COPD là Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, theo thống kê có 251 triệu người bị mắc bệnh này, và hàng năm bệnh này cũng gây ra 3 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
Dịch bệnh Covid-19 rất đáng lo ngại và đè nặng lên chúng ta, những công dân toàn cầu. Bên cạnh những hậu quả nghiêm trọng của đại dịch, thì hiện nay việc chú ý tới các các triệu chứng hô hấp như ho và khó thở có thể giúp chống lại các bệnh khác, ít phổ biến hơn, nhưng cũng nghiêm trọng không kém : 339 triệu người mắc bệnh hen suyễn, 251 triệu người bị Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Hầu hết mọi người chưa bao giờ nghe nói về COPD.
Mục tiêu của trang web bac-si-giai-dap tập trung vào ba khía cạnh :
- Nâng cao nhận thức của người thân, bạn bè về các yếu tố nguy cơ nhằm phòng tránh các bệnh hô hấp mãn tính.
- Đưa những người có triệu chứng đi chẩn đoán sớm để được chăm sóc kịp thời.
- Giúp các bệnh nhân Việt Nam nắm bắt được các thông tin rõ ràng và đảm bảo.
Sáng kiến Bác sĩ giải đáp được hỗ trợ bởi Hội đông Y khoa quy tụ những chuyên gia đầu ngành Pháp- Việt : GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn, GS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, GS Marc Humbert, GS.BS Trần Văn Ngọc, GS. BS. Nicolas Roche. Một nhóm gồm các bác sỹ hô hấp Việt Nam, do Hội đồng Y Khoa lựa chọn, sẽ làm việc về nội dung trang web, và một công ty trẻ Pháp-Việt về các sáng chế trong Y tế ((InnYTe) sẽ đảm nhiệm việc phát triển trang web.
Để giới thiệu tới người truy cập các thông tin rõ ràng và hữu ích, những thông điệp chủ đạo đã được lựa chọn dành cho những người quan tâm hoặc tò mò về trang web hay cho những bệnh nhân đã được chẩn đoán. Những thông điệp này đã được minh họa cẩn thận giúp người truy cập dễ hiểu và ghi nhớ những lời khuyên hữu ích. Điều này nhằm trấn an và khuyến khích người truy cập nhận biết và tránh các nguy cơ, giúp tự chẩn đoán sớm để có thể được điều trị dễ dàng và ít tốn kém hơn, tự tin kiểm soát bệnh hàng ngày và tránh làm trầm trọng các triệu chứng dẫn đến việc phải nhập viện.
Đối với những người truy cập mong muốn tìm hiểu thêm thông tin, những câu hỏi thường gặp về bệnh hen suyễn (34 câu hỏi-giải đáp) và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (35 câu hỏi-giải đáp) sẽ được giới thiệu kèm theo câu trả lời. Sau đó, khách truy cập cũng có thể gửi thêm những câu hỏi nếu họ không tìm thấy thông tin đang tìm kiếm. Một chu trình đáng tin cậy và nghiêm ngặt sẽ được thực hiện đều đặn giúp làm phong phú trang web với nội dung được yêu cầu.
Vào năm 2021, trang web có thể sẽ được bổ sung thêm nhiều chức năng : bảng câu hỏi về triệu chứng và nguy cơ có thể giúp bệnh nhân chẩn đoán nhanh hơn, cũng như nguồn chuyên gia chuyên nghiệp. Cuối cùng, nếu trang web « Bác sĩ giải đáp » tại Việt Nam phát triển thành công cũng như được bệnh nhân và chuyên gia y tế đánh giá cao, việc dịch sang các ngôn ngữ khác sẽ được thực hiện để hỗ trợ những nỗ lực chống lại các căn bệnh hô hấp mãn tính ở các nước lân cận như Indonesia hay Philipin.
Tại buổi họp báo, TS. Thomas Mourez chia sẻ: Nước Pháp từ lâu đã luôn hỗ trợ việc tăng cường nguồn lực Y tế tại Việt Nam, và từ 30 năm nay đã đào tạo được gần 3000 bác sỹ Việt Nam tại Pháp, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra và dẫn đến việc đóng cửa biên giới, các cán bộ Y tế Việt Nam vẫn có thể tiếp tục sang Pháp để theo học các chương trình đào tạo bởi các chương trình hợp tác này luôn được Pháp dành sự ưu tiên hàng đầu.
Pháp đã đặt việc nâng cao và phòng ngừa Y tế, cũng như cuộc chiến chống lại các căn bệnh không lây nhiễm nằm trong các lĩnh vực ưu tiên của chiến lược Y tế toàn cầu 2017-2021 và nước Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến như vậy trong tương lai.
Theo GS. TS. BS. Đinh Xuân Anh Tuấn (Giáo sư Y học & Sinh lý học Hô hấp tại Đại học Paris), mặc dù chúng ta hiện đang làm tất cả mọi thứ có thể để chặn đứng diễn tiến của đại dịch COVID-19, chúng ta cũng không thể bỏ quên những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, trong đó đứng hàng đầu là BPTNMT và Hen phế quản.
Và việc điều trị BPTNMT và Hen phế quản về cơ bản là điều trị dự phòng vì cần phải liên tục ngăn cản bệnh diễn tiến nặng dần, bằng cách giữ cho người bệnh duy trì một trạng thái lâm sàng ổn định thường xuyên trong thời gian dài nhất có thể.
Điều trị BPTNMT và Hen phế quản tốt sẽ mang lại lợi ích cho các bệnh nhân và gia đình của họ, cũng như cho xã hội Việt Nam.
Còn theo PGS. TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan (Chuyên gia sinh lý học và y học hô hấp Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh): Bệnh suyễn không thể chữa dứt được, nhưng chúng ta có thể kiểm soát bệnh hoàn toàn để có thể sống như một người bình thường, khi trẻ dứt thuốc thì bị ho, khò khè tái đi tái lại, thì nên nghĩ đến suyễn. Điều trị suyễn là ngừa cơn, đừng đợi lên cơn mới cắt, vì có thể chết do suyễn.
Trung Việt