Ngày 6/8, Bộ Công Thương đã ban hành các quyết định đổi tên và tăng cường chức năng, nhiệm vụ của “Tổ công tác tiền phương về đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp” thành “Tổ công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp”. Đồng thời, thành lập thêm “Tổ công tác đặc biệt đảm bảo nguồn cung hàng hóa tại miền Bắc và miền Trung”.
Ngay sau khi đổi tên và tăng cường thêm một số chức năng, nhiệm vụ, như: hỗ trợ và tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản khi vào vụ thu hoạch tại các địa phương. Đồng thời, có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics; hỗ trợ các đơn vị sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa…
Ngay trong sáng nay (7/8), Tổ công tác đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã tổ chức họp trực tuyến để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM, nhằm có các biện pháp ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp cho biết, có rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến”.
“Trong doanh nghiệp sản xuất ngành cơ khí thì những doanh nghiệp nào đã làm 3T (3 tại chỗ) thì tương đối ổn vì đặc thù của xưởng cơ khí là rộng, nhân lực không đông, nên anh em làm thì coi như ổn về mặt trong nhà máy nhưng không ổn ở ngoài nhà máy. Có nghĩa là anh em đi lại giao nhận vật tư, vật liệu hàng hóa thì phát sinh rất nhiều vấn đề. Đây cũng là vấn đề chung của tất cả các doanh nghiệp nên cần có sự tương tác, quy trình… Các doanh nghiệp đang rất muốn được cấp mã QR-code để đi lại một cách thuận lợi hơn…”, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện Tp.HCM (HAMEE), cho biết thực tế và nêu kiến nghị.
Trước các kiến nghị của Hiệp hội Nhựa, dệt may… về việc đánh giá các tác động tới nguồn nhân lực, việc làm và cơ chế hỗ trợ đối với doanh nghiệp, ông Phạm Anh Thắng, Thường trực Tổ công tác đặc biệt phòng, chống Covid-19 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tại phía Nam, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM cho biết, đối với nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm những chính sách liên quan đến bảo hiểm, như: bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rồi các chính sách liên quan đến giảm đóng quỹ hưu trí, tử tuất… thì đơn vị đã đề nghị bảo hiểm xã hội và các tỉnh, thành phố đã thực hiện ngay.
“Theo thống kê của chúng tôi, tất cả các nhóm chính sách này hiện nay đã giải quyết. Còn nhóm thứ 2 là nhóm chính sách cho vay trả lương cho người lao động, trong Nghị quyết số 68 và Quyết định 23 thì chính sách về cho vay trả lương đối với doanh nghiệp bị tác động của đợt dịch này rất đơn giản, rõ ràng. Sáng 5/8 vừa qua, trong cuộc họp giao ban với 63 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng chỉ đạo Giám đốc Sở LĐTB&XH phối hợp với ngân hàng chính sách để đơn giản hóa tối đa các thủ tục để cho ngân hàng hàng tiếp cận được khoản vay trả lương cho người lao động…”, ông Phạm Anh Thắng thông tin.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 6/8, Bộ Công Thương cũng đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miền Bắc và miền Trung.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương – Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt khu vực miền Bắc và miền Trung cho biết, Tổ công tác có nhiệm vụ nắm sát diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miền Bắc và miền Trung, nhất là các tỉnh thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Tổ cũng công tác có trách nhiệm kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu giữa các địa phương, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng dịch; thực hiện việc điều tiết, cung ứng hàng hóa thiết yếu thông suốt tại các tỉnh, thành phố có dịch, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác; phối hợp cùng lực lượng chức năng tại các địa phương đảm bảo lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng. Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản khi vào vụ thu hoạch tại các địa phương; tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics.
Đặc biệt, Tổ công tác sẽ hỗ trợ các đơn vị sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa./.