Phải rao bán nhà gấp để trả nợ
Năm 2005, tôi bước chân vào Sài Gòn. Vừa học, vừa làm thêm, ban ngày đi học, ban đêm đi làm, mỗi tháng cũng kiếm được 2- 3 triệu đồng vừa đủ sinh hoạt và chi tiêu, học tập. Sau 5 năm vừa học vừa làm, cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp và cầm tấm bằng đi xin việc làm với vài trăm ngàn đồng trong tay. May mắn là nhờ được người anh xin vào cơ quan báo chí với mức lương 3 triệu đồng/ tháng và nhuận bút khoảng 1,5- 2 triệu đồng/tháng.
Dù thu nhập có cao hơn chút đỉnh so với thời đi học làm thêm nhưng chi phí chi tiêu cũng tăng lên. Vì thế, sau 3 năm đi viết báo tới giữa 2013 thì tôi lại quay về điểm xuất phát, với tài sản là con số 0 tròn trĩnh. Cuộc sống lúc ấy thật là khó khăn với tôi, làm chưa tới tháng đã lo ứng lương.
Cuối năm 2013, lúc đó tôi vừa tròn 28 tuổi thì lấy vợ theo phong trào "trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng". Tuy nhiên, miếng cơm manh áo khốn khó cũng từ đó mà ra. Tôi nghĩ, lương ba cọc ba đồng, nuôi thân chưa xong, vướng vào chuyện vợ con lấy tiền đâu nuôi mấy miệng ăn.
Tới ngày cưới trong túi tôi không có đồng nào vì tích cóp cả năm đi viết báo cũng chỉ đủ tiền mua đôi nhẫn cưới vàng Tây, tiền chụp hình cưới, in thiệp... Còn lại 18 triệu tiền đặt cọc nhà hàng phải đi vay mượn. Đám cưới xong, tiền mừng dư ra tôi mua được cho vợ chiếc xe vision cũ để vợ có điều kiện đi làm. Rồi hai vợ chồng ra ở trọ, bắt đầu với chuỗi ngày hết sức gian nan, thiếu trước hụt sau.
Liều lĩnh vay mượn tôi có được căn nhà mà ngay cả trong mơ cũng không nghĩ tới
Năm 2014, khi tròn 29 tuổi, cũng là lúc sinh bé trai đầu lòng. Sinh con được hai tháng vì nhà trọ chật chội nóng bức, nửa đêm con quấy khóc rất ngại làm phiền hàng xóm nên tôi có tính ra mua hẳn căn nhà.
Thực ra, ý định mua nhà đã nung nấu trong tôi suốt 1 năm trước đó rồi. Đi đâu làm gì cũng nghĩ tới, gặp ai thân thiết cũng chia sẻ chuyện mua nhà nhưng đều bị gạt đi vì tiền ăn không có lại tính chuyện mua nhà. Với lại, là người Bắc nêm tâm lý nặng về nhà cửa. Mấy anh em bằng tuổi, cùng làng cũng vào Sài Gòn, Bình Dương lập nghiệp như tôi ai cũng có nhà cửa hết rồi. Chỉ còn mỗi mình là chưa có nhà cửa đàng hoàng nên tủi thân lắm. Vì thế, quyết tâm mua nhà ngày càng lên cao.
Cơ hội đến với tôi vào cuối năm 2014, khi đó ông cậu bán rẻ cho căn nhà trệt lầu, giấy tờ tay ở Bình Dương với giá 400 triệu đồng. Trong khi, vừa mới sinh con được hai tháng, cả gia tài là số tiền 20 triệu đồng để dành đưa vợ đi sinh. Lúc đó, tôi phải đi hỏi vay rất nhiều người, nhiều chỗ mới được thêm 380 triệu để gom đủ số tiền mua căn nhà, mặc cho người thân ngăn cản. Có nhà rồi, tôi mới thấy mình dại. Dù được sống trong căn nhà to vật vã, thoải mái, không mất tiền trọ nhưng lại áp lực nợ nần.
