đánh giá cao chất lượng dịch vụ mà hãng đã mang lại…
- Đó là tài sản, là nền tảng tạo điều kiện thuận lợi để tái cấu trúc Bamboo Airways, dù biết tái cấu trúc Bamboo Airways sẽ rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng chúng tôi luôn có sự ủng hộ và đồng hành của lãnh đạo chính phủ và các bộ ngành với mục tiêu là hỗ trợ một doanh nghiệp kinh doanh đặc thù trong ngành hàng không đồng thời cũng mong muốn Việt Nam có thêm hãng bay là thêm một sự lựa chọn cho người dân khi sử dụng dịch vụ hàng không, trong điều kiện Việt Nam đang không có nhiều hãng hàng không đang hoạt động
* Gần đây có hai vấn đề nóng được xã hội quan tâm, đó là giá vàng và giá vé máy bay tăng cao. Góc nhìn của ông về hai “hiện tượng” này?
- Với tư cách là người cung cấp dịch vụ, tôi rất thấu hiểu chia sẻ với khách hàng về điều này. Thời gian gần đây giá vé máy bay trong một số chặng bay và một số sản phẩm có tăng. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan thì giá máy bay hiện nay của các hãng hàng không (đã được thanh tra) đều không vượt trần cho phép. Các hãng hàng không luôn phải tính toán chi li, những gì có thể cắt giảm được để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, phần lớn các hãng hàng không nói chung và Bamboo Airways nói riêng đều không có lợi nhuận (phần lớn bị lỗ kinh doanh hàng không phải theo cơ chế thị trường và rất đặc thù, chịu tác động từ rất nhiều yếu tố khách quan. Thời gian gần đây chi phí nhiên liệu (chiếm tỷ trọng rất lớn) lại tăng cao do tác động của biến động địa chính trị và chiến tranh, thứ hai là tiền thuê máy bay tăng cao. Đặc biệt trong thời gian này do thị trường khan hiếm, sự cố về động cơ phải bảo trì và nhu cầu sử dụng dịch vụ đang tăng trở lại... Thứ nữa là các dịch vụ hạ tầng, sân bay tất cả các hãng đều phải đi thuê, chi nhân sự, lương của phi công, lương của tiếp viên cũng không thể cắt giảm quá nhiều được. Phi công, tiếp viên hàng không là lao động đặc thù. Đào tạo một phi công sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc, đào tạo ở nước ngoài chi phí lại càng cao.
* Vậy ông có đề xuất gì không?
- Cần có chính sách phù hợp tạo điều kiện cho các hãng hàng không phát triển theo cơ chế thị trường và cạnh tranh lành mạnh. Hay nói khác hơn là “tiền nào của đó”. Sẽ có những phân khúc giá cao, phục vụ những khách hàng yêu cầu sản phẩm hàng không chất lượng cao, bên cạnh đó sẽ có những phân khúc trung bình và thấp để phục vụ khách hàng có nhu cầu thấp hơn. Nghĩa là, các hãng bay phải có nhiều loại hình khai thác, nhiều loại sản phẩm khác nhau. Ví dụ như đi “giờ vàng”, đi ngay, dịch vụ đầy đủ (full service) sẽ lựa chọn giá cao. Còn người có thời gian, hoặc muốn giá vé thấp thì phải lựa chọn đi những khung giờ còn lại. Như vậy, nhà nước không cần quy định giá trần. Bởi, nếu có giá vé và dịch vụ đáp ứng nhu cầu phân khúc cao thì các hãng hàng không có điều kiện để tối ưu doanh thu đồng thời có thể hạ giá vé đối với phân khúc còn lại mà vẫn đáp ứng mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
* Đầu tư vào hàng không phải thật nhiều vốn nhưng rủi ro không nhỏ. Tôi hơi tò mò, xin hỏi, vậy, vì sao vẫn có không ít doanh nhân đầu tư vào hàng không, lợi nhuận chính của kinh doanh hãng bay từ đâu?
- Khác với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, hàng không đòi hỏi thời gian đầu tư dài hạn và chấp nhận rủi ro. Vậy nên, muốn đầu tư vào hàng không thì phải có đam mê, phải có lực và để có hiệu quả thì phải có thời gian. Đầu tư vào hàng không nếu chỉ thuần túy là vận tải hành khách thì khó có lãi. Tuy nhiên phần lớn các hãng hàng không khi có đủ điều kiện sẽ đầu tư và phát triển hệ sinh thái như: dịch vụ mặt đất, dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, hàng hóa, logistics… sẽ mang lại hiệu quả bổ sung cho kinh doanh.
