Sáng 13-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với TP HCM về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) 4 tháng đầu năm 2021 và giải quyết một số kiến nghị của TP. Đây là buổi làm việc đầu tiên của Thủ tướng trên cương vị mới với một địa phương trên cả nước sau khi Chính phủ được kiện toàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ phải sang) trao đổi với Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên (thứ 3 từ trái sang) cùng các lãnh đạo TP HCM ngày 13-5. Ảnh: NGUYỄN PHAN
Đề xuất 5 nhóm vấn đề trọng tâm
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa chủ động phòng chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH đạt nhiều kết quả tích cực.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2021 đạt 329.600 tỉ đồng, tăng 4,58% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,42%). TP cũng thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Bên cạnh đó, TP cũng làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. "TP xác định đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo đảm cho sự phát triển dài hạn" - ông Nguyễn Thành Phong nói.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, bên cạnh các thuận lợi, TP đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của TP. Trước hết, sự quá tải về hạ tầng KT-XH ngày càng gia tăng. Hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Công trình văn hóa dù được TP quan tâm nghiên cứu, xây dựng đề án, thiết kế nhưng không đủ nguồn lực để hiện thực hóa.
Thứ hai, TP là địa phương có tỉ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất nước (khoảng 27%) nhưng tỉ lệ tổng chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn thấp nhất cả nước. Từ năm 2017, tỉ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách TP giảm từ 23% xuống còn 18%. Trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để bảo đảm các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn cho ngân sách TP.
"Việc cân đối chi đầu tư luôn là bài toán khó đối với TP bởi công trình, dự án trọng điểm rất nhiều trong khi nguồn vốn rất hạn hẹp" - ông Nguyễn Thành Phong nêu.
TP có hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm hơn 22% GDP cả nước) song việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội (số vốn bình quân đầu tư trên mỗi dự án chưa đạt 1 triệu USD), quy mô doanh nghiệp (DN) chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98%. Điều này dẫn đến việc chưa có nhiều DN, nhà đầu tư lớn khiến TP chưa tạo được hệ thống cơ sở kinh tế vững chắc.
Trước những khó khăn đó, Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 5 nhóm vấn đề trọng tâm để TP có thể thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong thời gian tới. Đó là về phân cấp, phân quyền; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội; đầu tư công trung hạn; cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức và quản lý đô thị.
"Biến không thành có, biến khó thành dễ"
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định TP HCM tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước, được thể hiện ở tỉ lệ đóng góp khoảng 22% GDP và khoảng 27% ngân sách của cả nước. "Trong quá trình làm có mâu thuẫn phải giải quyết, có những sai lầm cần phải xử lý nhưng tựu trung TP HCM đang đi đúng hướng, đang tích cực làm tốt những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và vai trò của mình" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của TP HCM, mà hạn chế lớn là chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của TP. Do đó, TP HCM cần chuyển hướng từ thế phòng ngự bị động, chờ đợi, chống đỡ sang thế tấn công mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Cùng với đó là phát huy khí thế, thành tích, thành tựu đã đạt được để tạo sự tự tin, tăng cường vượt qua những khó khăn, thách thức.
Thủ tướng mong muốn TP HCM tiếp tục đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa rời nhân dân. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ trách nhiệm và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định "ủng hộ tối đa" kiến nghị của TP về đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách, vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của TP. Chính phủ phối hợp với TP HCM và các cơ quan liên quan đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Với nguồn ngân sách tăng thêm, TP cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.
Về phân cấp, ủy quyền, Thủ tướng khẳng định việc nào mà TP HCM làm tốt hơn Chính phủ, tốt hơn các bộ, ngành thì sẵn sàng giao cho TP HCM. Đối với Nghị quyết 54, Thủ tướng yêu cầu TP HCM đánh giá kỹ hơn, những gì còn thiếu thì bổ sung; quan trọng nhất là Chính phủ sẽ tạo cơ chế, thể chế để TP HCM làm, tạo điều kiện cho TP phát huy tối đa không gian sáng tạo.
Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ kỳ vọng TP HCM sẽ đi đầu trong việc thể hiện tinh thần ý chí tự lực tự cường, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể"; phát triển xứng tầm là một trung tâm của vùng, trung tâm phát triển KT-XH của cả nước. "Chúng tôi rất tin tưởng TP HCM sẽ tiếp tục phát huy thành tựu, thành tích cùng truyền thống văn hóa, lịch sử để có đột phá trong thời gian tới" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Động viên tuyến đầu chống dịch
Chiều 13-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên các y - bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM, BV Chợ Rẫy.
Tại BV Đại học Y Dược TP HCM, PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV, cho biết mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 7.000 lượt khám bệnh ngoại trú, 1.000 trường hợp điều trị nội trú, 150 ca cấp cứu và 100 ca phẫu thuật. BV đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch; diễn tập những tình huống có ca mắc Covid-19; trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế , thuốc... đủ hoạt động trong 3 tháng.
Biểu dương công tác phòng chống dịch tại 2 BV và tri ân sự hy sinh và đóng góp của các y - bác sĩ, nhân viên y tế nhưng Thủ tướng cũng lưu ý ngành y tế chấn chỉnh, khắc phục ngay những hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác tại một số cơ sở y tế, tuyệt đối không để xảy ra dịch ở nơi chống dịch. Thủ tướng mong ngành y tế tiếp tục vững vàng, kiên cường để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch.
H.Yến - N.Thạnh
TS TRẦN DU LỊCH, chuyên gia kinh tế: Cần cơ chế phù hợp với siêu đô thị
Để tạo đột phá cho TP HCM trong thời gian tới, một trong 2 giải pháp cần triển khai là về cơ chế. Chúng ta hay nói cơ chế đặc thù cho TP nhưng quan điểm của tôi là TP cần cơ chế phù hợp với siêu đô thị. Luật Tổ chức chính quyền địa phương, điều 11, 12, 13 có 3 cơ chế rất rõ, thế nào là phân cấp, thế nào là phân quyền, thế nào là ủy quyền nhưng trong các luật chuyên ngành thì không.
Do đó, cần rà lại những luật chuyên ngành liên quan, những gì cần phân cấp, những gì cần phân quyền, những gì cần ủy quyền cho TP trong từng lĩnh vực. Từ đó, TP hoàn toàn có thể năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm.
Để làm việc này, có 2 hình thức như ở mức thấp là thông qua Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành nghị định. Cao hơn là có một nghị quyết để minh bạch, tạo được một không gian và khung pháp lý cho TP phát huy được tính năng động, sáng tạo. Ngoài ra, cần đột phá về giao thông liên kết vùng, bởi tư duy của TP phải là vùng đô thị và kinh tế vùng chứ không phải chỉ riêng có TP.
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM: Nguồn vốn tăng thêm 10.000 tỉ
Nếu kiến nghị điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách được tăng từ 18% lên 23% được Chính phủ chấp thuận thì nguồn vốn đầu tư của TP sẽ tăng thêm 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ đáp ứng một phần trong tổng vốn đầu tư hằng năm lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng.
Vì thế, Thủ tướng đã gợi mở cho TP HCM phải huy động thêm nhiều nguồn lực khác, nhất là tận dụng các cơ chế chính sách mà TP được phép thực hiện. Đó là Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Theo đó, khi triển khai giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, TP có thể mở rộng hơn để đấu giá các loại đất liên quan đến hạ tầng đó nhằm có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội hoặc phát triển mạnh mô hình công tư hợp doanh để người dân góp vốn với chính quyền TP xây dựng các con đường vành đai…
Còn các kiến nghị khác mà TP nêu ra đều được các bộ ngành ủng hộ và sẽ phối hợp với TP HCM để giải quyết. Điển hình là kiến nghị về phân cấp, phân quyền cho TP HCM thì Bộ Nội vụ sẽ rà soát xem xét điều chỉnh một số nghị định hướng dẫn không còn phù hợp.
Riêng kiến nghị cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có); đồng thời cho phép TP lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ thì Bộ Xây dựng đã tiếp thu và sẽ nhanh chóng hoàn thiện, sửa đổi các nghị định hướng dẫn.
Thy Thơ - Linh Anh ghi