Nếu như đầu năm 2019 thị trường bất động sản (BÐS) Cần Thơ nóng lên ở phía Nam Cần Thơ, đặc biệt là khu Nam Long, thì nay thị trường chuyển “điểm nóng” đến những nơi đang được thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo nhận định của nhiều sản môi giới, thời gian qua, quỹ đất nền thuộc các dự án khu dân cư, khu đô thị mới khu tái định cư trên địa bàn TP Cần Thơ không còn nhiều cộng với nhu cầu của người dân tăng lên nên giá bất động sản bị đội lên là điều khó tránh khỏi.
Ông Lê Huỳnh Hoàng Minh, Phó Giám đốc sàn giao dịch BĐS Mekong Land, cho rằng trong hai năm qua, khi thị trường tăng trưởng tốt thì không ít nhà đầu tư đã sẵn sàng thế chấp tài sản, vay ngân hàng để mua đất lướt sóng kiếm lời. Một số người có tiền nhàn rỗi cũng tham gia cuộc chơi bằng cách mua lại nhà cũ để nâng cấp, sửa chữa, bán lại kiếm lời. Các yếu tố này đã khiến giá đất tăng nhanh.
Cùng một miếng đất nền nhưng qua tay nhiều chủ khiến giá đất bị đội lên cao trong vòng 2-3 năm trở lại đây. Trong đó, khu Nam Cần Thơ vẫn là khu vực "hot" với nhờ những thông tin liên quan đến việc xây dựng cầu Quang Trung đơn Nguyên 2, cầu và đường Trần Hoàng Na, tuyến cao tốc Trung Lương-Cần Thơ… Đó là chưa kể khi thị trường BĐS sốt giá liên tục đã hình thành nên mặt bằng giá mới; nhũng người có nhu cầu mua bất động sản nhưng chậm chân hơn đành phải chấp nhận mua theo mặt bằng giá mới.
Ông Lê Phương Đông, Trưởng Văn phòng Đại diện Hội Môi giới Bất động sản ĐBSCL, Chủ tịch Câu lạc bộ Môi giới Bất động sản KC, cho rằng gần đây, có không ít người lo ngại tại Cần Thơ xuất hiện tình trạng sốt ảo, "bong bóng" bất động sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Đại diện Hội Môi giới Bất động sản ĐBSCL và một số đơn vị kinh doanh, môi giới bất động sản, thời gian qua, giá bất động sản tại TP Cần Thơ được phản ánh theo mức giá giao dịch thực tế giữa người mua và người bán. Nhu cầu bất động sản cũng là nhu cầu thực trong bối cảnh Cần Thơ không có nhiều dự án bất động sản mới.
Thực tế cho thấy, chỉ có một số dự án có số lượng sản phẩm ít nhưng tập trung nhiều nhà đầu tư đã góp phần tạo nên những cơn nóng sốt trong vài thời điểm. Những nhà đầu tư còn lại sau khi đắn đo, cân nhắc sẽ tìm mua ở những dự án có mức giá phù hợp với khả năng tài chính của mình.
Ông Lê Phương Đông, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Môi giới BĐS ĐBSCL, Chủ tịch CLB Môi giới BĐS KC, nhận định: "Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL, nơi có nhiều trường đại học, nhiều bệnh viện, trung tâm mua sắm…, nên thu hút đông đảo người dân các nơi đến học hành, làm việc, chữa bệnh. Nhu cầu nhà ở tăng nên giá nhà đất tăng theo".
Tuy nhiên, vẫn theo ông Đông, thực tế cho thấy tình trạng sốt ảo, hay đầu cơ "bong bóng" BĐS không nhiều, bởi đa phần người dân mua nền, mua nhà ở Cần Thơ là có nhu cầu sử dụng thật. Trong khi hạn chế của Cần Thơ là gần đây không có nhiều dự án BĐS mới, thiếu sự đa dạng các phân khúc sản phẩm nhà ở để người dân có thể chọn lựa theo khả năng thu nhập của mình.
Ông Đông cũng cho hay, sau hội nghị xúc tiến đầu tư tại Cần Thơ vừa qua, sắp tới đây có nhiều chủ đầu tư bắt đầu triển khai các dự án, đây cũng là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản sôi động trở lại. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển đồng bộ, kết nối giao, điện, đường, trường, trạm và khai giảng năm học mới... nên nhiều bậc phụ huynh ở các tỉnh có con em học tại trường Đại học Cần Thơ cũng tìm mua nhà, đất, thuê nhà trọ cho con đi học. Do đó, thực tế nhu cầu tìm mua bất động sản tại đây đang gia tăng, giá bán dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, bảng giá đất mới ban hành 5 năm thay đổi một lần cũng sẽ tác động đến giá đất Cần Thơ vào năm 2019.
