Giá vàng và trứng gia cầm đồng loạt tăng; trong khi giá gas, cua, mít Thái, dưa hấu, thanh long... rớt giá thê thảm.
Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.829 USD/ounce - tăng 15 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch hôm qua.
Mặc dù ngày 30/12, Bộ Lao động Mỹ công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở mức 198.000 đơn trong tuần qua, mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua kể cả từ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo là 208.000 đơn và thấp hơn mức của tuần trước đó là 205.000 đơn.
Theo quy luật thông thường, báo cáo số liệu việc làm tích cực cho thấy nền kinh tế đang phục hồi mạnh, thu hút mạnh lao động vào làm việc thì giá vàng sẽ lùi sâu.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, giá vàng lại tăng mạnh sau báo cáo việc làm là do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã giảm mạnh từ 1,544% xuống còn 1,512%, mất mốc đỉnh của tháng 12/2021. Cùng với đó, đồng USD lại mất giá trong giỏ thanh toán quốc tế. Chỉ số Dollar-Index ngày 30/12 đã giảm mạnh 0,33% xuống 95,885 điểm, mất mốc 96 điểm.
Theo chuyên gia và giới đầu tư, số liệu việc làm chưa phản ánh ngay vào giá cả trên thị trường. Còn giá đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm đã tác động ngay vào lợi nhuận của nhà đầu tư tài chính. Bởi khi lạm phát tăng cao mà lợi suất trái phiếu giảm thì đầu tư vào các sản phẩm tiền gửi và mua trái phiếu càng bị âm. Do đó họ đã chuyển mạnh dòng tiền sang mua vàng vừa để đề phòng rủi ro và vừa tìm kiếm lợi nhuận khi lạm phát còn ở mức cao. Theo biểu đồ giá vàng thế giới, phiên cuối năm 2021, mặc dù khối lượng giao dịch vàng không nhiều nhưng đã đẩy thị trường đi lên.
Nhìn chung, trong tuần giá vàng thế giới cơ bản đi lên do nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh gia tăng và lạm phát chưa được kiểm soát. Tính chung trong tuần giá vàng thế giới đã tăng mạnh 19 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Tuần qua, giá vàng trong nước cơ bản đi theo xu hướng thế giới. Những phiên đầu tuần giá vàng SJC và nhẫn điều chỉnh nhẹ theo cả chiều tăng và giảm. Tuy nhiên, 2 phiên cuối tuần, khi giá vàng thế giới tăng mạnh, vàng trong nước đã tăng giá theo. Mỗi lượng vàng miếng SJC trên thị trường tự do đã tăng 50.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại Doji, giá vàng SJC đã tăng 100.000 đồng/lượng và tại Phú Quý giá vàng SJC tăng 200.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Giá gas tháng 1/2022 giảm 8.000 - 10.000 đồng/bình 12kg
Thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh gas cho biết từ ngày 1/1/2022, giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm 8.000 - 10.000 đồng/bình loại 12kg.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ ngày 1/1 giá các loại gas City Petro, Vimexco Gas, Pacific và Esgas giảm 8.000 đồng/bình 12kg và giảm 33.000 đồng/bình 50kg.
Theo đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng không quá 468.500 đồng/bình 12 kg và 1.954.000 đồng/bình 50 kg.
Tương tự, Công ty Saigon Petro thông báo từ ngày 1/1 giá bán gas Saigon Petro giảm 10.000 đồng/bình, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng còn 444.000 đồng bình 12 kg.
Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng cho biết, từ ngày 1/1, giá bán PetroVietNam gas giảm tương đương 8.000 đồng/bình 12 kg và 30.000 đồng/bình 45 kg so với tháng 12/2021.
Theo các công ty gas, do giá gas thế giới bình quân tháng 1 là 725USD/tấn, giảm 47,5USD/tấn so với tháng 12 nên các công ty điều chỉnh giảm tương ứng.
Ông Lê Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết, có thời điểm giá gas thế giới giảm hơn 100 USD/tấn tương đương giá gas trong nước dự báo giảm hơn 30.000 đồng/bình 12 kg.
Tuy nhiên, đến giờ chót giá gas thế giới tăng trở lại, giá gas dự kiến giảm 14.000 đồng/bình 12kg. Song song đó, do giá premium năm 2022 tăng 12USD-15USD/tấn (giá cước vận chuyển, bảo hiểm…), tỷ giá cũng tăng nên mức giá gas giảm như công bố.
Trung Quốc đóng cửa khẩu, giá trái cây rớt thê thảm
Anh Hoà, chủ nhà vườn ở Long An cho biết, mới tuần trước, giá mít tại vườn được thương lái mua 10.000 - 12.000 đồng/kg, nay rớt còn 4.000 - 5.000 đồng/kg. "Giá giảm mạnh nhưng việc bán ra cũng khá khó khăn vì thương lái ngại thu mua", anh Hoà nói.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Cần Thơ. Sở hữu cả 1.000 cây mít Thái, anh Thanh cho biết, cả vườn mít đã đến vụ thu hoạch nhưng giá bán chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. Nếu không bán nhanh, giá sẽ còn giảm nữa vì không có thương lái thu mua. Với giá này, gia đình anh sẽ phải chịu lỗ nặng.
