Việc ra đời của Vsmart đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của dư luận. Trước hết, đó là do cái bóng quá lớn của Vingroup. Nó bảo đảm cho thương hiệu này về tài chính và cách làm ăn lớn.
Khởi nghiệp làm ăn lớn
Trên trang Facebook của mình, ông Đặng Quốc Cường, người nổi tiếng gắn với sự thành công của thương hiệu smartphone OPPO trên thị trường Việt Nam, giờ về lo mảng truyền thông và kinh doanh cho VinSmart, chia sẻ với bạn bè: "Đây mới là một công ty khởi nghiệp thực sự, khởi nghiệp cả một ngành công nghiệp".
Nhìn lại quá trình ra đời của VinSmart, người ta thấy ngay tham vọng và sự làm việc bài bản, chuyên nghiệp của một doanh nghiệp khởi nghiệp làm ăn lớn.
Bên trong nhà máy sản xuất điện thoại di động Vsmart Ảnh: THẾ DŨNG
Phải nói rằng sự ra đời của Vsmart là thần tốc. Công ty CP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart thành lập ngày 12-6 với số vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng. Đến ngày 14-12, chỉ 6 tháng sau là có sản phẩm thương hiệu Việt Vsmart ra đời. Đó là quãng thời gian mà nhiều người chỉ có thể mô tả là chạy như xe đua Công thức 1 nhưng nó cho thấy VinSmart đã làm rất bài bản.
Để có sản phẩm của mình, họ bỏ tiền mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BQ, một công ty sản xuất thiết bị truyền thông thành lập năm 2010 tại Tây Ban Nha, để có ngay trong tay bản vẽ thiết kế và phần mềm của 4 mẫu smartphone do BQ phát triển mà họ cho là phù hợp nhất với thị hiếu hiện nay của người dùng Việt.
Thay vì lao ngay vào phân khúc cao cấp để lấy tiếng mà cực kỳ nguy hiểm và tốn kém, họ chọn khởi nghiệp từ phân khúc phổ thông và tầm trung - phân khúc lớn nhất và thực sự là nguồn lợi cho các hãng smartphone.
Để sản xuất sản phẩm, nhà máy VinSmart được xây dựng ngay trong Tổ hợp sản xuất ôtô VinFast ở Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) theo tiêu chuẩn quốc tế với dây chuyền sản xuất hiện đại nhập từ các nước tiên tiến mà theo giới truyền thông sau khi được tận mắt tham quan về cho biết giống như của các hãng điện thoại hàng đầu trên thế giới - chỉ khác là quy mô còn nhỏ. Nhà máy này hiện có công suất 5 triệu sản phẩm/năm.
Để phân phối sản phẩm, đầu tháng 11-2018, Vingroup công bố đã hoàn tất thương vụ mua lại hệ thống cửa hàng bán lẻ điện thoại Viễn Thông A. Thành lập vào tháng 11-1997 tại TP HCM, Viễn Thông A là chuỗi bán lẻ hàng công nghệ thuộc nhóm lâu đời nhất tại Việt Nam, đang có gần 200 cửa hàng, bao gồm cửa hàng độc lập và mô hình "shop-in-shop" trong hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart cùng 100 trung tâm bảo hành.
Trước đó, đầu tháng 10-2018, Công ty CP Dịch vụ Thương mại VinCommerce thuộc Vingroup đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivismart và đổi tên thành VinMart. Vậy là, VinCommerce nắm trong tay hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+.
Ngay từ trước khi chính thức ra mắt, Vsmart đã có được một hệ thống bán lẻ và bảo hành hùng hậu khắp cả nước.
Tiếp cận công nghệ cao
Ngày 13-12, Tập đoàn Qualcomm (Mỹ) phát thông cáo báo chí cho biết 2 công ty Qualcomm Incorporated và VinSmart đã ký thỏa thuận giấy phép bản quyền toàn diện cho phép VinSmart ứng dụng các công nghệ của Qualcomm để phát triển, sản xuất và bán các sản phẩm như smartphone 4G/5G. Với thỏa thuận này, VinSmart chính thức gia nhập cộng đồng đối tác OEM then chốt của Qualcomm trên thế giới có đầy đủ quyền hạn tiếp cận với các công nghệ đột phá của Qualcomm. Qualcomm khẳng định VinSmart giờ đây có thể phát triển và bán các thiết bị 3G/4G/5G sử dụng các công nghệ di động của Qualcomm ở Việt Nam và nước ngoài.
Cho dù còn quá sớm để nói về một thương hiệu Việt, nhất là trong ngành smartphone vốn đang bão hòa và thay đổi chóng mặt, nhưng những gì Vsmart đang làm cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.
Trước nay, ai cũng hiểu là hầu hết thương hiệu Việt khác chỉ làm theo một cách chung là sang đại công xưởng toàn cầu Trung Quốc tìm mua những mẫu sản phẩm vừa ý rồi đặt gia công, in thương hiệu của mình, nạp phần mềm tạo sự khác biệt, đặc biệt là cài thêm một số ứng dụng Việt cho nó ra sản phẩm Việt. Cá biệt, có thương hiệu làm cách khác hẳn khi cho biết họ tự mày mò nghiên cứu để làm từ đầu một sản phẩm của chính họ. Họ tốn rất nhiều tiền cho cuộc chơi mà giới chuyên gia cho rằng "đam mê là chính".
