Giá cà phê liên tục trồi sụt bất thường những năm qua, có những thời điểm giá xuống rất thấp hay lại tăng liên tục như hiện nay… Tuy nhiên nhờ chịu khó thay đổi về tư duy sản xuất 21.000 hộ nông dân sản xuất cà phê đạt chuẩn 4C luôn giữ vững được lợi nhuận và đầu ra cho sản phẩm của mình.
Thay đổi tư duy để làm giàu
Chị Mai Thị Nhung (44 tuổi), chủ vườn cà phê lâu năm ở thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, gia đình chị có 2ha cà phê. Trước đây, khi sản xuất cà phê theo kiểu truyền thống, mỗi năm thu nhập từ vườn cà phê không cao.
Từ năm 2015, khi tham gia sản xuất theo chuẩn 4C (Bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê, với 12 nguyên tắc, 45 tiêu chí và 3 cấp độ tuân thủ) ứng dụng kiến thức, công nghệ mới để sản xuất cà phê bền vững, nguồn thu nhập của gia đình ổn định hơn. Toàn bộ sản phẩm đều được doanh nghiệp thu mua giá cao.
Khi tham gia chương trình, ngoài việc được dự các lớp tập huấn còn được tham quan nhiều mô hình cà phê bền vững. Chi phí đầu vào về điện, nước tưới, phân, thuốc giảm đáng kể. Ngoài việc giúp sản xuất cà phê bền vững nông dân còn được tiếp cận những giống cây mới, có thêm kinh nghiệm tái canh và trồng xen canh hồ tiêu, sầu riêng… hiệu quả trong vườn cà phê.
Theo chị Nhung, cũng trên diện tích 2 ha với quy trình này thu nhập vừa tăng thêm 30 - 40% so với trước vừa cải thiện tính đa dạng về môi trường sinh thái. Giảm được rất nhiều gánh nặng tài chính đầu vào cho nhà vườn. Đồng thời giảm cả lượng phát thải.
Với kinh nghiệm sản xuất cà phê, chị Nhung là một trong số chủ nhà vườn có uy tín, đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm nông dân gồm 90 thành viên, sản xuất cà phê bền vững tại địa phương. Từ thực tiễn sản xuất bền vững và hiệu quả, nữ chủ vườn cà phê này là hạt nhân lan tỏa những cảm hứng để nông dân đẩy mạnh sản xuất, cùng nâng cao thu nhập ngay trên quê hương mình. Những tín hiệu tích cực giá cà phê cuối năm, thu nhập của gia đình có thể cao hơn mọi năm.
“Trước đây thu nhập từ cà phê mỗi năm chỉ từ 250 - 300 triệu đồng, nhưng sau này được đổi giống có năng xuất hơn, kết hợp trồng xen canh nên thu nhập có năm lên được 700 - 800 triệu đồng. Dự kiến năm nay có thể thu nhập hơn 1 tỷ đồng do giá cà phê đang lên, cao hơn nhiều so với năm ngoái”, chị Nhung phấn khởi nói.
Cũng tham gia sản xuất cà phê bền vững theo chuẩn 4C từ năm 2011, ông Lý Thông Hạ, trưởng một nhóm 120 nông dân ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, tổng diện tích mà nhóm đang sản xuất khoảng 120ha, mỗi năm sản lượng cà phê đạt khoảng 800 - 900 tấn.
Trước đây việc bón phân, tưới nước đều theo cảm tính từ việc trực quan nhưng khi tham gia chương trình và ứng dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững, nông dân đều đã biết định lượng, ghi chép liều lượng phân, thuốc, nước tưới… để không bị lãng phí. Bên cạnh đó, nông dân còn tận dụng vỏ quả cà phê để làm phân bón hữu cơ. Giải pháp này vừa giúp giảm đáng kể chi phí mua phân bón, vừa bảo vệ môi trường. Tính ra, mỗi năm, chỉ riêng tiền phân bón, nhóm của ông Lý Thông Hạ đã tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng/ha.
“Hồi trước mỗi lần tưới cà phê bà con thường phải giành nhau nguồn nước, ở trên chặn nguồn bên dưới bức xúc nhiều lúc dẫn tới mất an ninh trật tư, mất tình làng nghĩa xóm. Giờ đây bà con đã biết đánh giá được quy mô bộ rễ để định lượng nước tưới, cùng với nguồn phân chuồng hiện nay cũng không nhiều, bà con tận dụng lại vỏ cà phê để ủ vi sinh làm phân bón tái sinh”, ông Hạ cho biết.
21.000 nông hộ hưởng lợi
Theo Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2023 đã có hơn 21.000 nông hộ trồng cà phê đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C. Trong đó, hơn 17.000 nông hộ tham gia tích cực. Đồng thời, có trên 355.000 lượt nông dân được tập huấn về sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, trong đó trên 35% lượt tham dự là nông dân nữ. Sản xuất cà phê bền vững theo chuẩn quốc tế 4C đã thúc đẩy nông nghiệp tái sinh trong canh tác cà phê, hướng tới sự phát triển bền vững của ngành cà phê cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng nông dân trồng cà phê.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Chương trình Nescafé Plan khu vực Tây Nguyên cho biết, sản xuất cà phê bền vững đang mang lại những kết quả rất tích cực về hiệu quả kinh tế cho nông dân, cho môi trường và giảm phát thải. Cụ thể, các hộ đang tiết kiệm được 40 - 60% lượng nước tưới so với trước đây, tương đương với tiết kiệm lượng nước uống cho 1 triệu người/năm; giảm được 20% lượng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Chương trình này không chỉ thay đổi tư duy ý thức trong canh tác cà phê mà còn đồng hành mỗi ngày với từng cây cà phê, cải thiện thu nhập nông dân, nâng cao sức cạnh tranh cà phê Việt và bảo vệ môi trường.
“Chương trình này không chỉ làm vài ba năm mà sẽ triển khai lâu dài, không xây dựng những mô hình trình diễn giống như ở nhiều địa phương đang làm. Chương trình có đợt nghiên cứu, điều tra toàn địa bàn, để xem hiện trạng sản xuất, sau đó dựa vào những mô hình tốt nhất để biến thành vườn tham chiếu, sau đó mời những nông dân khác tới học tập, nông dân tự nguyện làm theo”, ông Ngọc cho hay.
Thời gian qua, chương trình Nescafé Plan tại Việt Nam đã góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống của nông dân địa phương, gia tăng chất lượng và giá trị cho hạt cà phê Việt Nam. Đến nay, chương trình tiếp tục hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới.