Dẫn chứng về câu chuyện người nhà đi từ Huế vào TP HCM, khi đến Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất tìm taxi về đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) phải chờ đợi rất lâu, sau đó được một tài xế ra giá 500.000 đồng dù đoạn đường không xa, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, khẳng định: Việc tổ chức hoạt động taxi trong sân bay chưa tốt, có tình trạng cò chèo kéo, bắt chẹt khách như Báo Người Lao Động thông tin.
Nhiều đề nghị khẩn cấp
Ông Võ Khánh Hưng nhấn mạnh tình trạng trên đã tạo hình ảnh không đẹp, ảnh hưởng mỹ quan, văn minh của thành phố. Vì vậy, ông đề nghị Cảng HKQT Tân Sơn Nhất linh động sắp xếp, điều chỉnh các làn cho taxi, xe công nghệ trật tự đón trả khách, ngoài ra phải bố trí đội ngũ giữ gìn trật tự, hỗ trợ hành khách xếp hàng, không để xảy ra tình trạng lộn xộn, tranh giành taxi khi ùn ứ. Bên cạnh đó, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cần sắp xếp cho xe buýt vào làn B, ga quốc nội đón khách thay vì xe buýt đậu ở ga quốc tế cách xa gần 400 m như hiện nay.
Cảnh bát nháo ở làn D thuộc nhà xe TCP của Công ty CP Đầu tư TCP .Ảnh: TRẦN THÁI
Về thẩm quyền, kiểm tra xử lý các vi phạm hoạt động đón trả khách trong sân bay Tân Sơn Nhất, ông Võ Khánh Hưng dẫn chứng điều 39, điều 60 của Luật Hàng không cho thấy trách nhiệm quản lý nhà nước hàng không dân dụng thuộc Cảng vụ Hàng không miền Nam, tuy nhiên phó giám đốc sở khẳng định khi có vấn đề phát sinh, Cảng vụ Hàng không phải phối hợp với cơ quan nhà nước như Sở GTVT, Công an TP HCM giải quyết. "Nhà xe TCP hiện nay do Cảng HKQT Tân Sơn Nhất nhượng quyền khai thác với một đơn vị khác. Qua sự việc trên, chúng tôi đề nghị Cảng HKQT Tân Sơn Nhất rà soát lại các điều khoản hợp đồng xem TCP đã thực hiện đúng chưa, có vi phạm hợp đồng dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự trong hoạt động taxi hay không và đề xuất hướng xử lý, thậm chí phối hợp với Thanh tra giao thông Sở GTVT, CSGT xử lý taxi dù... Không thể ký hợp đồng rồi để TCP làm gì thì làm" - Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM nhấn mạnh.
Ông Phan Minh Hải, Phó Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 8 (Thanh tra Sở GTVT TP HCM), nhấn mạnh là đơn vị phụ trách việc kiểm tra tình hình giao thông, đón trả khách của các đơn vị vận tải khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông thấy quyền hạn của Thanh tra giao thông chỉ được kiểm tra trên các tuyến giao thông đô thị cụ thể là đường A1, A2 (các làn A, B, C trong sân bay) riêng làn D, các tầng 3, 4 , 5 thuộc nhà xe TCP nơi xảy ra tình trạng cò mồi, chèo kéo, bắt chẹt hành khách thì lực lượng thanh tra không vào được do nhà xe thuộc quản lý tư nhân, không phải đường giao thông đô thị. "Vì vậy, để chấn chỉnh tình hình trên, tôi đề xuất Sở GTVT TP HCM và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất gấp rút có giải pháp để lực lượng chức năng gồm Thanh tra giao thông và CSGT vào bên trong để kiểm tra tình trạng đón trả khách vì khi đi thực tế tôi nhận thấy có nhiều xe hợp đồng biển số vàng đậu trong tòa nhà này" - ông Phan Minh Hải đề nghị. Cũng theo ông Hải, nếu không thể đưa lực lượng vào kiểm tra thì cần tổ chức sắp xếp, đưa hoạt động xe taxi, công nghệ ra khỏi tòa nhà để lực lượng chức năng dễ kiểm tra, giám sát.
Trong khi đó, ông Lê Trung Tính (nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP HCM) nói những vụ việc vừa qua cho thấy Cảng HKQT Tân Sơn Nhất chưa làm hết khả năng của mình trong quản lý, nhất là đối với nhà xe TCP. Theo ông, để tạo hình ảnh thân thiện, văn minh cho sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài điều chỉnh phân thêm làn cho các hãng taxi đón khách, lãnh đạo với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cần hỗ trợ để các tuyến xe buýt vào ga quốc nội hoạt động, phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT điều tiết phân làn, xử lý tình trạng taxi dù chèo kéo, bắt chẹt khách. "Sân bay Tân Sơn Nhất là bến vận tải công cộng với sản lượng vận tải hành khách tương đối lớn. Do đó, về nguyên tắc quản lý phải có sự thống nhất với cơ quan nhà nước của địa phương, cụ thể là Sở GTVT TP HCM" - ông Lê Trung Tính nhấn mạnh.