Căn nhà không chỉ là nơi an cư mà còn có thể kinh doanh
Khoản vay mất lãi, khoản không nhưng chỗ nào cũng đều là vay tạm 1- 2 tháng nên tôi phải xoay liên tục, vay chỗ này trả chỗ kia. Trong khi đó, tổng thu nhập từ làm báo vẫn lẹt đẹt tầm 5- 6 triệu/ tháng, mà cũng không đều. Vợ lại ở nhà chăm con, chưa đi làm nên không hỗ trợ được về mặt tài chính.
Thời điểm đó, tôi từng phải đi vay từng một, hai trăm ngàn để đong gạo sống qua ngày, nhiều khi, một tuần ăn mì gói thay cơm ba, bốn bữa là chuyện bình thường. Rồi vợ chồng cũng sinh ra cãi nhau vì chuyện nợ nần, khó khăn vật chất.
An cư được tròn một năm thì tôi phải rao bán nhà gấp để trả nợ và tự nhủ với bản thân rằng: "Từ nay, không dại gì vay tiền mua nhà, sĩ diện chỉ có chết thôi”... Sau khi tích cóp được 100 triệu đồng, đi mua nhà lần hai.
Tiếp tục liều mua nhà lần hai
Bán xong nhà, tôi trả hết nợ nần, tiếp tục đi "cày". Tới tháng 6/2016, tích cóp được 100 triệu đồng, tôi về Thuận An mua mảnh đất 450 triệu. Tôi lại tiếp tục đi vay 350 triệu đồng nữa mới đủ tiền mua đất. Lúc này, tôi đi vay có phần dễ hơn trước. Mục đích là mua mảnh đất để dành, sau này cất căn nhà. Có đất là sẽ có nhà, giờ rẻ không mua, vài năm nữa khó lòng mua được.
Đi làm trả nợ hơn một năm thì gần xong tiền đất, tôi tiếp tục vay gần 500 triệu để xây nhà. Hồi cuối năm 2017, tôi xây nhà trong tay chỉ đúng 50 triệu đồng tiền chơi hụi (gần như vay mượn toàn bộ), đến giờ nói vẫn hiếm nguời tin!
Thực ra, khi xây xong căn nhà này, tôi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Công việc làm báo thu nhập bấp bênh và không cao nên buộc lòng tôi phải xoay thêm nghề bán rươi Bắc nhập từ Hải Phòng, bán thịt bò Mỹ nhập khẩu, rồi bán thuốc Đông Y Đông Á... Tôi làm mấy nghề chỉ miễn sao kiếm được tiền.
Với mỗi mặt hàng, tôi đều tự lập cho mình một trang web riêng và tự mình marketing theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Với rươi Bắc là website: ruoibac.com , với thuốc Đông Y Đông Á là website: dongydonga.com
Do không có tiền chạy quảng cáo nên để có khách hàng và có thể giữ chân khách hàng gắn bó lâu dài thì phương pháp chủ yếu của tôi là xây dựng nhân hiệu. Đã từ lâu, tôi chết danh với những cụm từ “Thành thịt bò” hay “Thành rươi”. Nhờ vậy mà khách hàng ngày càng biết tới tôi nhiều hơn.
Ban đầu bản thân rất ngại gắn liền với những từ có vẻ chợ búa như kiểu hàng rau, hàng cá ấy… Nhưng rồi dần dần qua thời gian gắn bó với nghề buôn bán, tôi chợt nhận ra rằng như thế cũng hay và tôi thấy tự hào về điều đó.
Để có tiền trả nợ tôi phải làm một lúc mấy nghề với phương thức quảng bá khác người
Cách quảng cáo sản phẩm của tôi trực diện, hay gọi đùa là “quảng cáo đi vào lòng người” có thế nào thì trưng ra thế ấy đã giúp việc buôn bán của tôi ngày càng đông khách đồng nghĩa với những đồng lợi nhuận thu dược từ công việc kinh doanh cũng ngày một gia tăng.
