Cụ thể, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023, với lợi nhuận trước thuế 646 tỉ đồng, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và cách rất xa so với mục tiêu cả năm là hơn 2.800 tỉ đồng.
ABBANK cho biết hoạt động cho vay của ngân hàng chịu tác động chung trong bối cảnh tín dụng toàn ngành tăng trưởng chậm. Điểm sáng là thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này có sự tăng trưởng cao, đạt 491 tỉ đồng, gấp hơn 9 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Danh mục khách hàng của ABBANK tiếp tục được mở rộng, trong đó số lượng khách hàng cá nhân tăng trưởng so với cùng kỳ 2022, đạt hơn 2 triệu khách hàng.
Khó khăn chung của nền kinh tế khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm so với cùng kỳ
Nợ nhóm 3, 4, 5 của ngân hàng giảm 24,8% so với cuối quý trước, nợ xấu hiện nay chủ yếu tập trung ở nhóm khách hàng doanh nghiệp - nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng và kéo dài từ COVID-19.
Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBANK tính đến ngày 30-9-2023 ở mức 2,41%. Để hạn chế nợ xấu, bên cạnh việc liên tục rà soát các hợp đồng tín dụng và tài sản bảo đảm nhằm quản trị tín dụng hiệu quả, ABBANK đã thực hiện trích lập đầy đủ cho dự phòng rủi ro tín dụng.
"Lợi nhuận giảm là tình hình chung trong hệ thống ngân hàng khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhanh, cùng sự suy giảm ở một số mảng hoạt động và tổng cầu thị trường thấp, tình hình kinh tế xã hội có cải thiện nhưng còn khó khăn. Bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh" - đại diện ABBANK giải thích.
Theo ABBANK, ngân hàng đang kiên trì từng bước cải thiện các mảng hoạt động, tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, hướng tới thúc đẩy kinh doanh, quản trị rủi ro hiệu quả và tối ưu hóa chi phí hoạt động.
Một ngân hàng khác vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 là Ngân hàng Bản Việt (BVBank), với tình hình kinh doanh có sự cải thiện đáng kể so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo BVBBank, dù mặt bằng lãi suất huy động vốn đã giảm nhiều nhưng gánh nặng chi phí huy động vốn ở mức lãi suất cao từ cuối quý III/2022 vẫn còn lớn (chi phí huy động vốn tăng 54% so với cùng kỳ 2022).
Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng thấp ở mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh 2 - 3 điểm %; chất lượng tín dụng suy giảm do khó khăn chung tác động lớn đến thu nhập và dự phòng rủi ro của BVBank.
Riêng quý III, tổng thu nhập lãi thuần của BVBank đạt gần 460 tỉ đồng, tăng mạnh so với quý 2, lợi nhuận trước thuế là 22 tỉ đồng, cao hơn so với quý trước. Lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt 61 tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái hơn 400 tỉ đồng).
Theo chia sẻ của lãnh đạo BVBank, từ cuối quý III, nền kinh tế có những dấu hiệu hồi phục nhất định, hoạt động của khách hàng có khởi sắc hơn, qua đó tạo tiền đề giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngân hàng những tháng cuối năm, đặc biệt cho vay và thu hồi công nợ của ngân hàng trong thời gian còn lại của 2023.
Ghi nhận của Báo Người Lao Động, đến thời điểm này, một loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý III với những ngân hàng báo lãi ngàn tỉ đồng, thậm chí hơn chục ngàn tỉ đồng nhưng bức tranh chung vẫn là sụt giảm so với cùng kỳ, phản ánh khó khăn chung của nền kinh tế nhất là tín dụng toàn ngành tăng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ các năm.