Ai là chủ của nhà xe TCP?
Theo tìm hiểu, nhà xe ga quốc nội TCP tại sân bay Tân Sơn Nhất được khởi công xây dựng từ tháng 10-2015 và chính thức đi vào hoạt động toàn phần từ tháng 11-2016. Bãi xe có 5 tầng với tổng vốn đầu tư 550 tỉ đồng. Nhà xe có tổng diện tích hơn 21.000 m2 với phần xây dựng hơn 11.000 m2, còn lại dành cho các hạng mục đường giao thông, sân bãi, vườn hoa, cây xanh... Nhà xe được đầu tư và quản lý vận hành bởi Công ty CP Đầu tư TCP. Công ty này được thành lập vào ngày 11-2015 với vốn điều lệ 110 tỉ đồng.
Theo thông tin Báo Người Lao Động có được liên quan đến Công ty CP Đầu tư TCP trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, TCP đăng ký có 13 ngành nghề, trong đó ngành nghề chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác, cùng với duy tu, sửa chữa công trình cầu, đường bộ và kết cấu hạ tầng; thi công xây lắp công trình công nghiệp, dân dụng và giao thông... Trong đó, dịch vụ trông giữ xe không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Công ty CP Đầu tư TCP có các cổ đông sáng lập đáng chú ý là Công ty CP Hạ tầng Đông Á có tỉ lệ vốn góp cao nhất là 47%, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tỉ lệ 18%, Công ty CP Vina Invest tỉ lệ 15%, Công ty CP Dịch vụ du lịch Tam Đảo 15%…
Liên quan tình trạng cứ vào những dịp cao điểm đi lại, hành khách lại "sốc" với nạn bát nháo khi đặt taxi, đón khách ở khu vực nhà ga quốc nội, kể cả tình trạng chặt chém, chèo kéo, cả "dọa nạt" để có khách... và khu vực đón taxi, xe công nghệ nằm trong phạm vi quản lý của Công ty CP Đầu tư TCP, ngày 16-2, ông Phạm Văn Châu, Giám đốc Công ty CP Đầu tư TCP, khẳng định nhà xe TCP có nhiệm vụ chính là giữ xe và tổ chức giữ xe cho khách!
Đến ngày 18-2, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Vận hành nhà xe TCP, tiếp tục khẳng định hoạt động chính của nhà xe TCP là khách đến sân bay có nhu cầu gửi xe sẽ được nhà xe phục vụ, đáp ứng. Để tạo thuận tiện cho khách, nhà xe TCP cũng đã tổ chức thêm luồng tuyến, trang bị cơ sở vật chất, đầu tư thêm thang máy... (!?)
Khẳng định trên của ông Châu, ông Tuấn xem ra "chưa khớp" với những gì mà Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã thông tin trước đó. Cụ thể, ông Đặng Ngọc Cương, Giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, khẳng định tình trạng chèo kéo, "chặt chém" khách chủ yếu xảy ra đối với loại hình dịch vụ vận tải hành khách. Các đối tượng trên gửi xe tại bãi xe (nhà xe TCP) và đi vào sảnh công cộng của ga đến, giả danh người nhà hành khách để mời chào, chèo kéo hành khách... "Khu vực nhà để xe TCP không thuộc thẩm quyền quản lý của ACV và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất quản lý. Vì vậy, cảng chỉ tăng cường phối hợp với Công ty TCP trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, vận chuyển hành khách trong nhà xe này" - ông Đặng Ngọc Cương nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên trước đó.
Ngoài ra, khẳng định trên cũng không đúng với những gì ông Phan Minh Hải thông tin ở trên. Đó là, làn D, các tầng 3, 4 , 5 thuộc nhà xe TCP nơi xảy ra tình trạng cò mồi, chèo kéo, bắt chẹt hành khách thì lực lượng thanh tra không vào được do nhà xe thuộc quản lý tư nhân, không phải đường giao thông đô thị.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-2
Cần sớm sòng phẳng
Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM Tạ Long Hỷ cho rằng hoạt động đưa đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất đúng như báo chí phản ánh, có tình trạng xe hợp đồng đón khách như taxi nhưng bản chất là không có hợp đồng, chỉ thỏa thuận miệng với hành khách. Trong khi taxi tuân thủ các quy định pháp luật như niêm yết giá, lắp bảng hiệu, hộp đèn, đồng hồ cước, đóng thuế... thì phương tiện trên lại không có và không tuân thủ, chưa kể giá cao hơn taxi.
Ông Tạ Long Hỷ đề nghị thời gian tới ngành GTVT TP HCM cần tổ chức một hội nghị để bàn thảo, làm rõ hơn những quy định trong Nghị định 10 năm 2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Từ đó, đề xuất các quy định để quản lý, kiểm soát loại hình này, tránh tình trạng ôtô núp bóng xe hợp đồng để chạy taxi dù.