* Trước khi có buổi trò chuyện này tôi có thông tin ông đang có một startup, tạm gọi là khởi nghiệp. ở tuổi xấp xỉ lục tuần đầu tư vào một lĩnh vực cũng cạnh tranh không kém khốc liệt là cà phê. Động lực nào vậy, thưa ông?
- Tham gia thị trường cà phê biết là không dễ nhất là với người đến sau. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực tôi rất thích thú, hơn nữa cà phê có những kỉ niệm gắn bó với cuộc đời tôi. Tôi được sinh ra tại nông trường Tây Hiếu thuộc vùng đất bazan Phủ Quỳ, ở miền Tây Nghệ An, nơi mà bố mẹ tôi đã từng làm công nhân của nông trường, tôi được sinh ra bên gốc cà phê, lớn lên cùng cây cà phê nên có nhiều kỷ niệm gắn bó với cà phê, đặc biệt là kỷ niệm của những năm tháng còn bom đạn của chiến tranh phải đi sơ tán.
Tốt nghiệp đại học, tôi vào làm việc tại ngành ngân hàng ở Đắk Lắk, sau 7 năm lại nối duyên với ngành cà phê, rồi trở thành Phó giám đốc Công ty Cà phê Việt Đức - một doanh nghiệp vừa sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê thuộc top xuất khẩu của Việt Nam từ năm 1991- 2004. Trong thời gian này tôi đã từng starup mở xưởng rang xay và đi bán cà phê bột. Tuy nhiên, đam mê chưa đủ lớn và ngày ấy do chưa có máu làm ông chủ nên tôi không tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cà phê.
* Vì sao?
- Có thể lúc đó đang chân trong chân ngoài và đứng trước nhiều sự lựa chọn nên tôi chọn sự an toàn, tức là đi làm trong cơ quan nhà nước để có thu nhập ổn định và có cơ hội phấn đấu để làm quan. Hơn nữa tôi xa quê đúng vào thời kỳ đỉnh điểm của kinh tế bao cấp nên kinh tế gia đình rất khó khăn, ai cũng mong muốn đi làm cán bộ nhà nước để hàng tháng có sổ gạo, tem phiếu thực phẩm và còn có tiền lương phụ thêm cho kinh tế gia đình. Thời đó ít ai dám startup để đứng ra làm chủ. Để kiếm thêm thu nhập, tôi vừa đi làm vừa rang xay cà phê ở Đắk Lắk rồi chuyển ra Nghệ An, Hà Tĩnh, và cả Thanh Hóa để bán và bỏ mối… Phải “đính chính” là bây giờ tôi không khởi nghiệp mà đúng hơn là đầu tư. Mình là nhà đầu tư thì nó sẽ ít rủi ro hơn là đi làm chủ.
* Ông vừa nói đam mê cà phê, tôi thì chưa hình dung được đam mê cà phê của ông như thế nào…
- Đam mê thì lớn lao lắm, phải như anh Vũ Trung Nguyên phải bán cả xe máy, thất bại nhiều lần vẫn đeo đuổi cà phê và thành công như hôm nay.
Với tôi, có lẽ chỉ là yêu và thích. Trải qua hành trình dài của sự nghiệp và cuộc đời, tình yêu cà phê vẫn còn, sở thích uống cà phê vẫn đều đặn mỗi ngày và cứ nghĩ đến cà phê là tôi muốn trải nghiệm và sáng tạo, có chút phiêu phiêu, đó là lý do để tôi bắt đầu trở lại với cà phê ở tuổi này. Trở lại với cà phê lần này cũng là cơ duyên, khi tình cờ tôi gặp lại hai người bạn cùng “chiến trường “cà phê. Một bạn người Việt, một người đến từ Thụy Sĩ. Họ đều có kinh nghiệm trên 20, 30 năm trong ngành cà phê khi gặp lại họ đề nghị tôi cùng hợp tác. Gặp lại những người bạn có chung sở thích và sự quyết tâm nên tình yêu đối với cà phê trỗi dậy và tôi quyết định trở lại với cà phê.
Chúng tôi có chung ý tưởng và mong muốn tạo ra một thương hiệu cà phê đặc sản kiểu như limited và ưu tiên hàng đầu về chất lượng chứ không áp lực về số lượng sản phẩm tiêu thụ. Đó là thương hiệu cà phê đặc sản ALAMBE.
* Thời điểm này ông có “nhiều vai”, nhiều việc phải làm. Liệu ông có lường trước sự cạnh tranh?