Cùng thơi điểm 2018, tôi làm thêm nghề cò đất, công việc tuy mới mẻ nhưng có thu nhập cao và có đồng ra đồng vào thường xuyên do tôi có duyên với nghề này. Đôi khi, với bản chất thật thà, giản dị đã giúp khách hàng đặt trọn niềm tin vào tôi trong việc ký gửi mua bán nhà đất hoặc tìm cho khách hàng những căn nhà ưng ý…
Cùng với việc song hành hai, ba công việc trong suốt 3 năm trời thì đã giúp tôi trả xong nợ nần mua đất, xây nhà. Như vậy, tính từ năm 2014 tới nay, vừa tròn 7 năm, tôi vẫn luôn gắn với hai chữ nợ nần và nhọc nhằn lắm mới trả xong. Bù lại, tôi có căn nhà che nắng, che mưa và đồng thời giá trị căn nhà cũng tăng dần mỗi năm. Ví dụ thời điểm 2016, giá trị cả nhà đất của tôi chỉ xấp xỉ 1 tỷ đồng thì nay đã có giá trị gần 3 tỷ đồng rồi.
Tôi không buồn về quyết định của bản thân mà xem đó như là một cái nghiệp phải trả. Bởi tôi luôn hiểu là, trong cuộc sống này, mọi thành quả đều phải có cái giá nhất định, thành quả càng ngọt ngào thì cái giá càng đắt, mà có khi mình phải đánh đổi bằng cả một thời tuổi trẻ. Bản thân tôi cũng đã trả giá bằng khá nhiều công việc đã và đang làm, có được và có mất, có vui, có buồn...
Hôm nay, chia sẻ câu chuyện này không phải để khoe khoang mà chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ là dù làm bất cứ công việc gì, thu nhập thế nào cũng không quá quan trọng đối với việc mua nhà.
Thỉnh thoảng, lại có người bạn hỏi tôi rằng: “Em có hơn 1 tỷ trong tay, đang dự định mua căn hộ tầm 1,7 tỷ, thiếu đâu ngân hàng cho vay mà phân vân và sợ nợ quá. Theo anh thì có nên liều ko?”
Câu Trả lời của tôi là nên mua, vì bạn đã chuẩn bị được 2/3 rồi, sự chuẩn bị của bạn gấp nhiều lần so với tôi trước kia đi mua nhà gần như tay trắng. Thế nhưng, giá trị của nhà đất giờ cũng cao hơn trước gấp mấy lần rồi, dẫn tới việc bạn sẽ phải vay số tiền lớn hơn tôi, việc vay 400 triệu đồng sẽ rất khác với việc vay 700 triệu đồng nha các bạn. Nếu không có phương án trả nợ tốt thì sẽ rất dễ rơi vào vòng nợ nần luẩn quẩn mà ảnh hưởng tới cả công việc và chất lượng cuộc sống.
Đó là chưa kể, thời nay ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19, những tác động khách quan của cuộc sống làm cho công việc khó khăn, thu nhập giảm đi và làm cho nhiều người có tư tưởng ngại vay nợ.
Tóm lại, để có được căn nhà ưng ý thì trước nhất, các bạn phải có một sự khao khát, đi đâu và làm gì cũng nghĩ tới nó. Sau đó, hãy biết tích cóp tài chính một phần và vay mượn; Cân đối phương án trả nợ hợp lý… Cần thêm sự liều lĩnh, quyết đoán kiểu “nói là làm” là các bạn trẻ sẽ sớm biến ước mơ an cư thành hiện thực.
Theo Nguyễn Thành
https://cafef.vn/toi-di-mua-nha-tu-tay-trang-2-lan-lieu-linh-vay-no-hang-tram-trieu-dong-de-mua-nha-gio-toi-da-co-can-nha-tien-ty-de-che-mua-che-nang-20200928215510881.chn