Năm đầu tiên áp dụng tuyển giáo viên không cần hộ khẩu TP.HCM, tỷ lệ “chọi” trung bình để giành được một suất giáo viên bậc trung học phổ thông tại TP.HCM là 1/4, trong đó có những môn, tỷ lệ chọi lên đến 1/15. Song, cũng có môn tỷ lệ chọi chỉ 1/1 như tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc.
Vẫn khan hiếm giáo viên tiếng Anh, tin học
Đợt xét tuyển giáo viên (GV) trung học phổ thông (THPT) năm học 2018-2019 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vừa diễn ra trong hai ngày 20 và 21/7 tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Điểm mới trong xét tuyển lần này là không yêu cầu hộ khẩu TP.HCM ở tất cả các bậc học theo Quyết định 43 của UBND TP.HCM.
Nhu cầu tuyển dụng GV THPT năm nay của Sở GD-ĐT TP.HCM rải đều hầu hết các môn. Trong đó, các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, chỉ tiêu không nhiều nhưng số lượng ứng tuyển lại rất cao. Như môn vật lý, chỉ tiêu 18 nhưng đến 271 ứng viên đăng ký, tỷ lệ “chọi” tương đương 1/15. Môn hóa học, tỷ lệ “chọi” cũng lên đến 1/15 vì có đến 180 ứng viên đăng ký trong khi chỉ tuyển 12 người. Kế đến môn toán tuyển 40 GV nhưng có 330 ứng viên đăng ký, tỷ lệ “chọi” 1/8,25.
Ứng viên N.V.T. (ứng viên môn toán, quê Đắk Lắk) cho biết: “Với tỷ lệ “chọi” khá gay gắt thì khả năng giành được một suất GV dạy tại TP.HCM không đơn giản. Cho dù trình độ chuyên môn giỏi nhưng ứng viên yếu kỹ năng đứng lớp, xử lý các tình huống giáo dục thì khó có cơ hội trúng tuyển”.
T cũng cho biết thêm: “Ngay bước đầu xét duyệt hồ sơ, ứng viên còn phải đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Cụ thể, trình độ A2 tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tin học cơ bản theo Thông tư 03 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông... Điều này cho thấy, yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM đặt ra hết sức cao”.
Tuy nhiên, trái ngược với các môn học trên, một số môn mà lâu nay ngành GD-ĐT TP.HCM thiếu nhiều nhân sự như tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc thì tỷ lệ “chọi” lại rất thấp. Cụ thể, môn tiếng Anh, chỉ tiêu tuyển dụng đến 70 người, cao nhất trong các môn nhưng đăng ký chỉ 91 người, tỷ lệ “chọi” 1/1,3. Tương tự, môn mỹ thuật, âm nhạc tỷ lệ “chọi” chỉ 1/1. Đặc biệt, môn tin học tỷ lệ “chọi” chưa đến 1. Tại buổi xét tuyển, một nữ ứng viên môn tin học (đang giảng dạy tin học bậc tiểu học tại Q.Tân Phú) chia sẻ, chỉ tiêu tuyển dụng tin học lên đến 40 người nhưng chỉ 34 người đủ điều kiện dự tuyển.
Có thể vì lương thấp, việc giảng dạy chỉ xoay quanh kiến thức sách giáo khoa, trong khi ra làm công ty lương cao, kiến thức vận dụng lại vô hạn nên nhiều người không mặn mà đi dạy. Đối với ứng viên này, do không có bằng sư phạm tin học, hộ khẩu lại ở tỉnh nên bốn năm nay phải dạy hợp đồng. Hơn nữa, dạy tiểu học chỉ dừng lại ở tin học cơ bản như Word, PowerPoint khá đơn điệu nên khi TP.HCM có quyết định không yêu cầu hộ khẩu, ứng viên này quyết định nộp hồ sơ ngay. Trước tỷ lệ “chọi” chưa đầy 1, ứng viên này tự tin chỉ cần 5 điểm là trúng tuyển.
50% ứng viên ngoài TP.HCM
Số liệu từ Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy, nhu cầu chỉ tuyển 363 vị trí GV và 62 vị trí nhân viên nhưng có đến 1.682 bộ hồ sơ đủ điều kiện tham gia ứng tuyển. Trong đó, hơn 50% ứng viên đến từ các tỉnh, thành ngoài TP.HCM.
Hầu hết các ứng viên tham gia xét tuyển đều cho rằng, tình hình chung về nhu cầu tuyển GV tại các tỉnh ngoài TP.HCM đang bão hòa, thậm chí thừa rất nhiều. Phần lớn sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường phải dạy hợp đồng hoặc thất nghiệp. Chính vì thế, TP.HCM vừa có quyết định không yêu cầu hộ khẩu trong tuyển dụng ở tất cả các bậc học, nhiều ứng viên đã nhanh tay đăng ký để không bỏ lỡ cơ hội.
Chị Trang (ứng viên môn sinh học, quê Ninh Bình) vừa tốt nghiệp sư phạm sinh học Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 cách đây ít tháng, chia sẻ: “Trung bình từ ba đến bốn năm, tỉnh Ninh Bình mới tổ chức thi tuyển GV một lần và cơ hội trúng tuyển không cao vì GV đang thừa nhiều, số lượng tuyển lại ít. Ngược lại, TP.HCM năm nào cũng tuyển với số lượng lớn, năm nay lên đến 42 người nên đây là cơ hội cho GV tỉnh lẻ như chúng tôi tham gia”.
Tuy nhiên, nhiều ứng viên tham gia xét tuyển GV THPT lần này còn nộp hồ sơ ở các nơi khác. Đơn cử như chị Trang, ngoài tham gia xét tuyển GV THPT còn nộp hồ sơ tại một số quận, huyện và trường ngoài công lập. Hay như anh T.T.D. (ứng viên môn toán, quê Bình Thuận), ngoài nộp hồ sơ vào Sở GD-ĐT còn nộp hồ sơ vào Q.Thủ Đức, Q.8 và Q.Tân Bình. Anh T.T.D. cho biết: “Đây là cơ hội để các ứng viên ngoài TP.HCM được vào biên chế và giảng dạy chính thức tại thành phố năng động nhất nước. Bản thân tôi đã tốt nghiệp sư phạm toán hai năm nay nhưng vẫn thất nghiệp nên quyết định nộp nhiều nơi để phòng rớt bậc THPT thì còn cơ hội trúng tuyển tuyến quận, huyện”.
Với việc mở rộng nguồn tuyển, hy vọng công tác tuyển dụng năm nay sẽ đáp ứng về số lượng, chất lượng GV cho TP.HCM. Tuy nhiên, việc ứng viên nộp hồ sơ cùng lúc nhiều nơi không tránh khỏi trường hợp trúng tuyển “ảo”. “Ứng viên có nhiều lựa chọn nơi giảng dạy tốt, thuận tiện đồng nghĩa với việc sẽ nhảy việc nhiều nơi. Đây có thể là bất lợi trong tuyển dụng GV tại TP.HCM”, anh N.V.T. (ứng viên môn toán, quê Đắk Lắk) nhận xét.
Linh Anh/Phụ nữ