Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng (trụ sở quận 1, TP HCM) với giá khởi điểm 405 tỉ đồng.
Đây là khoản nợ doanh nghiệp vay tại Agribank chi nhánh Bình Tân từ cuối năm 2008. Giá trị ghi sổ khoản nợ đến tháng 10-2018 là hơn 708 tỉ đồng, trong đó dư nợ gốc trên 352 tỉ đồng, còn lại là lãi. Tiền lãi sẽ tiếp tục phát sinh cho đến khi doanh nghiệp này thanh toán hết nợ gốc tiền vay tại ngân hàng này.
Các tài sản bảo đảm của khoản nợ gồm giá trị quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh diện tích gần 7.000 m2 tại huyện Bình Chánh, TP HCM và tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ giá trị xây dựng của công trình cao ốc căn hộ Hạnh Phúc (huyện Bình Chánh).
Một chi nhánh của Agribank. Ảnh minh họa
Theo Agribank, ngân hàng sẽ đấu giá nguyên trạng theo phương thức có sao bán vậy (bao gồm khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn). Người tham gia đấu giá khoản nợ xem xét tìm hiểu hồ sơ và tự xác định tình trạng của khoản nợ theo hiện trạng thực tế.
Giá khởi điểm của khoản nợ là 405 tỉ đồng, thấp hơn khá nhiều so với tổng số nợ gốc và lãi của doanh nghiệp này vay tại Agribank.
Một khoản nợ hàng trăm tỉ đồng khác cũng được Agribank rao bán là các tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty TNHH Phát triển địa ốc Hoàng Phố thế chấp để vay vốn tại Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn. Các tài sản này đã được Công ty Hoàng Phố bàn giao cho ngân hàng để đấu giá thu hồi khoản nợ vay.
Theo đó, có tổng cộng 9 tài sản là quyền sở hữu nhà ở và quyền ở hữu đất ở nằm ở ngay mặt tiền trung tâm quận 3, TP HCM được Agribank rao bán. Giá khởi điểm cho loạt tài sản này là hơn 346 tỉ đồng.
Ngoài các khoản nợ cần rao bán ở TP HCM, Agribank cũng đang đấu giá hàng loạt khoản nợ trên trăm tỉ đồng tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, một số khoản nợ được rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới.
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đang cấp tập rao bán đấu giá khoản nợ có tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu, thu hồi nợ, trong đó có Agribank. Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu với nhiều cơ chế giúp các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ thu hồi khoản nợ.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến giữa năm 2018, tỉ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tín dụng là 2,09% giảm khá mạnh so với mức 2,46% vào thời điểm cuối năm 2016.
Thái Phương/NLĐ