- Thị trường cà phê rất khốc liệt nhưng chúng tôi đánh giá “miếng bánh” thị trường tiếp tục lớn. Nhu cầu tiêu dùng cà phê của thế giới và trong nước ngày càng cao, người ta sẽ uống cà phê nhiều hơn. Hơn nữa, người tiêu dùng bây giờ thích có nhiều loại bánh chứ không phải một loại truyền thống nữa. Nếu mình có một loại bánh tương đối khác biệt, theo hướng đặc sản sẽ có khách hàng và thị trường mà không nhiều người đủ đam mê và sự tỉ mỉ để làm ra loại bánh này.
Ở góc độ nhà đầu tư, tham gia vào ngành cà phê, tôi không thể làm chơi mà đang làm thật, cũng phải đầu tư thời gian, phương án phát triển nhưng tôi cảm thấy thoải mái vì đây là công việc đúng với sở thích của mình, giống như một sân chơi thỏa cái mình thích chứ không quá áp lực về kinh doanh.
* Nhiều doanh nhân nói “Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, nhưng có người lại cho rằng chưa hẳn đúng. Ý ông thì sao?
- Về bản chất thì đúng, nhưng trong thực tiễn nhiều khi nó chưa hoàn toàn thuyết phục, cảm thấy là không đúng. Trong cuộc sống, nếu mình làm một mình, sống một mình hay làm cái gì đó một mình thì thấy nó đơn lẻ, thậm chí là đơn độc. Trong kinh doanh vẫn có câu “Hùn mà không hạp”. Thời gian cũng chứng minh nhiều cuộc đồng hành, đi cùng nhau nhưng sau lại “tan đàn xẻ nghé”, thậm chí là xung đột. Nguyên nhân phần lớn đều từ cách tiếp cận và mô hình quản trị, khởi sự của doanh nghiệp. Thông thường mô hình doanh nghiệp gia đình có lợi thế là tự quyết rất nhanh vì không bị cản trở và việc sử dụng nguồn lực gia đình cũng có sự tin cậy tuyệt đối. Không phải dè chừng, không phải lo rủi ro về mặt nhân lực, nhưng chỉ ở phạm vi, chừng mực nào đó hoặc một số lĩnh vực nhất định thôi. Khi doanh nghiệp lớn lên, hoặc thị trường biến động, nếu vẫn quản trị theo kiểu như thế thì sẽ không thành công, thậm chí là gặp rủi ro. Tuy nhiên, khi “đi cùng nhau” thì phải có nguyên tắc, đòi hỏi sự minh bạch và tôn trọng luật chơi. Như vậy mới hiệu quả và bền vững.
* Giữ vai trò lãnh đạo của nhiều hiệp hội, hội, ông thấy vai trò của hiệp hội doanh nghiệp bây giờ đã thực chất chưa?
- Giữa chính quyền và doanh nghiệp thông qua vai trò hiệp hội thì có sự gắn kết. Xuất phát từ hai phía, thứ nhất là hiện nay các cấp chính quyền,đã có những chuyển biến, thay đổi tư duy rất tích cực, chính quyền đã dành sự quan tâm đến cộng động doanh nghiệp. Quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp thì đương nhiên họ thấy được vai trò của tổ chức hiệp hội, vai trò của hội nghề nghiệp. Thứ hai là các tổ chức hiệp hội, hội bây giờ đã có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, nhất là kết nối doanh thương và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Các hiệp hội và hội doanh nghiệp ở nước ta đang hướng tới và tiệm cận với các mô hình hoạt động của tổ chức hiệp hội ở các nước phát triển, hoạt động có chiều sâu và bớt đi yếu tố hội hè để hướng tới lợi ích của doanh nghiệp, của thành viên. Cụ thể như hiệp hội Doanh nghiệp Tp.hcm (HUBA) tổ chức mà tôi đang làm Phó chủ tịch cũng đã thay đổi rất nhiều từ những nhiệm kỳ gần đây và đặc biệt là nhiệm kỳ này. Cụ thể là thành viên hiệp hội thực sự có sinh hoạt và kết nối để tiếp cận với nhu cầu và khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó mới có phản ánh, đề xuất, kiến nghị cụ thể về các chính sách kinh tế - xã hội với chính quyền các cấp. Bây giờ mình muốn đề xuất một điều gì đó chính đáng lên chính quyền thì phải hiểu kỹ nội dung. Bộ máy của hiệp hội bây giờ cũng tích cực làm việc vì mục tiêu đó. Lãnh đạo TP.HCM hiện nay rất quan tâm, đánh giá cao vai trò của hiệp hội, của doanh nhân. Khi lãnh đạo Thành phố ban hành một nghị quyết, một chính sách, HUBA là một thành viên được tham gia đóng góp ý kiến. Cụ thể, có những chương trình quan trọng của Thành phố như Diễn đàn Kinh tế TP.HCM đã giao cho HUBA chủ trì tổ chức hoặc thiết kế nội dung chương trình. Trước khi Quốc hội ra Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM thì HUBA cũng là một thành viên được lấy ý kiến trong các cuộc họp của UBND TP.HCM.
