Ghi nhận của VnExpress, trong mùa đại hội năm nay, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản hào hứng bắt tay vào chiến dịch đánh bắt xa bờ, vươn ra khỏi địa phận TP HCM.
So với mọi năm, điểm mới của Công ty Novaland, một trong những đại gia bất động sản nằm trong top 3 tại Sài Gòn năm 2018 là mở rộng phạm vi kinh doanh, xuất hiện thêm kênh phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Địa bàn công ty này nhắm tới là các thành phố du lịch: Đà Nẵng - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Đà Lạt, Bình Thuận - Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu - Côn Đảo, Cần Thơ và Phú Quốc. Chiến lược vươn xa này được doanh nghiệp lựa chọn trong bối cảnh hầu hết các
Cũng ấp ủ kế hoạch lấn sân sang thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 3/2018, Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt công bố quyết định chấp thuận mua lại 99% vốn góp của các cổ đông đang sở hữu tại Công ty cổ phần ĐK Phú Quốc.
Doanh nghiệp bày tỏ quyết tâm thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển và kinh doanh dự án bất động sản tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt khẳng định việc xây dựng dự án bất động sản du lịch nằm trong chiến lược đầu tư phát triển dài hạn của công ty. Dự án tại đảo ngọc cũng sẽ góp phần tích cực vào việc gia tăng doanh thu của Phát Đạt lên cột mốc 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng trong năm 2018.
Một dự án nghỉ dưỡng của Novaland tại Cần Thơ. Ảnh: N.V
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra trong tháng 4, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long tiết lộ kế hoạch nới rộng địa bàn phát triển đô thị về hướng Long An và cả phía Bắc. Ngoài kế hoạch Bắc tiến, đặt chân ra địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, công cuộc mở rộng về phía Nam của doanh nghiệp cũng đầy tham vọng.
Chủ tịch HĐQT Nam Long, Nguyễn Xuân Quang cho biết, dự án Waterpoint với quy mô cực lớn 355 ha tại Long An đang được nhà đầu tư ngoại xúc tiến đàm phán và doanh nghiệp sẽ mở khóa siêu dự án này trong năm 2018 với sản phẩm đầu tiên thuộc phân khúc nhà ở vừa túi tiền.
Ông Quang phân tích, trong bối cảnh quỹ đất đẹp lân cận TP HCM ngày càng đắt đỏ và hàng loạt dự án hạ tầng giao thông tại Long An có kết nối tốt với Sài Gòn, việc mở rộng về vùng đất phía Nam thành phố được xem như bước đi hợp lý. Giá đất Sài Gòn liên tục leo thang với những cơn sốt kéo dài càng khiến doanh nghiệp quyết tâm kích hoạt dự án 355 ha tại Long An hơn bao giờ hết.
Vốn đã có sẵn thế mạnh về quỹ đất lớn tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), Công ty Thăng Long Real dù có trụ sở tại Sài Gòn nhưng trong quý II/2018 doanh nghiệp đã tái khởi động dự án tại Nhơn Trạch. Không những thế, công ty này còn quyết tâm tạo dựng cộng đồng tại địa bàn xa TP HCM bằng dòng sản phẩm nhà phố xây sẵn, có dân về ở hoặc cam kết khách thuê.
Phối cảnh dự án tại Long An của Nam Long.
Một vài năm ần đây, Công ty Bất động sản Eximrs cũng tập trung đánh mạnh mảng môi giới bất động sản ở Đồng Nai. Doanh nghiệp này liên tục chào bán ra hàng nghìn sản phẩm đất nền tại khu đô thị Long Hưng, gần ngã ba Vũng Tàu, đoạn có kết nối với tuyến metro đầu tiên của TP HCM qua địa phận Bình Dương và Đồng Nai.
Tổng giám đốc Công ty đầu tư Phú Vinh, Phan Công Chánh xác nhận, đúng là hiện tượng đại gia địa ốc Sài Gòn đua nhau mở rộng địa bàn ra các tỉnh thành khác để phát triển dự án mới đang ngày càng rầm rộ. Theo chuyên gia này, có nhiều lý do khiến cuộc đua đánh bắt xa bờ trở nên sôi động trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, chi phí đất tại Sài Gòn đã vươn lên ngưỡng cực kỳ đắt đỏ, bỏ một khoảng cách rất xa so với giá đất ở những khu vực vùng ven, lân cận hoặc các tỉnh thành khác. Điều này khiến cho chi phí đầu vào tại TP HCM bị đội lên, nhờ đó chi phí đầu tư tại các địa bàn xa Sài Gòn hơn trở nên cạnh tranh hơn vì giá cả mềm hơn, sản phẩm vừa túi tiền hơn.
Thứ hai, quỹ đất tại TP HCM đã không còn những lô cực lớn phù hợp với nhu cầu phát triển các dự án khu đô thị tầm cỡ. Do đó các doanh nghiệp phải mở rộng bán kính xa hơn theo các trục hạ tầng được kết nối đồng bộ, để săn tìm quỹ đất lớn hơn, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao về quy hoạch, xây dựng cộng đồng, cảnh quan và mảng xanh.
Thứ ba, các tỉnh thành khác, với vị trí giáp ranh hay lân cận Sài Gòn hoặc cách xa đang có nhiều cơ chế thu hút đầu tư bằng cách ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển dự án với tốc độ ra hàng nhanh. Do đó làn sóng doanh nghiệp đánh bắt xa bờ nhắm đến mục tiêu tốc độ xoay vòng của dòng vốn hiệu quả hơn.
Thứ tư, nhu cầu thay đổi khẩu vị cho nhà đầu tư là có thật. Các doanh nghiệp bất động sản tại TP HCM đang muốn mở rộng các dòng sản phẩm để đáp ứng nhiều hơn những nhu cầu đầu tư ngày càng phong phú của thị trường. Thay vì chỉ có đất nền, nhà phố, căn hộ và biệt thự tại Sài Gòn, những bất động sản ở vùng đất mới mang theo nhiều đặc trưng và tính năng khác biệt.
Ông Chánh nhận định thêm, việc doanh nghiệp địa ốc Sài Gòn chủ động đánh bắt xa bờ còn cho thấy quy mô của thị trường bất động sản TP HCM đang ngày càng mở rộng và phẳng hơn so với trước đây. Nhà đầu tư cũng có tư duy mới mẻ hơn sau khi tận mắt chứng kiến những cú hích hạ tầng liên tục bùng nổ tại TP HCM kết nối về nhiều tỉnh thành lân cận.
Vũ Lê/Veexpress