Theo hướng dẫn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bên cạnh 3 gói thuốc A, B và C được y tế địa phương cấp phát theo quy định thì bệnh nhân F0 điều trị tại nhà có thể sử dụng các thuốc không kê đơn để điều trị các triệu chứng thường gặp, gồm:
- Thuốc chống sung huyết làm giảm nghẹt mũi:
+ Phenylephrin hydrochlorid: Thuốc nhỏ mũi hoặc thuốc uống phối hợp trong các thành phẩm thuốc ho, hạ nhiệt, giảm đau.
+ Xylometazolin: Thuốc tra mũi đơn thành phần hoặc phối hợp với Benzalkonium.
+ Naphazolin: Thuốc nhỏ mũi đơn thành phần hoặc phối hợp với Diphenylhydramin và/hoặc Procain.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Getty images)
- Thuốc kháng histamin giúp giảm tiết nước mũi:
+ Clorpheniramin maleat: Thuốc uống đơn thành phần hoặc phối hợp trong các thành phẩm thuốc ho, hạ nhiệt, giảm đau.
+ Loratadin, Fexofenadin: Thuốc uống làm giảm các triệu chứng chảy nước mắt, chảy nước mũi, ngứa mắt, ngứa mũi, hắt hơi.
- Thuốc ức chế ho:
+ Codein: Thuốc uống phối hợp trong các thành phẩm thuốc ho, giảm đau.
+ Sulfoguaiacol: Thuốc uống đơn thành phần hoặc phối hợp trong các thành phẩm hạ nhiệt, giảm đau, chống ho.
+ Alimemazin tartrat: Điều trị các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi.
- Thuốc long đàm, tan đàm:
+ Guaiphenesin: Thuốc uống đơn thành phần hoặc phối hợp với tác dụng chữa ho, hạ nhiệt, giảm đau.
+ Terpin hydrat: Thuốc uống đơn thành phần hoặc phối hợp với codein làm loãng đàm, giúp dễ khạc đàm.
+ Acetylcystein, Bromhexin, Carbocystein, Ambroxol: Giảm độ quánh của đàm, được dùng khi chất tiết phế quản đặc.
+ Cao khô lá thường xuân: Có tác dụng long đàm, tan đàm, chống co thắt phế quản.
- Dung dịch bù nước, điện giải: Pha dung dịch Oresol theo hướng dẫn trên nhãn để uống khi bị tiêu chảy, mất nước.
- Thuốc hỗ trợ điều trị: Các thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền để tăng sức đề kháng, điều trị triệu chứng hô hấp, giảm ho, sát khuẩn hầu họng.
Lưu ý, F0 khi sử dụng các thuốc ức chế ho, thuốc chống sung huyết có thể có các tác dụng phụ không mong muốn. Thuốc chống sung huyết không sử dụng trong thời gian dài. Trẻ em và người có yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, bệnh tim) cần thận trọng khi sử dụng thuốc, nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Ngoài ra, bệnh nhân cần sử dụng nước muối sinh lý (dung dịch natri clorid 0,9%) để súc miệng, xịt, rửa mũi hoặc sử dụng nước súc miệng, sát khuẩn hầu họng nhiều lần trong ngày.
Việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng y học (nếu cần) có tác dụng tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ điều trị, bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh.
Cách sử dụng 3 túi thuốc A, B và C
Ngoài ra, theo hướng dẫn của Sở Y tế, tất cả F0 sẽ được nhân viên y tế cấp phát một trong 3 loại túi thuốc A, B hoặc C như sau:
- Túi thuốc A dành cho F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ. Các thuốc trong túi thuốc A gồm Paracetamol 500mg (28 viên), người bệnh uống 1 viên khi sốt trên 38 độ C, có thể lặp lại mỗi 4 giờ đến 6 giờ nếu vẫn còn sốt. Vitamin (đa sinh tố, vitamin C 14 viên), người bệnh uống ngày 2 lần vào sáng và chiều.
Nếu người bệnh sốt cao liên tục trên 2 ngày thì liên hệ ngay Trạm Y tế lưu động để được hỗ trợ.
- Túi thuốc B dành cho F0 có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở trên 20 lần/phút/hoặc SpO2 dưới 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Các thuốc trong túi thuốc B gồm: Methylprednisolone 16mg 14 viên, uống ngày 2 lần vào sáng và chiều (giữa 2 lần uống cách nhau 12 giờ, uống sau khi ăn); Rivaroxaban 10mg 7 viên, người bệnh uống ngày 1 lần vào buổi sáng.
Túi thuốc B thời gian sử dụng tối đa là 7 ngày và không sử dụng thuốc nếu đang có thai, cho con bú hoặc có một trong các bệnh về dạ dày, bệnh gan, bệnh thận hay dễ chảy máu.
- Túi thuốc C là thuốc kháng virus Molnupiravir 400mg 20 viên (uống ngày 2 lần, sáng 2 viên và chiều 2 viên, uống trong 5 ngày); hoặc Molnupiravir 200mg 40 viên (uống ngày 2 lần, sáng 4 viên, chiều 4 viên uống trong 5 ngày).