Theo đó, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt TCT Bình Dương) tiền thân là Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tỉnh ủy quản lý và được UBND tỉnh Bình Dương giao hơn 43 ha đất để xây dựng Khu Đô thị thương mại và Dịch vụ Tân Phú.
Khu đất 43ha được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cấp GCNQSDĐ số BK075229 (vào sổ cấp GCN: CT03728, thửa đất số 111, tờ bản đồ số 3). GCNQSDĐ BK075230 vào sổ cấp GCN: CT03729, thửa đất số 81, tờ bản đồ số 5. Cả hai GCNQSDĐ đều được cấp ngày 6/02/2013 cho Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV và đây là tài sản Nhà nước (đất công – Phóng viên).
Việc chuyển nhượng dự án KĐT Tân Phú giữa Công ty Âu Lạc và Kim Oanh còn nhiều vấn đề phải làm rõ?
Trên cơ sở đề xuất của TCT Bình Dương, Tỉnh uỷ Bình Dương chấp thuận cho Tổng Công ty Bình Dương liên kết với Công ty Âu Lạc để thành lập công ty dự án là Công ty Tân Phú, trong đó Tổng Công ty Bình Dương góp vốn chiếm 30% vốn điều lệ doanh nghiệp làm dự án.
Cụ thể, ngày 2/8/2017 TCT Bình Dương đã ký chuyển nhượng 30% giá trị vốn góp với Công ty Âu Lạc là hơn 161,1 tỷ đồng (dòng tiền này cũng không được thể hiện tại báo cáo tình hình tài chính của Công ty Âu Lạc). Nếu tính theo giá chuyển nhượng này, thì tổng giá trị Công ty Tân Phú sẽ là 537 tỷ đồng (lấy 161,1 tỷ : 30% x 100% = 537 tỷ). Như vậy, việc chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh thì Công ty Âu Lạc đã chấp nhận bán thấp so với giá trị được tính với TCT Bình Dương lên đến hơn 327 tỷ đồng? Trong đó, giá trị KĐT Tân Phú được tính theo bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương năm 2016 thì tổng giá trị đất lên khoảng 3.124 tỷ đồng.
Dư luận đặt vấn đề: Tại sao tỷ lệ góp vốn của TCT Bình Dương chỉ là 30% mà không phải là con số cao hơn. Với tỷ lệ góp vốn này, nhà nước mất quyền chi phối dự án. Điều này chẳng khác gì việc doanh nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ lại liên kết với doanh nghiệp tư nhân làm dự án ngay trên đất là tài sản của chính mình.
Mặt khác, việc Công ty Âu Lạc góp 70% vốn bằng 140 tỉ đồng tiền mặt cùng với TCT Bình Dương để thành lập Công ty Tân Phú. Tiếp đến, là việc mua lại 30% vốn của TCT Bình Dương là 43 ha đất công với giá chỉ 161,1 tỉ đồng để sở hữu toàn bộ Công ty Tân Phú. Sau nữa, là bán 100% vốn Công ty Tân Phú trị giá 250 tỉ đồng cho Công ty Kim Oanh.
Trong ba giao dịch này của Công ty Âu Lạc dễ nhận thấy dòng tiền không có biến động trên hệ thống quản lý thuế của Công ty này. Thậm chí, trong vòng 4 năm từ 2016 đến 2019 (thời điểm Công ty Âu Lạc thực hiện việc mua, bán Công ty Tân Phú), bộ thuế của Công ty Âu lạc còn chưa hề phát sinh bất kỳ hoạt động kinh doanh nào.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương hiện đã tạm giữ và bàn giao tang vật của vụ án là “sổ đỏ” và quyền sử dụng khu đất 43ha dự án KĐT Tân Phú cho địa phương quản lý.
Như vậy, Công ty Âu lạc dùng nguồn tiền 161,1 tỉ đồng của ai để mua lại 30% vốn của TCT Bình Dương? Mặt khác, khoản tiền 250 tỉ thu về từ bán Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh cũng không thấy phát sinh trên sổ sách kế toán.
Công ty Kim Oanh, số tiền giải chi 250 tỉ mua Công ty Tân Phú từ Công ty Âu lạc cũng chưa thấy bộ thuế của Công ty Âu Lạc thể hiện khoản thu này. Về nguyên tắc, Công ty Kim Oanh chi 250 tỉ đồng cho thương vụ này cũng phải là dữ liệu phải báo cáo quyết toán thuế thu nhập hàng năm.
Cùng với đó, thông tin từ Chi cục thuế quận 1, TP. Hồ Chí Minh (nơi Công ty Âu Lạc, MST: 0310091705, đăng ký thuế) ngày 24/4/2020 xác nhận rằng, ”Căn cứ trên dữ liệu hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) ngày 24/4/2020, thì cơ quan thế chưa có dữ liệu về hoạt động chuyển nhượng của Công ty Âu Lạc”.
Như vậy, việc Công ty Âu Lạc bán lại toàn bộ vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh cho đến khi vụ việc bị phát hiện là hơn hơn 2 năm 2 tháng chưa kê khai thuế thì sẽ có hai trường hợp xảy ra:
Thứ nhất, Công ty Âu Lạc đã thu đủ tiền của Công ty Kim Oanh và đã xuất hóa đơn, nhưng “quên” kê khai thuế Thu nhập doanh nghiệp, thì Công ty Âu Lạc sẽ trong trạng thái cố tình kê khai thuế chưa trung thực.
Thứ hai, nếu Công ty Âu Lạc không xuất hóa đơn cho Công ty Kim Oanh, thì việc Công ty Kim Oanh hoàn thành các thủ tục hành chính cần thiết để làm chủ Công ty Tân Phú cũng cần được làm rõ. Tình huống này Công ty Âu Lạc trong trạng thái trốn thuế?
Trước đó, trả lời trên báo Bình Dương, ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương khẳng định, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh (Công ty Kim Oanh) chưa có tài sản đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và giao dịch chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất là chưa ngay tình. Vào năm 2016 Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Phú nhưng vẫn giữ nguyên giá trị thỏa thuận năm 2010 là 250,11 tỷ đồng, không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất sát với giá thị trường, gây thất thoát vốn doanh nghiệp kinh tế Đảng. Tháng 8/2017, Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp trong Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá trị chuyển nhượng là 161,11 tỷ đồng. Đến tháng 3/2018, Công ty Âu Lạc tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp còn lại cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh (gọi tắt là Công ty Kim Oanh - chủ sở hữu 100%). Việc mua phần vốn góp của Công ty Kim Oanh là chưa phù hợp với quy định pháp luật đất đai.Hiện nay, Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chưa chỉnh lý biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đô thị Tân Phú mà chủ sở hữu là Công ty Kim Oanh. Công ty Kim Oanh (chủ sở hữu của Công ty Tân Phú) chưa có tài sản đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và giao dịch chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất là chưa ngay tình. |
Mạnh Tiến- KTNT