Trong hơn 3 giờ, sáng 14-9, tọa đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM" do Báo Người Lao Động chủ trì, phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp (DN) nhằm hướng tới giải tỏa khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa giữa đại dịch.
Cung dồi dào, cầu rất lớn nhưng chuỗi cung ứng bị gián đoạn
Trao đổi tại tọa đàm, lãnh đạo nhiều địa phương ở ĐBSCL gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang… phản ánh dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa 19 tỉnh, thành phía Nam.
Hiện tỉnh Bến Tre còn lượng lớn nông - thủy sản chờ thu hoạch, bao gồm trên 35.000 tấn cây ăn quả, 300 triệu trái dừa ăn quả, 140 triệu trái dừa công nghiệp cùng sản lượng lớn thủy hải sản như tôm, nghêu sò… Tỉnh Trà Vinh còn 367.000 tấn lúa, hàng trăm ngàn tấn hoa màu, khoảng 105.000 tấn thủy hải sản cần tiêu thụ trong các tháng cuối năm. Tỉnh Hậu Giang cũng tồn đọng 6.000 tấn thủy sản. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho hay đa số người dân trồng trọt chăn nuôi nhỏ lẻ nên trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc giúp người dân tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hiện việc tổ chức sản xuất đầu vào, thu hoạch, tiêu thụ nông sản đều bị ảnh hưởng do thực hiện Chỉ thị 16 với quy định "ai ở đâu ở yên đó". Các thương lái, các công ty phân phối, chợ đầu mối… gặp trở ngại trong quá trình vận chuyển. Mặc dù có kênh bán hàng online nhưng ảnh hưởng của dịch vẫn lớn. Trong khi đó, do áp dụng mô hình sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 điểm đến" để phòng chống dịch, các DN ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn với việc tổ chức sản xuất, năng suất, tâm lý của người lao động và gia tăng nhiều chi phí.
Tọa đàm “Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM” đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, giá trị, khả thi từ các khách mời Ảnh: QUANG LIÊM
Kể câu chuyện trong tuần đầu tiên áp dụng giãn cách xã hội, mỗi ngày tiếp nhận hơn 300 cuộc điện thoại đề nghị tháo gỡ khó khăn, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho hay tỉnh này đang thu hoạch các loại nông sản vụ hè thu, thanh long thì chín rộ nhưng không có đầu ra.
"Khó khăn triền miên là các chợ đầu mối của TP HCM là Bình Điền, chợ Hóc Môn và các chợ truyền thống đã đóng cửa, khiến kênh tiêu thụ nông sản của tỉnh bị thu hẹp trầm trọng. Việc thương lái rút lui khỏi thị trường cũng để lại hậu quả lớn với tiêu thụ nông sản. Các nhà máy sản xuất thì giảm đến 90% công suất do thực hiện "3 tại chỗ"" - bà Khanh nêu thực trạng.
Trong khi hầu hết các tỉnh, thành gặp trở ngại trong việc tạo đầu ra cho nông - thủy sản địa phương thì tại TP HCM, nhiều thời điểm, việc cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng trở thành bài toán khó. Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Phòng Kinh doanh, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết ở đợt bùng phát dịch lần này, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn, nguồn cung từ các tỉnh - thành rất dồi dào nhưng từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ bị đứt gãy.
"Bình quân, mỗi tháng Saigon Co.op tiêu thụ khoảng 500 tấn cá, thủy hải sản. Trong thời gian giãn cách xã hội, Saigon Co.op kết nối trực tiếp với các hộ nông dân, sẵn sàng đưa xe xuống tận nơi chở cá về TP HCM tiêu thụ. Tuy nhiên, sản phẩm Saigon Co.op cần là cá đã sơ chế, trong khi nhiều DN sơ chế, chế biến nông sản tại các tỉnh đã tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19" - ông Huy nêu thực tế và nói thêm: Để giải quyết vướng mắc này, một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang đã kết nối các DN sơ chế, chế biến để cung cấp cho Saigon Co.op.
Hệ thống siêu thị MM Mega Market thì đang thiếu một số mặt hàng nông sản, thủy sản tươi lẫn chế biến đông lạnh, thực phẩm khô. Nguyên nhân là các nhà cung cấp của hệ thống này đang hoạt động dưới năng suất do thực hiện "3 tại chỗ", "4 tại chỗ"; có trường hợp phải đóng cửa để phòng chống dịch nên việc cung ứng hàng hóa bị gián đoạn. Bộ phận mua hàng của MM Mega Market đã phải tích cực tìm thêm nhà cung cấp đồng thời hối thúc các nhà cung cấp hiện tại đẩy nhanh tiến độ giao hàng.
Đồng lòng, liên kết vùng để phát huy sức mạnh toàn ĐBSCL
Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, cho rằng trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế đã gây ra sự chao đảo, mất cân bằng cho sản xuất - kinh doanh rõ rệt hơn những đợt dịch trước. Từ bài học thực tế, chúng ta phải xem lại tư duy liên kết vùng, tính hệ thống của vùng.
"Sự lúng túng thời gian qua cho thấy chúng ta đã không kết nối không gian giữa 13 tỉnh, thành ĐBSCL như một thực thể mà lại chia cắt theo địa giới hành chính. Nếu xem toàn vùng như một thực thể thì chúng ta sẽ ứng xử khác. Có phần trách nhiệm của Bộ NN-PTNT khi chưa đảm đương được vai trò điều phối" - ông Lê Minh Hoan thẳng thắn nhìn nhận và góp ý: Để thực hiện giãn cách xã hội, cần thực hiện chủ trương mỗi xã, phường là một pháo đài nhưng đây là pháo đài chống dịch chứ không phải pháo đài kinh tế. Thời gian tới, chính quyền địa phương và DN cần ngồi lại để cùng kiến tạo ra một không gian sản xuất - kinh doanh an toàn.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc TP HCM và các tỉnh ĐBSCL muốn phát triển thì phải xem là một thể thống nhất. Do đó, trong giai đoạn các địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ GTVT đã thành lập ngay tổ công tác đặc biệt để cùng nắm bắt, phối hợp chặt chẽ nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa cho các tỉnh, thành.
"Bộ đã đưa ra 5 quy định di chuyển tạm thời, trong đó quy định rất rõ tất cả hàng hóa, trừ hàng hóa bị cấm sản xuất, lưu thông đều được lưu thông trên đường; tất cả tuyến đường bộ, thủy nếu không bị cấm đều phục vụ cho công tác vận chuyển hàng hóa" - ông Ngọc thông tin và yêu cầu các địa phương quán triệt chung với tinh thần của Bộ GTVT để triển khai.
Đại diện Bộ Công Thương, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Tổ phó Thường trực Tổ Công tác đặc biệt phía Nam, cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, đa dạng hình thức phân phối…
"Ngay trong sáng nay, từ những thông tin tại tọa đàm, nhiều tỉnh - thành đã liên lạc bộ xin được kết nối làm việc với 2 hệ thống phân phối là Saigon Co.op, MM Mega Market để xúc tiến tiêu thụ hàng hóa nông sản, thủy sản tươi và chế biến đông lạnh" - bà Nga thông tin.
Về phía TP HCM, Phó Giám đốc Sở Công Thương - ông Nguyễn Nguyên Phương - đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ cho nông dân. Đầu tiên, theo ông Phương, vẫn tiếp tục thực hiện kết nối, gửi thông tin từ các địa phương đến các hệ thống phân phối để có đánh giá, so sánh nhu cầu thị trường, giá cả, năng lực để có thể kết nối thu mua trực tiếp.
Ngoài ra, thành phố cũng đã cho phép sàn thương mại điện tử, DN kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, DN vận chuyển công nghệ hoạt động trở lại. Sắp tới đây, shipper sẽ được hoạt động liên quận, tạo điều kiện tốt để người dân tiếp cận hàng hóa, giải quyết đầu ra nông dân các địa phương.
"Phải nhanh chóng tổ chức lại hệ thống phân phối truyền thống. Chúng tôi đang thí điểm tại chợ Bình Điền và ghi nhận lượng hàng tăng lên từng ngày. Với kinh nghiệm triển khai thành công bước đầu ở chợ Bình Điền, TP HCM chuẩn bị làm việc với chợ Hóc Môn, Thủ Đức, có thể có từ từ mở lại các điểm tập kết này" - ông Phương cho hay.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét có gói vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp nhất để hỗ trợ cấp thời cho DN...
Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
Tôi đánh giá rất cao tọa đàm của Báo Người Lao Động
Chủ đề tọa đàm hôm nay do Báo Người Lao Động chủ trì liên quan đến thu mua, tạm trữ, chế biến, xuất khẩu nông sản tại ĐBSCL… là vấn đề hết sức thời sự, cấp bách. Tôi đánh giá rất cao chương trình này của Báo Người Lao Động. Ngày 13-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương liên quan đến giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, đặc biệt là khu vực ĐBSCL và Tây Nguyên.
