Rau xanh được bày bán trong chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Từ ngày 20-6, trứng gia cầm nằm trong chương trình bình ổn hàng hóa của TP.HCM tăng thêm 2.000 đồng/chục trứng gà và 1.000 đồng/chục trứng vịt, lên mức 26.000 đồng và 33.000 đồng/chục.
Trước đó, thịt heo bình ổn cũng tăng thêm 1.000-5.000 đồng/kg.
Nhiều hình thức tăng giá
Bà Hương (Q.Tân Bình) cho biết từ giữa tháng 5 đến nay, chi tiêu trong gia đình bắt đầu nhích lên, chủ yếu do hàng tiêu dùng thiết yếu đến các thực phẩm gắn với bữa ăn hằng ngày tăng giá.
"Đầu mối gạo vừa báo tăng thêm 2.000 đồng/kg, ngay như sữa nước dạng bịch trước đây khoảng 55.000 đồng/10 bịch thì bây giờ lên 58.000 đồng, dầu ăn cũng nhích lên hơn 1.000 đồng/chai..., chưa kể các loại dầu gội đầu còn tăng mạnh hơn nữa" - bà Hương liệt kê.
Bà Thanh, chủ cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.10), cho biết các mặt hàng bột ngọt, bột nêm, dầu ăn... gần đây đều bị cắt khuyến mãi lên đến "vài chấm", buộc tiểu thương phải tăng giá bán cho người dùng.
Trước đây, nhập một thùng nước mắm được tặng thêm chai mới, tiểu thương sẽ tự động giảm giá cho khách. Nhưng các khoản này đã bị cắt gần hết, buộc họ phải bán giá niêm yết.
Tuy nhiên, để chia sẻ cũng như giữ khách, các nhà bán lẻ đành bấm bụng khuyến mãi thêm, như tiệm gạo tặng thêm 0,5kg khi bán giá mới hay khi đổi gas với giá tăng 18.000 đồng sẽ được tặng bịch đường.
Theo các tiểu thương, hiện nay thị trường đang bước vào "mùa trũng" nhất trong năm, sức mua thấp nên doanh nghiệp không dám tăng giá mạnh, vì vậy để tránh các biến động thông báo giá mới, doanh nghiệp chọn phương án cắt chiết khấu, khuyến mãi.
Ngoài cắt chiết khấu, nhiều mặt hàng cũng đã được điều chỉnh giá mới, trong đó tăng mạnh nhất là các mặt hàng hóa mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, bột giặt, nước tẩy rửa, giấy vệ sinh, giấy ăn... mức tăng thấp từ 3-5% và cao nhất có thể lên 10%.
"Còn nếu tính tổng cộng tăng từ đầu năm đến nay, có mặt hàng tăng đến 20% như bột ngọt, hạt nêm... chỉ có mặt hàng sữa bột và đường là không tăng" - bà Thanh cho biết.
Cá, thịt, trứng... cũng có giá mới
Với hàng thực phẩm tươi sống, giá nhiều mặt hàng còn biến động mạnh hơn.
Theo ông Trịnh Đăng Khoa - chủ trại gà Đăng Khoa (Đồng Nai), giá trứng trong gần một tháng qua bình quân ở mức 2.000 đồng/trứng, tăng 400-500 đồng/trứng so với khoảng 4 tháng trước và là mức cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Theo ông Khoa, giá trứng tăng một phần do dịch bệnh trên gà đang xảy ra nhiều ở hầu hết các vùng miền khiến sản lượng trứng sụt giảm so với bình thường, trong khi nhu cầu làm trứng muối để sản xuất bánh trung thu tăng đang vào mùa. Giá thịt heo cũng đang trong xu hướng tăng từ nhiều tháng, hiện phổ biến 46.000-48.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 14.000-16.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 4.
Hiện giá thịt heo bán lẻ tại thị trường TP.HCM đã tăng 15.000-30.000 đồng/kg so với mức giá đầu tháng 4.
Tại các siêu thị, giò heo 87.000-95.000 đồng/kg, thịt heo đùi và vai 91.000-100.000 đồng/kg, ba rọi từ 110.000-120.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 150.000-155.000 đồng/kg, sườn non 180.000-185.000 đồng/kg.
