Điểm nổi bật nhất của Mi 8 Explorer Edition đến từ ngoại hình. Chiếc máy này ngoài việc có màn hình tai thỏ, cụm camera kép nằm dọc có 2 viền màu đỏ chạy xung quanh nhìn khá bắt mắt thì nó còn có một nắp lưng trong suốt. Nhưng đáng tiếc rằng cuộc ‘mổ xẻ’ gần đây nhất cho thấy thứ linh kiện mà chúng ta thấy qua mặt lưng chỉ là bản khắc lên chính linh kiện thực sự nằm bên trong. Nó được làm từ đồng, gia cố bằng khung thép, rồi trải qua quá trình xử lý khắc laser tạo kết nối như một bo mạch thật sự. Bên trên là 101 tụ điện, 32 điện trở, 6 IC chuyển mạch, 11 IC cảm biến và 7 IC điền khiển tín hiệu. Mọi quá trình đều thực hiện trong môi trường tiêu chuẩn, không bụi.
Sau khi hoàn tất quá trình xử lý bo mạch trang trí, Xiaomi ốp phần mạch này lên trên bo mạch chủ thật sự rồi ốp kính lên. Có thể xem như đây chỉ là cách trang trí mà thôi, không đúng với những gì người dùng tưởng tượng và kỳ vọng.
Còn lại, Mi 8 EE vẫn được hoàn thiện hết sức cao cấp giống Mi 8 tiêu chuẩn, có chăng để chê một chút là nút bấm vẫn tỏ ra lỏng lẻo, đây gần như là ‘truyền thống’ của các thiết bị Xiaomi từ thấp cấp đến cao cấp.
Một tính năng nữa đã thử qua đó là cảm biến vân tay đặt dưới màn hình. Mặc dù đăng ký vân tay khá lâu và chỉ có duy nhất một điểm đặt ngón tay nhưng tốc độ nhận diện khá nhanh, đủ để không gây cảm giác khó chịu cho người dùng kèm theo rung phản hồi để dễ cảm nhận bạn đã chạm đúng vị trí hay chưa.
Bên cạnh cảm biến vân tay, Mi 8 Explorer Edition còn có cả tính năng nhận dạng khuôn mặt 3D giống Face ID của Apple. Nó sử dụng công nghệ ánh sáng chiếu 33.000 điểm vào khuôn mặt người dùng để tính toán chính xác và xác nhận từng chi tiết, đặc điểm của khuôn mặt. Mi 8 phiên bản thường cũng có nhận dạng khuôn mặt nhưng chỉ là ảnh, không thể tốt bằng cảm biến 3D trên Mi 8 Explorer Edition. Trải nghiệm hệ thống này đem lại là rất tuyệt vời, mở khóa gần như ngay tức thì, có lẽ bạn sẽ quên luôn cảm biến vân tay khi trải nghiệm mở khóa bằng khuôn mặt.
Về thông số kỹ thuật, Xiaomi MI 8 Explorer Edition cũng được ưu ái hơn một chút so với bản tiêu chuẩn. Phiên bản trên tay ngày hôm nay vẫn dùng chip xử lý Snapdragon 845 nhưng đi kèm với 8GB RAM và 128GB bộ nhớ trong. Điện thoại có cụm camera kép 12MP + 12MP ở phía sau, đã có rất nhiều người dùng đánh giá cao chất lượng của hệ thống này trên Mi 8 và cho rằng nó có thể sánh ngang với iPhone X. Máy lấy nét hay đo sáng đều rất nhanh, ảnh trong điều kiện đủ sáng không có gì phải phàn nàn. Vì điều thời gian chưa cho phép nên người viết chưa thể đem máy vào những bài thử khó hơn như thiếu sáng hay chụp đêm.
Camera ở phía trước có độ phân giải 20MP với hỗ trợ từ công nghệ AI cho ra bức ảnh màu sắc hay làm đẹp đều tự nhiên. Viên pin của Mi 8 EE có dung lượng 3.000mAh vì vậy cần trải nghiệm lâu hơn để biết ‘sức bền’ của thiết bị này.
Ở Xiaomi Mi 8 Explorer Edition, điều người dùng ấn tượng nhất với nó lúc ra mắt đó là ngoại hình nhưng khi trên tay điều này lại không được như kỳ vọng. Tuy nhiên, ở những chi tiết khác như độ hoàn thiện, chất lượng hệ thống camera, cảm biến vân tay dưới màn hình hay khả năng nhận diện khuôn mặt đều rất tốt. Cái khó để sản phẩm này tiếp cận được với người dùng đó là mức giá hiện tại khi về đến thị trường Việt Nam rơi vào khoảng 20 triệu đồng nghĩa là bị đội giá khoảng gần 6 triệu đồng. Giá cao là thế nhưng cũng rất khó để mua được chiếc máy này tại Trung Quốc, bằng chứng là mặc dù bán ra từ ngày 30/7 nhưng đến thời điểm này mới chỉ có duy nhất 1 máy về Việt Nam, đủ thấy độ khan hàng của Mi 8 Explorer Edition.
Hải SN/Nghe nhìn VN