Chúng tôi ghi nhận nguyện vọng của DN ĐBSCL muốn được hỗ trợ vốn, lãi suất, nguồn lực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và nông sản nói riêng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều chủ trương để xử lý những khó khăn cơ bản này. NHNN đã chỉ đạo các NH thương mại mở rộng hạn mức tín dụng, tăng vốn cho vay của DN, thương lái. Ngoài ra, tăng dư nợ tín dụng 5.000 tỉ đồng cho mua lúa ĐBSCL, mở hạn mức tín dụng 1.500 tỉ đồng cho DN thu mua tạm trữ. Ngoài Nghị định 55 và 116 giải quyết căn cơ cho cơ chế ưu tiên, nguồn lực cho vùng, NHNN cũng chỉ đạo tập trung toàn bộ nguồn lực cho ĐBSCL.
Ông TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
Chúng tôi sẵn sàng làm cầu nối
Trong giai đoạn hiện nay, cơ quan báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, không chỉ làm công tác truyền thông, đưa tin đến mọi người. Báo Người Lao Động xác định rõ trách nhiệm của mình, sẵn sàng làm cầu nối cho các địa phương đưa nông - thủy sản của bà con nông dân ĐBSCL đến với người tiêu dùng khu vực phía Nam, làm sao cho nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch một cách tốt nhất.
Cũng với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, vượt qua đại dịch, tăng cường kết nối, giúp DN phục hồi, nông dân bán được hàng, người tiêu dùng mua được hàng hóa chất lượng với giá tốt nhất… góp phần phát triển kinh tế, sau tọa đàm này, Báo Người Lao Động sẽ kết hợp với một số đơn vị, trong đó có NHNN và các bộ, ban, ngành tiếp tục tổ chức một số hoạt động khác. Trước mắt là sau tọa đàm, báo sẽ mở 1 kênh Zalo bao gồm lãnh đạo các NH, địa phương, các ban, ngành, đoàn thể để trong khả năng sẽ kết nối với các bộ, ngành hỗ trợ giải quyết. Đây cũng là kênh kết nối tiêu thụ nông sản cho các tỉnh, thành.
Bà LÊ VIỆT NGA, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Tổ phó Thường trực Tổ Công tác đặc biệt phía Nam (Bộ Công Thương):
Nhiều đổi mới về xúc tiến thương mại
Giai đoạn khó khăn nhất của các tỉnh phía Nam trong việc tiêu thụ nông sản cung ứng hàng hóa thiết yếu đã qua. Hy vọng từ hôm nay, TP HCM và các tỉnh phía Nam sẽ được mở hơn, kiểm soát được dịch bệnh, tiêu thụ nhiều nông sản và cung ứng nhiều hàng hóa thiết yếu hơn cho người dân TP HCM lẫn khu vực phía Nam.
Trong những giai đoạn cam go chống dịch, với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các DN, hàng hóa vẫn được lưu thông, cung ứng kịp thời cho người tiêu dùng TP HCM lẫn nhiều tỉnh, thành khác. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải nghĩ đến những giải pháp để lấy lại sức bật khi các vùng phong tỏa được "cởi trói". Dĩ nhiên, những giải pháp này có tính đến sự hỗ trợ của NHNN, Bộ Tài chính nhằm nhanh chóng vực dậy thế mạnh của TP HCM - trung tâm tiêu thụ nông sản lớn nhất của cả nước lẫn xuất khẩu.
Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ có nhiều đổi mới hơn nữa về phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc mở các gian hàng ảo, gian hàng trực tuyến. Rất mong Báo Người Lao Động sẽ là một trong những đơn vị phối hợp cùng bộ làm các chương trình xúc tiến thương mại để tất cả các đối tượng DN đều tiếp cận được thị trường mục tiêu của mình.
Ông TRẦN HỮU THẾ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên:
Đưa tôm hùm lên sàn thương mại điện tử
Dịch là phép thử, cuộc sàng lọc đối với sản xuất nông sản, đòi hỏi thay đổi lại phương pháp, cách thức xây dựng chuỗi phân phối, logistics, nhất là với các loại nông - thủy sản xuất khẩu như hạt điều, tôm hùm.
Nhờ có sự giúp đỡ của Bộ NN-PTNT, qua kinh nghiệm giải cứu vải thiều bằng cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT)…, người nuôi tôm hùm dần chuyển sang hình thức có tính liên kết hơn, từ giống nhập đến công nghệ nuôi đáp ứng yêu cầu bên nhập. Nhờ đó, tiêu thụ sản phẩm tôm hùm của Phú Yên không vướng mắc nhiều.