Các chợ lẻ như Bà Chiểu, Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), Tân Định (Q.1), giá thịt thấp hơn siêu thị khoảng 5-15% tùy loại, nhưng cũng đã tăng khoảng 15.000-30.000 đồng/kg so với giá của đầu tháng 4.
Tương tự, giá nhiều loại hải sản bán ra tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) gần đây cũng tăng nhiều đáng kể so với tháng trước.
Hiện cá thu, cá bớp (Kiên Giang) đã lên 170.000-210.000 đồng/kg, tăng 40.000-50.000 đồng/kg; cá nục hiện 33.000-48.0000 đồng/kg, tăng mức 5.000-15.000 đồng/kg, cá chẽm 70.000-78.000 đồng/kg tùy loại.
Tác động của xăng dầu
Theo các tiểu thương, giá hải sản có xu hướng tăng đều thời gian qua là do thời tiết không thuận lợi, lượng hải sản đánh bắt giảm.
Với mặt hàng trứng, ông Trương Chí Thiện - giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM) - cho biết mức giá tăng 1.000-2.000 đồng/chục trứng hiện nay đã được "kiềm chế". Bởi giá trứng bán ngoài chương trình bình ổn đã tăng hơn 500 đồng/trứng so với đầu năm.
Dù giá tăng nhưng nhu cầu tiêu thụ trứng tăng mạnh, đơn vị xuất bán 200.000-300.000 trứng/ngày (hàng bình ổn chiếm 60-70%), tăng khoảng 20% so với bình thường. Bà Phạm Thị Kim Em, đại diện Công ty Ba Huân, cho biết ngoài nhu cầu sử dụng trứng làm bánh trung thu tăng, giá thức ăn chăn nuôi tăng ở mức 1.500-1.800 đồng/kg cũng ảnh hưởng nhiều tới giá thành sản xuất trứng.
"Thức ăn chiếm 80-90% giá thành nuôi gà đẻ trứng nên quyết định đáng kể đến giá trứng bán ra. Bên cạnh đó, giá xăng chiếm 1-3% trong giá thành sản xuất, nên giá xăng thời gian qua tăng nhiều cũng là nguyên nhân góp phần tăng giá trứng" - bà Kim Em khẳng định.
Tương tự, theo ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, từ tháng 3 đến nay giá thức ăn cho heo đã trải qua 6 lần tăng giá. Hiện giá thành cám nuôi heo phổ biến ở mức khoảng 10.000 đồng/kg, tăng khoảng 10% so với 3 tháng trước.
Cám là chi phí chính trong chăn nuôi nên giá cám tăng khiến giá heo hơi bán ra tăng theo. Trong khi đó, theo nhiều ngư dân, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 90% trong tổng chi phí cho hoạt động đánh bắt hải sản, nên giá hải sản tăng thời gian qua cũng một phần ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng. Theo các doanh nghiệp, hiện nay đang vào mùa thấp điểm của thị trường, đầu vào nguyên liệu hàng hóa có xu hướng giảm nhưng các chi phí vận chuyển, thuế phí tăng cao khiến giá hàng hóa neo cao hoặc nhích lên.
Áp lực lên lạm phát
Theo ông Ngô Đăng Khoa - giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn (HSBC VN), lạm phát của VN chịu nhiều áp lực từ các mặt hàng như lương thực, thực phẩm và xăng dầu, trong đó giá xăng dầu của VN phụ thuộc vào giá thế giới.
Nhóm lương thực thực phẩm vốn có mức lạm phát thấp trong năm 2017 dù chịu tác động mạnh của lũ lụt nhưng có nhiều khả năng tăng mạnh trong năm 2018 và tác động ngay lên lạm phát chung. Các nhóm mặt hàng khác như giáo dục, y tế cũng có khả năng tăng nhưng đây lại là các yếu tố mà Nhà nước có thể điều chỉnh được.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, lạm phát đã lên 3,9%, tuy vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước nhưng cũng tạo áp lực lên lạm phát. Các chuyên gia dự đoán lạm phát có khả năng vượt mức chỉ tiêu 4% vào khoảng tháng 6 và tháng 7 nhưng cuối năm sẽ về mức 3,7%.
N.BÌNH - NG.TRÍ/Tuổi trẻ