Mới rời quê lên Sài Gòn làm thợ hồ được vài ngày, anh Thạch Ra (34 tuổi, nhà ở Sóc Trăng) bỗng dưng kiệt sức, mệt mỏi, anh cố làm thêm nhưng bệnh ngày một nặng, những người làm chung liền đưa anh đến Bệnh viện Quân Y 175 cấp cứu.
Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện anh bị tràn khí màng phổi phải mức độ nặng do lao. Anh Ra có nguy cơ bị nhiễm khuẩn huyết, cần được chăm sóc tích cực về thuốc và chế độ dinh dưỡng.
Khi đổ bệnh, anh Thạch Ra không có đồng nào để chữa trị, anh xin về để tiếp tục đi làm nuôi gia đình. |
Khi các bác sĩ tìm gặp người thân để thông báo về tình trạng bệnh của anh, anh Ra buồn hiu lắc đầu: “Tôi không có ai thân thích ở đây”. Gặng hỏi, bác sĩ mới biết hoàn cảnh gia đình anh quá khó khăn. Anh Ra rời quê lên Sài Gòn làm thợ hồ với hy vọng có chút tiền gửi về quê nuôi mẹ già bị bệnh tim cùng 3 đứa cháu nhỏ.
Giọng trĩu nặng, anh tâm sự, lúc còn làm mướn ở quê, có lần đi khám bệnh, bác sĩ nói anh bị lao phổi, cần phải nghỉ ngơi và uống thuốc định kỳ. Nhưng cơm còn không đủ ăn, lấy đâu ra tiền để chữa bệnh. Mặt khác, anh thấy mình còn sức, nên vẫn cố làm việc, phòng khi… hết làm nổi, mẹ và 3 đứa cháu không bị đói khát.
Cứ như thế, mỗi lần mệt nhọc, đau ngực do bệnh lao, anh lại nghĩ chắc vì mình làm việc quá sức. Nghe thanh niên trong xóm nói lên Sài Gòn kiếm được nhiều tiền hơn, anh Ra hỏi thăm rồi gom vài bộ đồ đi tìm chút vốn. Số tiền kiếm được quá ít nên anh cố làm nhiều hơn ăn, để dành được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Không đi tái khám, kèm theo chế độ ăn uống không đảm bảo, làm việc nặng nhọc nên bệnh của anh ngày càng nặng hơn. Mọi mong ước về một tương lai tốt đẹp cho 3 cháu nhỏ cùng mẹ già đang mòn mỏi trông chờ bỗng chốc tan biến.
Sợ mẹ chịu không nổi cú sốc, anh Ra không dám gọi về báo bệnh, chỉ mong được chủ thầu tính cho vài ngày lương để mẹ và cháu gồng gánh những ngày sắp tới.
Hiện tại, các y, bác sĩ của Bệnh viện Quân Y 175 đang thay nhau chăm sóc và điều trị cho anh.
Bây giờ, ráng lắm anh vẫn không trụ vững. Bạn làm chung thương thì có thương nhưng ai cũng chỉ chăm sóc anh được ít ngày. Hiện tại, bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Quân Y 175 phải thay nhau chăm sóc, điều trị cho anh.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Hồng Quang – Phó Chủ nhiệm khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Quân Y 175 - thể trạng anh Ra rất yếu, không tự chăm sóc được, ăn uống kém, anh còn bị kháng thuốc, trong khi đó bệnh lao phải uống thuốc điều trị liên tục từ 6 - 9 tháng mới mong khỏi bệnh.
Gia đình anh Thạch Ra thuộc diện hộ nghèo, mẹ già bị bệnh, 3 đứa trẻ ở quê còn quá nhỏ nên mọi chi phí ăn uống và điều trị của anh đều phụ thuộc vào sự chung tay, góp sức từ các y bác sĩ Bệnh viện Quân Y 175.
Bớt một bữa ăn để giúp người đàn ông khốn khó, giúp người mẹ già cùng 3 trẻ thơ đang trông đợi từng ngày là việc thiện tâm. Anh Ra là trụ cột, cột không vững cả tổ ắt cũng đổ theo.
Mong quý độc giả cùng chung tay với các y bác sĩ Bệnh viện Quân Y 175 để người mẹ già và những mầm non giữ được anh Ra, vượt qua những bão giông trong thời gian tới. Mọi sự giúp đỡ vui lòng liên lạc qua số tài khoản Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0071001049165 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh TP.HCM, với nội dung "giúp anh Thạch Ra". Bạn đọc cũng có thể đến trực tiếp phòng Bạn đọc của Báo Phụ Nữ TP.HCM, số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, Quận 3. Hoặc số tài khoản 2011100038004 tại Ngân hàng Quân đội chi nhánh Bắc Sài Gòn. Nội dung: “Ủng hộ bệnh nhân Thạch Ra, Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Quân Y 175, Bộ Quốc Phòng”. Liên hệ đồng chí Thiếu tá Trần Xuân Đoán, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Quân Y 175, số điện thoại: 0933 733212. |
Phạm An/Phụ Nữ