Hiện nay, TP Cần Thơ đang tiến hành rà soát lại danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư trên các lĩnh vực bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, bất động sản. Một số dự án đầu tư của các nhà đầu tư lớn tiếp tục triển khai và đưa vào hoạt động đã tạo diện mạo và tầm vóc mới cho tiến trình phát triển của thành phố.
Chẳng hạn, đầu tháng 6/2018, Tập đoàn Novaland phối hợp với Azerai chính thức khai trương Resort Azerai Cần Thơ tại Cồn Ấu. Toàn khu nghỉ dưỡng có 30 bungalow với 60 phòng nghỉ và 45 căn biệt thự cao cấp timeshare hứa hẹn sẽ thu hút lượng lớn du khách nước ngoài và góp phần đưa TP Cần Thơ trở thành điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam.
Hay như mới đây, Tập đoàn FLC vừa có đề xuất với lãnh đạo TP Cần Thơ về các dự án dự kiến ưu tiên thực hiện tại đây trong thời gian tới. Theo đó, Tập đoàn FLC đề xuất được thực hiện một số dự án quy mô lớn trên địa bàn các quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền. Trong đó, có một dự án khu đô thị tại khu vực này có diện tích gần 1.300ha.
Trên địa bàn huyện Phong Điền, tập đoàn này đang đề xuất đầu tư 2 dự án sinh thái, tổng quy mô dự kiến khoảng 400ha với đầy đủ tiện ích phục vụ nghỉ dưỡng, kết hợp với việc đầu tư hình thành khu bảo tồn tôn tạo cảnh quan thiên nhiên sinh thái đặc trưng vùng sông nước Cửu Long.
Còn lại là dự án thương mại dịch vụ, quy mô gần 10ha, dự kiến đầu tư trên địa bàn quận Ninh Kiều. Điểm nhấn là một tổ hợp công trình khách sạn tiêu chuẩn 5 sao kết hợp khu trung tâm thương mại cao cấp, căn hộ, văn phòng và shophouse, phù hợp với điều kiện hạ tầng, cảnh quan xung quanh, phục vụ nhu cầu của cư dân địa phương, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Cần Thơ.
UBND TP Cần Thơ vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) đầu tư dự án Khu đô thị mới – khu 3 lô 14A tại Khu đô thị Nam Cần Thơ (quận Cái Răng, TP Cần Thơ).
Dự án này thuộc Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000. Theo chủ trương chấp thuận đầu tư dự án của UBND TP Cần Thơ thì chủ đầu tư phải đảm bảo xây dựng nhà ở để bán, không được phân lô bán nền .
Tổng diện tích sử dụng đất dự án khoảng 51,32 ha và tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.619,75 tỉ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 27,98%, vốn vay chiếm 67,91% và vốn huy động hợp pháp khác chiếm 4,11% tổng vốn. Tiến độ thực hiện dự án Khu đô thị mới – khu 3 lô 14A là 5 năm, từ quý 1/2019 đến quý 4/2023.
Tại Hội nghị, TP Cần Thơ cũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỉ đồng. Các dự án này phần lớn tập trung vào lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng xã hội.
Trong đó, lĩnh vực BĐS gồm: Dự án Khu đô thị mới An Bình (quận Ninh Kiều) của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hồng Phát; dự án Bệnh viện đa khoa Vinmec Cần Thơ do Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec làm chủ đầu tư; dự án ÊEM Cần Thơ Hotel của Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh Hòa Bình; Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền do Công ty cổ phần Dầu khí Nam Sông Hậu đầu tư;
Dự án Trung tâm Hội nghị cấp quốc tế và khu vực các công trình đa chức năng, do Công ty cổ phần PQC Convention làm chủ đầu tư; dự án Khu đô thị mới An Bình (khu 3), phường An Bình, quận Ninh Kiều, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hồng Phát.
Được biết, hiện TP Cần Thơ đang có 54 dự án mời gọi đầu tư trong giai đoạn tới, trong đó có 44 dự án mời gọi đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp, 10 dự án theo hình thức hợp tác công tư - PPP, BOT - xây dựng, kinh doanh, chuyển giao hoặc BT - xây dựng, chuyển giao hoặc các hình thức khác.
Riêng lĩnh vực bất động sản (khu nhà ở, văn phòng, thương mại, dịch vụ có 21 dự án như: quần thể đô thị, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại quận Cái Răng, diện tích 1.226ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 7.000 tỉ đồng; Quần thể đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái tại huyện Phong Điền, diện tích khoảng 334,66ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 4.900 tỉ đồng; Khu đô thị mới phường A Bình, quận Ninh Kiều (khu 1, 3); Khu đô thị mới hai bên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy (khu 1, 2, 3, 4, 5, 9); khu đô thị mới Cồn Khương; đầu tư xây dựng tháp du lịch tại Cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều…
Theo Tài chính Plus