Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố báo cáo giao dịch cổ phiếu trong tháng 5 với nhiều điểm đáng chú ý.
Theo đó, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.292,68 điểm, giảm 5,42% so với tháng 4, tương ứng giảm 13,72% so với cuối năm 2021; VNAllshare đạt 1.312,15 điểm, giảm 6,64% so với tháng 4, tương ứng giảm 15,96% so với cuối năm 2021; VN-30 đạt 1.332,59 điểm, giảm 5,98% so với tháng trước, tương ứng giảm 13,23% so với cuối năm 2021.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 5 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 14.951 tỷ đồng và 540,22 triệu cổ phiếu, giảm lần lượt 32,40% về giá trị và 20,98% về khối lượng so với tháng 4.
Tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng lần lượt đạt khoảng 299,02 nghìn tỷ đồng và 10,8 tỷ cổ phiếu, giảm lần lượt 32,4% về giá trị và 20,98% về khối lượng so với tháng trước.
Như vậy, so với tháng trước, giá trị giao dịch giảm 143 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 6,2 tỷ USD).
Trong tháng 5/2022, tổng khối lượng giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW) đạt khoảng 542,08 triệu CW với giá trị giao dịch đạt trên 347,61 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch bình quân CW đạt hơn 27,1 triệu CW với giá trị giao dịch bình quân là 17,38 tỷ đồng, tương ứng giảm 12,9% về khối lượng và giảm 46,5% về giá trị so với tháng 4/2022.
Trong tháng, HOSE cũng đã tổ chức thành công một phiên chào bán cạnh tranh theo lô cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư tại Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Châu Đức, với tổng khối lượng bán được là 1.152.000 cổ phần tương đương tổng giá trị cổ phần bán được là 32.762.000.000 đồng.
Đến hết tháng 5/2022, trên HOSE có 44 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó, 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD, bao gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) và Tập đoàn Vingroup (VIC).
Dòng tiền lớn chưa vào, tiếp tục dò đáy
Theo các chuyên gia, thanh khoản giảm thời gian gần đây một phần do dòng tiền vào thị trường phái sinh nhưng chủ yếu là do dòng tiền chảy sang các kênh khác. Dòng tiền nhàn rỗi của các doanh nghiệp do đại dịch Covid đã rút ra và có thể quay lại sản xuất kinh doanh khi kinh tế phục hồi.
Lượng tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng cũng tăng khi lãi suất nhích lên. Bên cạnh đó, dòng tiền nóng vào thị trường có dấu hiệu thận trọng sau một loạt chính sách, hành động từ phía cơ quan quản lý rất mạnh mẽ với mục địch ổn định và minh bạch hơn thị trường tài chính, bất động sản.
Gần đây, thanh khoản trên thị trường đã cải thiện, lên mức 18-19 nghìn tỷ đồng, thay vì 15 nghìn tỷ đồng như các tuần trước. Thanh khoản có thể lên mức 20-22 nghìn tỷ đồng nhưng nhiều khả năng sẽ khó trở lại ngưỡng 30 nghìn tỷ đồng như thời kỳ bùng nổ cuối 2021 đầu 2022.
Với mức thanh khoản suy giảm như hiện tại, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng, thị trường nhiều khả năng chưa tạo đáy. Về mặt kỹ thuật, có thể xem VN-Index tạo đáy ở 1.200 điểm, sau khi tụt giảm về 1.160 điểm trong tháng 5.
Dù vậy, định giá cổ phiếu Việt hiện khá thấp, khoảng 11-12 lần và được đánh giá là hấp dẫn.
Theo VinaCapital, thị trường chứng khoán tiềm năng cả trong ngắn và dài hạn.
FPT cũng cho rằng, trong nửa đầu tháng 5, VN-Index giảm mạnh nhất trong thị trường của khu vực Đông Nam Á với tỷ suất lợi giảm 21,8%, các thị trường còn lại giảm dưới 8%. Định giá P/E xuống thấp hơn định giá trung bình 10 năm (15,0x).
Theo Dragon Capital, nền kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định, có tiềm năng tăng trưởng và định giá thị trường thấp. Lịch sử cho thấy sau các đợt điều chỉnh lớn trong 10 năm gần đây, thị trường đều hồi phục mạnh mẽ và chinh phục các mốc đỉnh mới.
Dù vậy, các tổ chức và nhà đầu tư cá nhân vẫn khá thận trọng. Gần đây, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý ghi nhận tỷ trọng tiền mặt khá cao, ở mức 5,77% (vào ngày 5/5), chỉ sau mức 6,38% tại tháng 5/2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.