Thông tin về tình hình hoạt động SXKD 6 tháng đầu năm 2024 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ngày 20/6, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc tập đoàn cho biết, xuất khẩu dệt may Việt Nam 5 tháng đã đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm sáng xuất khẩu dệt may Việt Nam là tại thị trường Mỹ, khi vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Hướng đến sản phẩm đang có nhu cầu lớn
Đến nay, toàn bộ hệ thống của Vinatex vẫn duy trì nguồn lực lao động với mức thu nhập tương đương của năm 2023. Toàn tập đoàn hoàn thành cả doanh thu và lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đạt xấp xỉ 50%, hy vọng nửa cuối năm sẽ có những tín hiệu tích cực hơn nữa để hoàn thành tốt mục tiêu đã đề ra cả về doanh thu và lợi nhuận.
“Sang năm 2024 dệt may đã có những tín hiệu thuận lợi hơn mặc dù điểm mấu chốt là giá đơn hàng không tăng. Các DN làm có đơn hàng nhưng với giá rất thấp, tương đương mặt bằng giá chung của năm 2023. Thời điểm này đa phần các DN may đã đủ đơn hàng đến tháng 9, tháng 10 và đang đàm phán đơn hàng cho giai đoạn tiếp theo. Đối với ngành sợi nửa đầu năm nay có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước, số lỗ đã giảm rất sâu khoảng 70% - 80% nhưng vẫn còn lỗ”, Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ.
Lãnh đạo Vinatex cũng nhấn mạnh đến câu chuyện khá phức tạp của ngành sợi hiện nay, đó là sản phẩm sợi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng hiện Trung Quốc đang đối mặt chiến tranh thương mại với Mỹ. “Ngành sợi lại có vấn đề liên quan đến sản phẩm bông Tân Cương (Trung Quốc) giá lên xuống thất thường. Hơn nữa, nếu sản phẩm sợi của Việt Nam hay các quốc gia khác sử dụng bông có nguồn gốc xuất xứ từ Tân Cương, thị trường Mỹ và EU sẽ không nhập khẩu”, ông Hiếu quan ngại.
Điểm sáng của Vinatex trong 6 tháng đầu năm là đã thực hiện Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, trong sản xuất vải và trang phục chống cháy với Tập đoàn Coats (Vương quốc Anh). Đây là bước đi thử nghiệm để nghiên cứu và tìm kiếm thị trường ngách, một hướng đi thoát dần khỏi khu vực sản xuất dệt may thông thường ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Theo đó, trong tháng 7 này tập đoàn sẽ có sản phẩm đầu tiên xuất khẩu đi Mỹ. Đây là dự án mang tính chiến lược của tập đoàn trong việc chinh phục các phân khúc thị trường hẹp với đặc thù là vải chậm bắt cháy, trang phục chống cháy đang có nhu cầu rất lớn nhưng lại có yêu cầu về tiêu chí kỹ thuật rất khắt khe.
“Việc hợp tác với Coats Group sẽ tạo tiền đề để tập đoàn hướng tới những sản phẩm bảo hộ hiện đại và hữu dụng dùng trong gia đình, nếu không may xảy ra hỏa hoạn sẽ hạn chế rủi ro hay thương vong cho con người. Bước tiếp theo là tập đoàn sẽ nghiên cứu sản xuất sản phẩm bảo hộ cho các lực lượng chuyên trách cứu hộ, cứu hỏa. Đây là chương trình lớn và khá dài hơi, nên tập đoàn xác định cần nguồn lực đầu tư rất lớn trong thời gian tới”, ông Hiếu thông tin.
Sản phẩm hoàn toàn mang thương hiệu Việt Nam là khả thi
Để tạo điểm nhấn phát triển cho dệt may Việt Nam, lãnh đạo Vinatex cũng cho biết, trong tháng 7 này, tập đoàn sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động trung tâm phát triển sản phẩm mới tại phố Minh Khai (Hà Nội). Đây là một trong những trung tâm được đầu tư rất hiện đại và bài bản, chuyên làm hàng FOB (sản phẩm hoàn chỉnh) mang thương hiệu Vinatex, phù hợp với mục tiêu tập đoàn đang hướng đến là trọng tâm phát triển chuỗi đã được định hình trong giai đoạn 2020 - 2025.
“Mặc dù chúng ta đã có đủ cả sợi, dệt và nhuộm và may nhưng khâu phát triển thị trường, thiết kế sản phẩm hoàn toàn mang thương hiệu Việt Nam để chào bán trọn gói cho khách hàng vẫn chưa làm được. Chính vì thế, khi tập đoàn đã chuẩn bị hội đủ các yếu tố cần thiết và đưa trung tâm phát triển sản phẩm vào hoạt động, sẽ là một điểm nhấn phát triển lớn của Vinatex”, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu khẳng định.
Theo dự báo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 6 tháng cuối năm nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường này chưa rõ ràng, trong khi các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền từ 15%-20% để hỗ trợ xuất khẩu và giành lại thị phần.
Do đó, các DN dệt may sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá trong bối cảnh đơn giá vốn đã thấp của 2 năm qua chưa cải thiện. Mặt khác, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất SXKD của các DN.
Đứng trước những thách thức này, Vinatex sẽ tiếp tục linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường với những đơn hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh. Đồng thời thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động SXKD.
Ngoài ra, Vinatex luôn tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật về môi trường, các chính sách phúc lợi cho người lao động; hiện đại hóa mô hình quản trị, đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông, xã hội và người lao động, minh bạch thông tin truy xuất chuỗi cung ứng. Từ đó từng bước xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, quy hoạch nguồn nhân lực để phục vụ quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…