"Đến nay, tình trạng xe container ùn ứ tại các cửa khẩu xuất đi Trung Quốc vẫn khá trầm trọng. Nhiều thương lái đang phải đổ bỏ vì không tiêu thụ được dẫn đến thua lỗ. Do đó, hoạt động thu mua mít hiện rất chậm", anh Thanh nói và cho biết nhiều nông dân ở vùng sâu thậm chí phải bán giá mít xô tại vườn chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Các loại khác như dưa hấu, thanh long ở các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên cũng rớt giá từ 8.000 đồng xuống 3.000 - 5.000 đồng/kg cho hàng xuất khẩu.
Chị Hải ở Kon Tum - sở hữu hơn một ha dưa hấu - cho biết, cách đây 2 tuần, thương lái vào đặt cọc với giá tại vườn là 8.000 đồng/kg. Sau khi có thông tin đóng một vài cửa khẩu và việc thông quan hàng sang Trung Quốc chậm, giá rớt còn 3.000 đồng/kg cho hàng xuất khẩu.
"Với mức giá này, một ha dưa của tôi bị lỗ 50% trên chi phí đầu tư. Tuy vậy, tôi vẫn phải bán vì để lâu dưa sẽ bị hỏng", chị Hải nói.
Là thương lái chuyên mua nông sản tại các tỉnh Tây Nguyên, chị Mai cho biết cũng đang chịu cảnh lỗ nặng. Thay vì vài chục tấn dưa bán cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc với giá tốt, nay chị chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa với mức 4.000 đồng/kg.
Cũng thừa nhận chưa từng thấy cảnh ảm đạm khi vào vườn cắt trái cây như thời điểm này, ông Hoàng, thương lái 20 năm kinh nghiệm ở các tỉnh miền Tây cho biết, chỉ dám thu mua 1/5 so với 2 tuần trước đó và bán xô trong nước.
"Nhiều nhà vườn gọi điện vào cắt trái nhưng tôi không dám ôm hàng vì không thể tìm được đầu ra", ông Hoàng chia sẻ
Theo các thương lái, rất khó để kiếm được thị trường thay thế Trung Quốc. Bởi đây là nơi có sức tiêu thụ lớn nhất trong các thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) dự báo, trong quý I/2022, sản lượng trái cây chính ở các tỉnh thành phía Nam khoảng 1,6 triệu tấn. Trong đó, thanh long khoảng 297.000 tấn; chuối 250.000 tấn; xoài 244.000 tấn; mít 159.000 tấn; bưởi 144.000 tấn; cam 132.000 tấn và dứa khoảng 127.000 tấn...
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến ngày 25/12, Quảng Ninh còn 1.555 xe container tồn, Lạng Sơn 4.204 xe.
Xe ùn ứ dài ngày trên đường quốc lộ, tại các bãi trung chuyển cửa khẩu... khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Phần lớn hàng đang ùn tại các cửa khẩu là hàng nông sản như thanh long, mít, dưa hấu, xoài...
Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả, nếu tình trạng hiện tại kéo dài với hơn 6.200 container ùn ứ, doanh nghiệp có thể thiệt hại 3.000 - 4.000 tỷ đồng.
Giá cua Cà Mau giảm 100.000 đồng/kg
Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2020, thông thường, đây là thời điểm giá cua Cà Mau tăng cao. Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá cua Cà Mau đang ở mức thấp.
Cụ thể, giá cua thịt (từ 400gr) dao động từ 220.000 - 240.000 đồng/kg; cua gạch có giá từ 300.000 - 400.000 đồng/kg, tùy loại. Mức giá giảm trung bình khoảng 100.000 đồng/kg so với 10 ngày trước.
Nông dân Trần Văn Hoàng (xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, Cà Mau), cho biết: "Hiện nay nhiều thương lái thu mua cua rất kén chọn. Thương lái chỉ lựa những loại cua ngon, có chất lượng để mua vì đa số tiêu thụ nội địa. Một số loại cua thịt dưới 400gr hoặc mềm thì họ không mua. So với năm rồi, thời điểm này giá cua không tăng mà còn giảm".
Theo nhiều thương lái ở Cà Mau, sở dĩ giá cua xuống thấp những ngày gần đây là do việc xuất bán cua qua thị trường Trung Quốc gặp khó. Trung Quốc đóng một số cửa khẩu khiến nhiều vựa cua không dám thu mua cua.
Thương lái Tạ Tấn Vàng (ngụ thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn), cho hay: "Lượng cua biển trong dân so với năm rồi vẫn ổn định. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số cửa khẩu ở Trung Quốc đóng thường xuyên nên ảnh hưởng đến giá cua Ca Màu. Chính vì vậy, các vựa thu mua cua cũng siết chặt. Từ đó dẫn đến các thương lái khi vào vuông tôm thu mua cũng phải cẩn trọng".
Trứng gia cầm tăng giá, người chăn nuôi phấn khởi
Là người có thâm niên chăn nuôi gia cầm, anh Nguyễn Minh Trí (ngụ tại Đồng Tháp) cho biết: Hiện, trứng vịt có giá 25.000 - 28.000 đồng/chục; trứng gà 26.000 - 28.000 đồng/chục. Mức giá này tăng khoảng 5.000 - 8.000 đồng/chục so với 2 tháng trước.
"Giá trứng gia cầm tăng trong thời gian gần đây do nhu cầu tiêu thụ cao, trong khi tổng đàn tại các địa phương trong và ngoài tỉnh bị giảm sau đợt mưa bão và ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giá trứng tăng giúp giảm khó khăn cho người nuôi do giá thức ăn chăn nuôi “leo thang” trong suốt thời gian dài", anh Trí nói.
Theo Tiêu dùng (tổng hợp)