Theo nguồn tin từ Bộ TT&TT, mới đây Sở TT&TT Hải Phòng đã kiến nghị với Bộ TT&TT chỉ đạo Tập đoàn VNPT tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp dùng chung hạ tầng ngầm, áp dụng mức giá thuê hạ tầng ngầm theo quy định của địa phương.
Theo Sở TT&TT Hải Phòng: "Hiện tại giá thuê hạ tầng ngầm do VNPT Hải Phòng thông báo cao gấp 2,4 đến 4,8 lần so giá thuê do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành".
Trước ý kiến này, nguồn tin từ Bộ TT&TT cho biết: “Trường hợp có tranh chấp giữa các doanh nghiệp về giá thuê hạ tầng ngầm, đề nghị Sở TT&TT phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng theo chức năng nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hiệp thương giá theo thẩm quyền; kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý giá của doanh nghiệp như: Thủ tục đăng ký thông báo, niêm yết giá… theo quy định tại Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT”.
Mới đây, Sở TT&TT Bắc Giang cũng kiến nghị Bộ TT&TT liên quan đến triển khai mạng 5G đòi hỏi cần phải xây dựng nhiều vị trí cột ăng ten lắp đặt trạm BTS. Do đó, Bộ TT&TT cần có định hướng, ban hành chính sách để kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng cột ang ten để cho các doanh nghiệp viễn thông thuê, sử dụng chung.
Theo kế hoạch, Bộ TT&TT sẽ xem xét, cấp phép cho các doanh nghiệp triển khai mạng 5G trong năm 2021. Nếu so sánh ở cùng quy mô phủ sóng thì yêu cầu về số trạm 5G chắc chắn nhiều từ 2-3 lần so với số trạm 4G, tuy nhiên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước, Bộ TT&TT đã xác định việc triển khai 5G ở Việt Nam sẽ ưu tiên tận dụng toàn bộ hạ tầng của mạng 4G; tập trung triển khai tại các khu trung tâm, khu công nghiệp, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung để triển khai các công nghệ số đổi mới sáng tạo mang tính đột phá. Đồng thời, Bộ TT&TT thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Do vậy, chi phí đầu tư, số lượng cột ăng ten cho việc triển khai mạng và dịch vụ 5G sẽ được tối ưu hóa, bảo đảm tính khả thi. Bộ cũng đang yêu cầu các nhà mạng nghiên cứu, triển khai một số biện pháp như roaming 5G, chia sẻ mạng RAN… nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí đầu tư phát triển hạ tầng 5G.
Triển khai 5G sẽ cần phải dùng chung hạ tầng viễn thông để giảm chi phí đầu tư cho nhà mạng.
Trước đó, ngày 24/12/2020, tại Bộ TT&TT, MobiFone, VNPT và Viettel đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về việc cung cấp và sử dụng dịch vụ cho thuê cơ sở hạ tầng.
Theo Cục Viễn thông, những năm gần đây, hạ tầng kỹ thuật viễn thông tại Việt Nam đã được xây dựng cơ bản khá đồng bộ. Tuy nhiên, công tác quản lý, xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động trong đó có hạ tầng mạng di động, nhà trạm viễn thông, cột anten… vẫn còn hạn chế.
Thực tế này không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn cho công tác phát triển, xây dựng hạ tầng của chính doanh nghiệp mà còn gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Do vậy, ngày 11/11/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ban hành Chỉ thị số 52/CT-BTTTT về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông. Trong đó yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thỏa thuận các nội dung kinh tế, kỹ thuật sử dụng chung cột ăng ten, tuyến cống bể cáp, tuyến cột treo cáp, nhà trạm viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông hoặc cùng thuê doanh nghiệp khác (doanh nghiệp xã hội hóa) hoặc thuê lại cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên ngành để sử dụng chung.
Hiện nay, Bộ TT&TT đang tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã nêu tại Chỉ thị số 52/CT-BTTTT bao gồm việc thỏa thuận, thống nhất các nội dung về kinh tế (giá thuê, sử dụng chung hạ tầng).
Theo đánh giá của Cục Viễn thông, trước đây các doanh nghiệp viễn thông thiếu chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động không những làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong công tác phát triển, xây dựng hạ tầng của chính doanh nghiệp viễn thông mà còn gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan môi trường, an toàn của người dân.
Cũng theo đại diện Cục Viễn thông: Các doanh nghiệp viễn thông cần triển khai hạ tầng rộng khắp, nhưng cũng cần tối ưu hóa đầu tư. Trước đây, một số doanh nghiệp viễn thông cũng đã có những thoả thuận chia sẻ hạ tầng. Tuy nhiên, vấn đề chia sẻ sử dụng chung giữa các đơn vị vẫn chưa thực chất, dẫn đến hạ tầng không đồng bộ và ảnh hưởng đến mỹ quan, đặc biệt ở các vùng đô thị. Chủ trương của Bộ TT&TT là cần đẩy mạnh việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp.
Việc ký kết thỏa thuận chia sẻ sử dụng chung vị trí trạm thu phát sóng giữa các doanh nghiệp viễn thông nhằm triển khai các chính sách, biện pháp dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động như cột ăng ten, nhà trạm BTS. Từ đó, góp phần tiết kiệm ngân sách cho nhà nước cũng như các doanh nghiệp viễn thông.
Việc hợp tác dùng chung hạ tầng viễn thông là cơ sở để các doanh nghiệp triển khai hạ tầng, giảm chi phí đầu tư phát triển hạ tầng. Đồng thời việc này sẽ là mô hình tốt để các doanh nghiệp viễn thông, các địa phương tham khảo và cùng triển khai trong thời gian tới.