Vừa qua, Bộ Công Thương đã liên tục ban hành nhiều văn bản, quyết định nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như triển khai các giải pháp đáp ứng các yêu cầu này. Có thể thấy, việc đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân, chú trọng an toàn trong sản xuất là những vấn đề được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Về nội dung này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miền Bắc và miền Trung.
PV: Thưa ông, hiện nay có nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều quận, huyện đang phải thực hiện việc giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc hạn chế đi lại đã gây ra những khó khăn trong hoạt động sản xuất, giao thương. Với chức năng quản lý nhà nước, xin ông cho biết cụ thể tình hình cung ứng hàng hoá tại thị trường trong nước hiện nay ra sao, đặc biệt là tại các địa phương đang phải thực hiện giãn cách?
Ông Trần Duy Đông: Trong những ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc cung ứng hàng hóa cho người dân gặp một số khó khăn do vướng mắc trong khâu lưu thông phân phối hàng hóa, đã xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán hàng, tại một vài địa phương nhất là tại 19 tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương trên cả nước, với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp phân phối của đơn vị có liên quan và nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho lưu thông vận chuyển hàng hóa, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố trên cả nước tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa đã được cải thiện.
PV: Mặc dù khẳng định lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng cho người dân được đảm bảo trong mọi tình huống, tuy nhiên, trên thực tế khó tránh khỏi tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ găm hàng, tăng giá hay bán các mặt hàng giả, kém chất lượng để trục lợi. Vậy dưới góc độ quản lý thị trường trong nước cũng như chức năng, nhiệm vụ của Tổ Công tác và Ban chỉ đạo, ông có nhận được những phản hồi về vấn đề này không, thưa ông?
Ông Trần Duy Đông: Do tâm lý lo sợ dịch bệnh Covid-19, tại thị trường trong nước vẫn có hiện tượng cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm, nhất là khi các địa phương bắt đầu công bố việc thực hiện Chỉ thị 16 dẫn tới chuyện gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng, tại một vài địa phương và chủ yếu nhu cầu tăng rất mạnh đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhưng sau đó, hiện tượng này đã nhanh chóng được xử lý, thị trường ổn định và sức mua cũng dần trở lại như những ngày bình thường. Giá cả hàng hóa thực phẩm tuy có biến động tăng tại các chợ trong giai đoạn đầu khi cầu tăng mạnh, nhưng sau đó cũng đã quay trở lại bình thường.
Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa đầy đủ, giá được giữ ổn định hơn ngoài thị trường tự do. Chúng tôi nắm được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các báo cáo tại địa bàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tâm lý phòng chống dịch của nhân dân tăng cao nên trên thị trường xuất hiện các sản phẩm kháng virus, kháng viêm hỗ trợ điều trị Covid-19 chưa đăng ký bản công bố chất lượng sản phẩm hoặc ghi thông tin không chính xác, tăng giá đột biến so với giá niêm yết. Chính vì thế, Tổng cục Quản lý thị trường đã kịp thời ban hành những văn bản chỉ đạo và đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch. Theo đó, yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tại địa bàn nắm diễn biến thị trường đối với các sản phẩm có hiện tượng này và nếu có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định.
PV: Diễn biến dịch bệnh vẫn rất khó lường. Tại cuộc họp gần đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh việc phải tính đến các phương án xấu hơn để chủ động trong mọi tình huống… Vậy Bộ Công Thương có những kế hoạch như thế nào để đảm bảo nguồn cung hàng hoá, trong trường hợp xảy ra những diễn biến phức tạp hơn?
Ông Trần Duy Đông: Bộ Công Thương thường xuyên trao đổi với Sở Công Thương các địa phương, các doanh nghiệp phân phối lớn trên cả nước để rà soát, cập nhật các phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu theo sát diễn biến của dịch bệnh, mặc dù trước đó trong toàn ngành và các hệ thống phân phối lớn đã có các phương án chuẩn bị cho 5 cấp độ của dịch bệnh, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên rà soát, cập nhật lại để làm sao sát với diễn biến mới nhất của tình hình dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, trong đó, chú trọng vào mặt hàng lương thực thực phẩm và các mặt hàng có nhu cầu cao trước diễn biến mới của dịch Covid-19.
Chúng tôi cũng đề nghị các hệ thống phân phối lớn có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang và căn cứ vào điều kiện cụ thể nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển hàng khi có yêu cầu và kịp thời cho khu vực bị cách ly.
Bộ cũng hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm như chợ, điểm bán hàng của các doanh nghiệp phân phối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, nhằm vừa đảm bảo cung ứng thường xuyên liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhìn chung, các phương án bảo đảm nguồn cung của các địa phương và phương án tổng thể của Bộ Công Thương sẽ luôn được cập nhật để góp phần bảo đảm sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho các địa phương khi cần thiết.
PV: Xin cảm ơn ông!./.