Thận trọng với xu hướng của thị trường chung
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 14/3 đến ngày 18/3, VN-Index tăng 2,56 điểm (+0,17%) lên mốc 1.469,10 điểm. Thanh khoản giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 22.650 tỷ trên HSX, giảm mạnh 20,35% so với trung bình tuần trước. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng 9,01 điểm (+2,04%) lên mốc 451,21 điểm.
Thị trường phân hóa mạnh theo các nhóm ngành trong tuần vừa qua với phân nửa nhóm ngành tăng giá và phân nửa giảm giá. Nhóm cổ phiếu được hàng hóa như Phân bón (-9,6%), Thép (-2,7%), Dầu khí (-2,6%), Đường (-3,0%) bị chốt lời mạnh do cuộc chiến giữa Nga và Ukraina ngừng leo thang và tích cực đàm phán. Ở chiều ngược lại, Xây dựng (+5,1%), Bất động sản (+2,5%), Khu công nghiệp (+2,8%) ghi nhận một tuần giao dịch khá tích cực.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), tính chung lại trong tuần, VN-Index có sự hồi phục khá tốt với 4 phiên tăng, áp đảo hoàn toàn so với phiên giảm mạnh thứ 2 đầu tuần. Đóng cửa tuần VN-Index hình thành nến rút chân có tăng điểm so với tuần trước, nhưng thanh khoản lại có phần sụt giảm, dù có sự tham gia cơ cấu danh mục của các quỹ ETF.
“Xét về xu hướng, dù đã có 4 phiên tăng điểm, song chúng tôi chưa nhận thấy tín hiệu mạnh xác nhận xu hướng hồi phục. Mức giảm mạnh của tuần trước đó vẫn là điều đáng lo ngại khi xét trên tiêu chí phân tích kỹ thuật. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng với xu hướng của thị trường chung, ưu tiên vị thế đứng ngoài quan sát, kiên nhẫn chờ thêm tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn”, chuyên gia của CSI cho hay.
VN-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thanh khoản trong tuần qua suy giảm cũng cho thấy việc nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng ở thời điểm hiện tại nên vẫn chưa quay trở lại giải ngân mạnh mẽ hơn. Những điều này có thể sẽ được cải thiện trong tuần giao dịch này 21/-25/3 khi mà căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể sẽ tiếp tục hạ nhiệt, cũng như việc Chính phủ đang nỗ lực trong việc thúc đẩy giải ngân sớm gói đầu tư công. Và kết quả kinh doanh quý I/2022 của các doanh nghiệp có thể dần được hé lộ với những gam màu tích cực.
“Trong tuần giao dịch này 21/3-25/3, VN-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục với mục tiêu lần lượt là ngưỡng kháng cự 1.470 điểm và xa hơn là vùng 1.480-1.485 điểm (MA20-50). Các nhà đầu tư đã tiến hành mua vào trong vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm trong hai phiên đầu tuần có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại”, chuyên gia của SHS nêu ý kiến.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS), sau tuần ETF cơ cấu danh mục, cung cầu trên thị trường sẽ trở lại cân bằng hơn, do vậy thanh khoản nhiều khả năng sẽ tăng trở lại. Nhóm cổ phiếu đầu cơ nhiều khả năng sẽ gặp áp lực chốt lời và dòng tiền sẽ đón đầu nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 1 đến sớm. Bối cảnh chứng khoán thế giới cũng đã qua thời điểm khó khăn nhất, các thị trường đang trong đà hồi phục sau nhịp giảm mạnh vừa qua. Ở thị trường trong nước, sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản có thể là tín hiệu sớm cho thấy nhóm cổ phiếu VN30 có nhiều khả năng sẽ phục hồi trở lại.
Chuyên gia của MBS đưa ra 3 kịch bản cho tuần giao dịch 21/3-25/3, theo đó, trong kịch bản lạc quan, nếu chỉ số VN-Index lấy lại được mốc 1.500 điểm chỉ số sẽ duy trì nhịp tăng vượt đỉnh cũ và hướng tới vùng 1.536 điểm. Trong kịch bản cơ bản, khả năng chỉ số sideway-up biên độ hẹp trong vùng dao động quanh mức 1.460 – 1.500 điểm. Kịch bản thận trọng sẽ được kích hoạt trong trường hợp VN-Index điều chỉnh giảm xuyên vùng hỗ trợ 1.460 điểm khả năng sẽ rơi vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn xuống những vùng hỗ trợ thấp hơn từ 1.425 – 1.460 điểm.
“Chiến lược neo theo xu hướng dòng tiền ngắn hạn có thể ưu tiên được lựa chọn tập trung vào nhóm dòng tiền đang quan tâm như: BĐS, BĐS khu CN, Ngân hàng, du lịch, thủy sản… Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể quan tâm đến nhóm cổ phiếu tài chính (chứng khoán, bảo hiểm…) đang có câu chuyện tăng vốn trong năm nay… Xu hướng thị trường ngắn hạn có thể có nhịp phục hồi trở lại nhưng việc kiểm nghiệm các vùng cản mạnh có thể gặp khó khăn do đó việc trading mua thấp bán cao theo chu kỳ T+ được ưu tiên trước khi xu hướng trở nên rõ ràng hơn. Nhà đầu tư có thể chốt dần nhóm cổ phiếu nhỏ tăng nóng và chuyển dịch dần sang nhóm vốn hóa lớn (ngân hàng, chứng khoán, BĐS…) để đón đầu sóng kết quả kinh doanh quý I sắp được công bố”, chuyên gia của MBS khuyến nghị./.
Theo VTC