Quản lý chặt hơn tín dụng vào bất động sản
Thời gian tới, vốn tín dụng vào bất động sản sẽ được quản lý chặt hơn trước. Cụ thể, chỉ các dự án bất động sản đủ điều kiện kinh doanh mới được vay vốn ngân hàng. Các hoạt động vay vốn sẽ bị hạn chế, nếu các công ty hay dự án chưa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Đây là những quy định mới trong Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước về cho vay tín dụng sẽ có hiệu lực từ 1/9 tới.
Yêu cầu hoàn thuế VAT ngay cho hồ sơ đã kiểm tra xong
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa có công điện gửi cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Công điện có nhiều nội dung nhằm tháo gỡ nút thắt về hoàn thuế VAT đã tồn tại suốt hai năm qua.
Đáng chú ý, Tổng cục Thuế yêu cầu với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT mà cơ quan thuế đã kết thúc kiểm tra, xác định đủ điều kiện hoàn thì phải thực hiện giải quyết hoàn thuế ngay. (Xem thêm)
Sau thanh tra EVN về cung ứng điện, Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý vi phạm
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái liên quan tới kết luận thanh tra của Bộ Công Thương về cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung nêu tại kết luận thanh tra; đôn đốc xử lý các vi phạm được phát hiện qua thanh tra. Bộ này cũng được yêu cầu kiểm tra việc xử lý sau thanh tra. (Xem thêm)
14 dự án điện mặt trời hưởng giá sai: Bộ Công Thương yêu cầu EVN có giải pháp
Bộ Công Thương vừa yêu cầu EVN rà soát, đề xuất giải pháp xử lý kinh tế với 14 dự án điện mặt trời đã và đang hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng Nghị quyết 115/NQ-CP và báo cáo trước ngày 31/8.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, 14 dự án này được áp dụng giá FIT 9,35 UScent/kWh không đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115/NQ-CP. Do vậy, từ năm 2020 đến 30/6/2022, EVN đã phải thanh toán tăng khoảng 1.481 tỷ đồng (tạm tính) so với việc thanh toán theo đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115/NQ-CP. (Xem thêm)
Sách giáo khoa tăng giá cực mạnh, chiết khấu tới 30%
Kết quả bước đầu giám sát chuyên đề của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đưa ra một thông tin gây chú ý. Mức chi phí phát hành (chiết khấu) tối đa đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%. Năm học 2022-2023 đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
Thông tin về chiết khấu sách giáo khoa ngay lập tức nhận được sự quan tâm, nhất là khi năm học mới đang cận kề, trong bối cảnh giá sách giáo khoa mới tăng gấp 2-3 lần bộ sách cũ. (Xem thêm)
Giá gạo Việt vọt cao chưa từng có
Gần 3 tuần kể từ khi Ấn Độ thông báo cấm xuất khẩu (ngày 20/7), nguồn cung gạo trên toàn cầu chao đảo, các quốc gia chóng mặt với loại lượng thực này.
Thực trạng này đẩy giá lúa gạo trên thị trường thế giới tăng từng ngày. Thậm chí, tại châu Á, giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta đã lên mức cao hiếm có trong lịch sử. (Xem thêm)
Mỹ cấp 'visa' cho quả dừa sọ Việt Nam
Ngày 8/8, Mỹ chính thức mở cửa thị trường với quả dừa sọ Việt Nam. Loại trái cây được kỳ vọng sớm thu về 1 tỷ USD này sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ ngay lập tức.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này ước khoảng 900 triệu USD. Việc mở cửa thêm thị trường Mỹ và sắp tới là thị trường Trung Quốc giúp quả dừa sớm trở thành trái cây xuất khẩu tỷ USD tiếp theo của Việt Nam. (Xem thêm)
Gói thầu Sân bay Long Thành bị khiếu nại
Ngày 1/8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông báo Liên danh Vietur đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu 5.10. Điều này đồng nghĩa, 2 liên danh còn lại là Hoa Lư và CHEC-BCEG-Vietnam Contractors bị loại khỏi quá trình đấu thầu.
Liên danh Hoa Lư vừa có bản kiến nghị khiếu nại ACV về việc liên danh Vietur là đơn vị duy nhất lọt qua vòng kỹ thuật.
Còn ACV khẳng định đã làm đúng việc đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Việc liên danh Hoa Lư gửi kiến nghị chưa đúng quy trình, làm ảnh hưởng uy tín các bên. (Xem thêm)
Rút tiền liên ngân hàng trong ATM không cần thẻ
CTCP Thanh toán Quốc gia (NAPAS) phối hợp các ngân hàng vừa hoàn thiện việc phát triển dịch vụ rút tiền qua ATM liên thông giữa các ngân hàng bằng mã VietQR (VietQRCash).
Với việc số hoá thẻ vật lý để phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt, trong ví của mỗi người không cần phải dày cộp lên vì 5-6 cái thẻ, thay vào đó chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh. (Xem thêm)
Sản xuất trong nước thua thiệt vì chịu thuế cao hơn hàng nhập khẩu
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý đối với Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
VCCI cho rằng, hàng hóa sản xuất trong nước chịu thuế giá trị gia tăng cao hơn nhập khẩu, khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước tiếp tục thua thiệt. (Xem thêm)
Bộ Tài chính muốn thu phí khí thải, ngân sách có thêm 1.200 tỷ đồng/năm
Mặc dù đã có nhiều loại thuế phí liên quan đến bảo vệ môi trường, nhưng Bộ Tài chính tiếp tục muốn thu thêm phí khí thải với sản xuất gang thép, phân bón vô cơ, sản xuất than cốc, nhiệt điện, xi măng...
Bộ Tài chính dự kiến khi thực hiện chính sách này làm tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước. Số tiền này góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại địa phương - nơi có nguồn thải gây ô nhiễm.
Theo Vietnamnet