Bộ Y tế vừa công bố kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh trong năm 2018 và giai đoạn 2018 - 2020.
Cụ thể, Bộ Y tế thống nhất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến tháng 5/2018 sẽ hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định mức giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc.
Trước mắt sẽ điều chỉnh một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp gồm: giá khám bệnh, giá giường nằm/ ngày và khoảng 40 dịch vụ như chụp X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, xét nghiệm…
Giá khám chữa bệnh sẽ tiếp tục tăng tới 8%.
Trong quý I/2018, cả nước đã có 14 tỉnh thực hiện giá khám chữa bệnh có tính cả chi phí tiền lương cán bộ nhân viên y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế. Theo kịch bản điều hành giá năm 2018, từ 1/7 thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ nêu trên.
Bên cạnh đó, trong năm 2018, Bộ Y tế cũng xây dựng, ban hành mức giá khám chữa bệnh gồm chi phí trực tiếp, tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000 đồng) và chi phí quản lý. Với cách tính mới, dự kiến mức giá sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5% - 8%.
Phương án này sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng - CPI khoảng 0,41%. Do đó, Bộ Y tế cho hay, nếu CPI chung 2018 tăng cao thì có thể điều chỉnh vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Về tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 37 đến Quỹ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết sau khi bù trừ giữa giá tăng, giá giảm, dự kiến làm tăng chi quỹ bảo hiểm y tế khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng/ năm.
Số dư năm 2018 chuyển năm 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng, Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn có khả năng cân đối đến 2020.
Huyền Anh/Phụ nữ