Về việc cung ứng nông sản cho người dân đô thị trong thời gian giãn cách, nhờ TMĐT và shipper trở thành người đi gom hàng để vận chuyển nên phương thức thay đổi, khá thuận lợi.
Ông HÀ HUY CƯỜNG, Phó Tổng giám đốc NH Nam Á (Nam A Bank):
Tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, nông dân ĐBSCL
5 năm qua, tăng trưởng tín dụng ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn rất nhanh, hiện chiếm khoảng 25% trong tổng tín dụng cả nước. Quy mô tín dụng ngành này tại ĐBSCL khoảng 800.000 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng luôn trên 2 con số, cho thấy ưu tiên của Chính phủ cũng như NHNN đối với khu vực này. Dự kiến, quy mô tín dụng lĩnh vực này còn phát triển nữa khi Nhà nước triển khai các hoạt động gia tăng giá trị lĩnh vực nông nghiệp.
Nam A Bank hiện đã có mặt tại các tỉnh ĐBSCL và cam kết đồng hành với DN, nông dân ĐBSCL. Ngoài việc triển khai các chính sách hỗ trợ theo quy định, NH còn giảm lãi suất 0,5%-1%/năm; tái cơ cấu, giảm lãi vay 12.000-17.000 tỉ đồng, tài trợ lãi suất cho vay khoảng 7%-7,5%/năm cho lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn để chung tay hỗ trợ nông dân phát triển và tái sản xuất.
Ông TRẦN TRUNG KIÊN, Giám đốc Sàn TMĐT Vỏ Sò:
Sẽ phát triển 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp bán hàng trên sàn Voso
Sàn TMĐT Voso sẽ hướng đến mục tiêu phát triển 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp triển khai bán hàng trên sàn, trong đó 50% sản phẩm của các hộ này có gắn thương hiệu và truy xuất nguồn gốc dữ liệu rõ ràng. Để làm được, chúng tôi sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, sàn sẽ tổ chức thêm các hoạt động trực tiếp để phát triển hộ sản xuất một cách tốt nhất.
Chúng tôi cũng phối hợp hộ sản xuất - kinh doanh trên sàn tổ chức các buổi hướng dẫn chụp ảnh, quay video, thực hiện bài đăng trên sàn như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất; thường xuyên thực hiện các hoạt động để tăng tương tác tốt cho các sản phẩm của hộ sản xuất nông nghiệp, từ đó đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn.
Với tinh thần đồng hành với nông dân, chúng tôi nhất định sẽ phối hợp triệt để với các sở, ngành hỗ trợ hộ sản xuất an tâm buôn bán với hệ thống vận chuyển rộng khắp 63 tỉnh, thành.
Gigamall Việt Nam hỗ trợ thu mua và kết nối bán hàng
Nêu thực tế việc bán hàng lưu động dưới hình thức combo dẫn đến thực phẩm tươi sống (đặc biệt là thủy hải sản) khó tiếp cận hệ thống phân phối, Sở Công Thương TP HCM tính toán nếu các địa phương tự tổ chức thu hoạch, đóng gói bao bì theo chủng loại, quy cách riêng thì sở có thể thông tin tới quận - huyện, phường - xã, tổ dân phố để đăng ký, bán hàng.
Bà Nguyễn Thị Thơ, Giám đốc Marketing Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gigamall Việt Nam, cho hay DN có kế hoạch thu mua nông sản từ các tỉnh miền Tây và đưa lên TP HCM bán lại với giá bán bằng giá mua nhằm giúp bà con nông dân phần nào trong việc giải quyết đầu ra. "Tất cả các sản phẩm đều là hàng thiết yếu, bình ổn giá, nông sản Việt... Chúng tôi rất mong lãnh đạo bộ, ngành, địa phương hỗ trợ kết nối nông dân tiêu thụ nhiều hàng hóa hơn để vượt qua đại dịch, giảm thiểu thiệt hại" - bà Thơ đề nghị.
Thư cảm ơn
Tọa đàm trực tuyến "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL với TP HCM" trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tham dự và phát biểu của ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải); lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương); cùng lãnh đạo UBND tỉnh, thành và các sở nông nghiệp, công thương, giao thông vận tải, các doanh nghiệp của hầu hết địa phương ĐBSCL, TP HCM cũng như một số tỉnh bạn: Bình Dương, Đồng Nai, Phú Yên...
Ban Tổ chức chân thành cảm ơn sự tài trợ, đồng hành của các thương hiệu: Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gigamall Việt Nam, Tập đoàn Thiên Minh (Thiên Minh Holdings), Lazada, Viettel Post (Sàn Vỏ Sò) và Công ty CP Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam.
Báo Người Lao Động