Giai đoạn 2022 - 2023, Dự án “Nền tảng học tương tác trực tuyến CLB Nữ sinh” được triển khai tại 08 trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với nguồn kinh phí được tài trợ bởi HSBC Việt Nam, bao gồm THPT Bắc Sơn, THPT Định Hóa, THPT Phú Bình, THPT Phú Lương, THPT Võ Nhai, THPT Nguyễn Huệ, THPT Lý Nam Đế và THPT Trại Cau. Dự án hỗ trợ chi phí vận hành CLB Nữ sinh và trang bị phòng đa phương tiện tại mỗi trường (bao gồm máy tính, màn hình trình chiếu và hệ thống hội nghị trực tuyến) nhằm tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi và linh hoạt nhất cho các thành viên truy cập tài liệu và triển khai các hoạt động sinh hoạt CLB. Dự án nhận được sự tham gia nhiệt tình của 344 nữ sinh, trong đó có 276 nữ sinh thuộc nhóm dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Sán Dìu, Dao, v.v.
Sau hai năm hoạt động, CLB Nữ sinh của 8 trường đã tổ chức 342 buổi sinh hoạt, 31 buổi sinh hoạt dưới cờ toàn trường, hơn 8.500 học sinh cả nam và nữ tại Thái Nguyên được chia sẻ, tiếp cận các thông tin, kiến thức thuộc bốn nhóm chủ đề: (1) quản lý tài chính cá nhân, (2) quyền hợp pháp, (3) sức khỏe sinh sản - tình dục và (4) kỹ năng lãnh đạo. Những hoạt động phong phú của CLB đã mang đến cho các bạn học sinh, đặc biệt là các nữ sinh dân tộc thiểu số, góc nhìn cởi mở, sáng tạo, sự tự tin và các kỹ năng cần thiết nhằm phát triển bản thân, từng bước góp phần xóa bỏ định kiến và văn hóa lạc hậu trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Nằm trong khuôn khổ chương trình Mở đường đến Tương lai - hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cho nữ sinh dân tộc thiểu số tại Việt Nam của Tổ chức VinaCapital Foundation, dự án phát huy giá trị “sức mạnh tập thể” trong việc lan tỏa kiến thức và kỹ năng cho cho trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số - nhóm dễ bị tổn thương nhất và chịu nhiều hạn chế nhất tại Việt Nam do sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới và dân tộc, các hủ tục lạc hậu, trình độ học vấn thấp và thiếu thốn điều kiện vật chất. Tại Thái Nguyên, dự án đánh dấu sự thành công bằng những kết quả tích cực với hơn 75% nữ sinh có nhận thức đúng và đầy đủ về quyền hợp pháp, tảo hôn, giới và bình đẳng giới - đúng với mục tiêu được đề ra khi khởi động dự án. Những kiến thức được truyền tải thông qua các buổi sinh hoạt CLB đã giúp các thành viên phát triển khả năng quản lý tài chính, tính tự lập và sự tự tin để theo đuổi ước mơ và trở thành những nhân tố lan tỏa kiến thức cho cộng đồng của mình.
Ông Rad Kivette, Tổng Giám đốc tổ chức VinaCapital Foundation, chia sẻ: “Qua việc triển khai thành công dự án này tại tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi được chứng kiến những thay đổi tích cực và rất đáng trân trọng của các em nữ sinh tham gia CLB, từng bước tiến gần đến mục tiêu dài hạn của chương trình Mở đường đến Tương lai trong việc giảm tỉ lệ bỏ học, xóa bỏ nạn tảo hôn tồn tại dai dẳng trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện và cơ hội cho các em tự tin làm chủ cuộc sống của mình. Tổ chức VinaCapital Foundation trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quỹ học bổng Vừ A Dính cùng sự hỗ trợ đồng hành của các cơ quan địa phương tỉnh Thái Nguyên để thực hiện thành công dự án trong hai năm qua. VCF cam kết thực hiện nhân rộng mô hình CLB Nữ sinh Mở đường đến Tương lai tại nhiều địa phương khác, đem đến cơ hội học tập và phát triển cho các em nữ sinh dân tộc thiểu số.”
Từ những thành công của dự án trên, VinaCapital Foundation sẽ tiếp tục nhân rộng và triển khai mô hình CLB Nữ sinh tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mục tiêu giúp cho thêm nhiều nữ sinh tiếp cận được với kiến thức, phát triển và có được tương lai tốt đẹp hơn.
PV