* Cuộc sống viên mãn, yêu thích môn thể thao golf, có vẻ như ông không còn nặng về công việc?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có cuộc sống viên mãn. Tuy nhiên, cũng tạm hài lòng những công việc mình đã làm và với cuộc sống hiện tại. Mong muốn của tôi hiện giờ là bớt thời gian làm việc và tăng thời gian chơi golf, bởi golf là sân chơi giúp mình bổ sung năng lượng, mặt khác làm tăng cơ hội kết nối kinh doanh. Sự khác biệt cũa golf với các môn thể thao khác là không cần ai hô hào, thúc ép nhưng các golfer luôn tự giác dậy sớm về khuya.
* Nhưng hiện nay có quá nhiều giải golf được tổ chức và bị lạm dụng… Ông có nghĩ vậy không?
- Đúng là hiện nay đang lạm phát các giải golf. Tuy nhiên, tôi đang là thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Golf Doanh nhân Nghệ Tĩnh thuộc Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM thì công tác tổ chức khá chuyên nghiệp. Mỗi năm CLB chỉ tổ chức hai giải chính thức đó là Giải Golf Chào mừng sinh nhật Bác Hồ được tổ chức tại TP.HCM với quy mô khoảng 240 golfer tham dự và Giải Golf Về nguồn được tổ chức tại Nghệ An hoặc Hà Tĩnh. Mỗi giải đấu như vậy, chúng tôi quyên góp quỹ để ủng hộ các trường phổ thông ở vùng sâu, vùng cao thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Với kinh phí ủng hộ hàng năm từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng giúp cho các trường có thêm kinh phí để mua trang thiết bị, dụng cụ dạy học, nhà bếp, nhà vệ sinh phục vụ cho việc dạy và học tại các điểm trường.
* Trong cuộc sống và công việc, cho đến thời điểm này, ông đã nghiệm ra những giá trị gì?
- Với tôi, giá trị nhất trong cuộc đời của mỗi người và sau mỗi cuộc đời là sống tử tế , biết chăm sóc bản thân, chăm sóc người thân, gia đình và làm được nhiều việc có ích cho xã hội…
* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!
Có những điều mình đã thấy, đã làm và trải nghiệm nhưng khi ai đó tổng kết lại, ngẫm thấy đúng và thấy đầy giá trị.
Trích đăng lại đoạn viết của người bạn Nguyễn Tuấn Quỳnh - thay cho điều tôi chiêm nghiệm.
“Cuộc đời là hành trình, với duy nhất một chiều và không hề có cơ hội để quay trở lại. Ai cũng đã từng nghĩ: tương lai còn dài lắm. Nhưng hãy nhớ, sinh mệnh là phép trừ, mỗi ngày qua là một ngày mất đi, đời ngắn thêm một chút.
Có những người thân yêu gặp một lần là có thể sẽ không còn cơ hội gặp lại. Đừng đợi đến khi mất mát rồi mới hối tiếc vì những gì mình chưa làm được, chưa nói được. Hãy dành thời gian để yêu thương, sẻ chia, trân trọng từng khoảnh khắc bên những người thân yêu. Một nụ cười, một cái ôm, một lời động viên có thể sưởi ấm cho những trái tim đang lạnh giá.
Mỗi khoảnh khắc đã qua như hạt cát rơi xuống từ chiếc đồng hồ cát không thể nghịch đảo. Đừng chần chừ hay tiếc nuối, muốn làm gì hãy làm ngay bây giờ. Đừng đợi đến khi tóc đã bạc, sức đã cạn, mới nhận ra: mình vẫn chưa từng dám sống trọn vẹn. Những ước mơ, những dự định, những lời nói yêu thương - hãy bắt tay vào thực hiện chúng ngay hôm nay.
Cuộc đời không đợi ai và chỉ có người dám hành động mới viết nên được câu chuyện truyền cảm hứng trong lòng mình và người khác. Hãy sống cho hiện tại.
Đời người không có nút “sao lưu” hay “tái tạo”. Sống sao để không hối tiếc là cách duy nhất tôn vinh sự hiện hữu của chính mình. Hãy biến hôm nay thành một ngày đáng nhớ, một kỷ niệm tuyệt vời trong hành trình độc nhất vô nhị mang tên cuộc đời”.
Theo Lữ Ý Nhi (Doanh nhân Sài Gòn)