Vsmart không chọn cách ngồi chờ vì sẽ mất thời cơ. Nhờ có vốn lớn, họ mua ngay bản quyền sản xuất thiết bị của nước ngoài về sản xuất. Suy cho cùng, chi phí có lẽ còn rẻ hơn là phải đầu tư nghiên cứu, vừa không chôn vốn vừa không lãng phí thời gian mà có thể đưa vào kinh doanh ngay. Đây là quyết định sáng suốt vì thị trường smartphone thay đổi cực nhanh, khiến dễ trở thành kẻ cứ phải chạy đuổi theo.
Đối với vấn đề cực kỳ tế nhị là "chất Việt" trong sản phẩm Việt, Vsmart cũng rất sòng phẳng. Họ chấp nhận xu hướng chung của toàn cầu là một sản phẩm có thể được lắp ráp bởi các nguồn linh kiện từ các nhà cung cấp khác nhau. Vấn đề nằm ở chất lượng linh kiện và thành phẩm cuối cùng. Giống như Apple đã làm với iPhone. Vsmart chỉ khẳng định mình là một thương hiệu Việt và sản phẩm được sản xuất ngay tại Việt Nam. Trong khi chọn giải pháp bỏ tiền ra mua và xây dựng ngay những bước nền tảng và sản phẩm ban đầu, VinSmart vẫn đầu tư cho khâu nghiên cứu và phát triển cho những bước tiến dài lâu. Chẳng hạn, họ sẽ phát triển hệ điều hành VOS dựa trên nền Android cùng các công nghệ và ứng dụng riêng.
Có thể nói rằng Vsmart không chỉ đơn thuần là một thương hiệu Việt. Đó là thương hiệu đầu tiên của kế hoạch và tham vọng dài lâu của Vingroup về việc xây dựng một ngành công nghiệp thiết bị công nghệ cao và thiết bị thông minh của Việt Nam.
"Nóng" thị trường di động
Trước khi ra mắt các sản phẩm mới, Vingroup thông báo khách hàng có thể đến các cửa hàng bán lẻ Vinmart+ trên toàn quốc để bảo hành điện thoại. Với hệ thống bảo hành rộng khắp trong cả nước, liên kết với các nhà bán lẻ khác..., Vsmart có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu lớn về thiết bị di động của nước ngoài. Mức giá đưa ra khá hấp dẫn: từ 2.490.000 đồng - 6.290.000 đồng.
Phân khúc tầm trung (từ 5 - 10 triệu đồng) đang thống lĩnh thị trường di động Việt Nam. Theo thống kê của GfK, tính trong năm 2017, điện thoại tầm trung chiếm hơn 51% thị phần. Người dùng Việt Nam có xu hướng chi nhiều tiền hơn cho chiếc smartphone ở mức giá 7 - 10 triệu đồng. Ở phân khúc này, so với cùng kỳ năm trước, 5 tháng đầu năm 2018, mức tăng lên đến 100%, chiếm 10% thị phần so với 5% trước đó. Còn tính riêng tháng 5-2018, thị phần điện thoại tầm trung lên tới 16%. Với việc Vsmart gia nhập phân khúc này, giới kinh doanh smartphone nhận định sẽ giúp người dùng có thêm nhiều lựa chọn cũng như tạo ra sự cạnh tranh mạnh giữa các hãng trong thời gian tới.
Vài ngày trước khi Vsmart tung ra các sản phẩm mới, nhiều thương hiệu smartphone khác đã "rục rịch" và tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, nâng cấp cho người dùng. Các hãng Xiaomi, Nokia nhanh chóng đưa ra chương trình hỗ trợ bảo hành lên đến 18 tháng (thông thường chỉ có 12 tháng) cho các sản phẩm tầm trung, giá rẻ của mình. Bên cạnh đó, Nokia, Huawei cũng thông báo sẽ sớm nâng cấp lên Android 9 Pie cho các sản phẩm tầm trung của mình, sau khi có thông tin sản phẩm của Vinsmart được cài đặt Android 9 Pie từ khi xuất xưởng. Những động thái này cho thấy các hãng cũng đang dè chừng smartphone của Vsmart.
Ngoài việc tung ra nhiều mẫu máy hơn, các sản phẩm Vsmart trong năm 2019 sẽ còn được mở rộng ở nhiều phân khúc. Vsmart cho biết 4 sản phẩm trong năm 2018 sẽ thuộc phân khúc trung cấp, còn 10 sản phẩm trong năm 2019 sẽ thuộc mọi phân khúc theo thông tin từ thông báo của Vsmart. Thông tin này khiến nhiều thương hiệu khác phải quan tâm.
PHẠM HỒNG PHƯỚC/NLĐ