Ngày 14-12 tới đây, tại toà tháp Landmark 81 (TP HCM), Tập đoàn Vingroupsẽ chính thức ra mắt 4 dòng điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. Đây là những sản phẩm đầu tiên, khởi động cho chiến lược phát triển theo định hướng công nghiệp và công nghệ của Tập đoàn Vingroup trong tương lai.
Điện thoại thông minh Vsmart được sản xuất tại Nhà máy sản xuất điện thoại Vsmart (Cát Hải, Hải Phòng), sau chưa đầy 6 tháng Vingroup công bố thành lập Công ty VinSmart và gia nhập lĩnh vực sản xuất điện thoại di động.
Công suất nhà máy 5 triệu sản phẩm/năm trong giai đoạn 1. Dự kiến năm 2018 sẽ ra mắt 4 model sản phẩm smartphone trung cấp; năm 2019 là trên 10 mẫu điện thoại với đa dạng chủng loại.
Công đoạn kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng - Ảnh: Bảo Trân
Toàn bộ nhà máy được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn quốc tế IPC-A-610 dành cho các nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử.
Môi trường sản xuất được kiểm soát hoàn toàn về nhiệt độ, độ ẩm, kiểm soát phóng tĩnh điện cũng như độ sạch không khí để đảm bảo chất lượng cao nhất cho sản phẩm. Công nghệ của VinSmart được phát triển trên nền tảng tiêu chuẩn cao của châu Âu. Trong đó, hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất các thiết bị điện tử thông minh từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến sản xuất do Công ty công nghệ hàng đầu Tây Ban Nha là BQ phát triển.
Với việc sở hữu 51% Công ty BQ, VinSmart có thể khai thác tối đa năng lực của đội ngũ chuyên gia cao cấp của Tây Ban Nha trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng như ứng dụng các công nghệ tối tân vào sản xuất.
Cùng với BQ, VinSmart cũng hợp tác chặt chẽ với các hãng công nghệ lớn nhất thế giới như Qualcomm, Google… nhằm cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực điện thoại thông minh.
Chuyên gia BQ phối hợp cùng đội ngũ kỹ sư của VinSmart
Về đội ngũ nhân sự, VinSmart đã quy tụ được đội ngũ các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm cao cấp, dày dạn kinh nghiệm từ các Viện nghiên cứu và các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới.
Trong đó, có nhiều nhân sự chủ chốt có ảnh hưởng trên thị trường điện thoại. Thông qua việc đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại, VinSmart tiến tới sở hữu toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất, tối ưu giá thành và tổ chức cung cấp ra thị trường.
Mặt sau điện thoại Vsmart
Mặt trước Vsmart
Với triết lý Sản phẩm tốt – Khuyến mãi tốt - Hậu mãi cực tốt và sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Vingroup, các sản phẩm Vsmart sẽ có lợi thế cạnh tranh đáng kể trên thị trường.
Nhà máy sản xuất điện thoại VinSmart được xây dựng tháng 8-2018, chạy thử tháng 10-2018, hoàn thành lắp đặt và chạy sản xuất hàng loạt tháng 11-2018. Nhà máy bao gồm các phân khu: 3 dây chuyền gắn và hàn linh kiện điện tử tự động; 3 dây chuyền hiệu chỉnh và đo kiểm bản mạch tự động; 6 dây chuyền lắp ráp và đóng gói sản phẩm; khu vực quản lý chất lượng và 2 phòng thí nghiệm quản lý chất lượng...
Kiểm tra phần micro điện thoại
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết Vingroup vẫn đang tiếp tục làm việc với các đối tác lớn, tìm kiếm các chuyên gia giỏi, hoàn thiện dây chuyền thiết bị tiên tiến nhất.
"Chúng tôi kỳ vọng, cùng với ô tô VinFast, điện thoại Vsmart sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam và đưa thương hiệu Việt ra thế giới. Sau điện thoại di động, trong thời gian tới, nhà máy Vsmart sẽ sản xuất các sản phẩm điện tử thông minh, kết nối vạn vật (IoT) như SmartHome, SmartTV…"- ông Nguyễn Việt Quang chia sẻ.
Công ty VinSmart cũng tiếp cận các hãng cung cấp chipset, linh kiện, phụ kiện trong nước và quốc tế để trực tiếp làm chủ chuỗi cung ứng và kiểm soát chất lượng sản xuất của các thiết bị điện tử thông minh trước khi đưa ra thị trường. VinSmart kỳ vọng các sản phẩm điện thoại thông minh Vsmart sẽ khởi đầu cho việc phát triển hệ sinh thái các sản phẩm điện tử, công nghệ thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo IA, góp phần đem lại cuộc sống tiện ích, hiện đại cho người dân Việt Nam.
VinSmart là công ty thành viên của Vingroup – Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam. Công ty được thành lập tháng 6-2018, với mục tiêu sản xuất điện thoại thông minh thương hiệu Việt đạt tiêu chuẩn quốc tế và được quản lý, vận hành theo định hướng cách mạng công nghệ 4.0.
Toàn cảnh nhà xưởng sản xuất Vsmart
Toàn bộ nhà xưởng sản xuất Vsmart được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn quốc tế IPC-A-610, là tiêu chuẩn quốc tế dành cho các nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử như: kiểm soát môi trường về nhiệt độ và độ ẩm theo các phân khu khác nhau để bảo đảm độ chính xác hoạt động của máy móc, chống tĩnh điện và tránh hỏng hóc các linh kiện điện tử; kiểm soát phóng tĩnh điện tránh hư hỏng các linh kiện điện tử bán dẫn theo tiêu chuẩn ANSI S2020; kiểm soát độ sạch không khí để chống bụi có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; kiểm soát anh ninh ra vào nhà máy nghiêm ngặt để đảm bảo an ninh bảo mật công nghệ tối đa.
Khu vực sản xuất bảng bạch điện tử (SMT) gồm: Nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát 24/24 trong tiêu chuẩn 24±2ºC, độ ẩm 40-60%, độ sạch không khí level 10.000 để đảm bảo máy móc luôn hoạt động với độ chính xác cao nhất, các sản phẩm làm ra với độ ổn định và tỷ lệ lỗi thấp.
Máy móc tại dây chuyền SMT là các thế hệ máy mới nhất của các hãng chuyên sản xuất máy SMT hàng đầu thế giới như: Máy gắn chip của ASM Siplace là thương hiệu số 1 thế giới xuất xứ từ Cộng hòa liên bang Đức; máy in kem hàn của hãng Speedline là thương hiệu số 1 thế giới của Mỹ; lò hàn thiếc của hãng Omnimax là thương hiệu số 1 thế giới của Mỹ.
Các máy kiểm tra quang học tự động từ hãng Kohyoung là thương hiệu số 1 thế giới xuất xứ từ Hàn Quốc.
Ngoài ra, dây chuyền được đầu tư nhiều máy phân tích chất lượng đều là thương hiệu hàng đầu thế giới như hệ thống cấp nguyên vật liệu đến từ Italia, máy mài và phân tích lớp bản mạch in, máy chụp cắt lớp Xray để kiểm tra chất lượng mối hàn…
Sử dụng các máy kiểm tra giả lập trạm gốc từ các hãng Rohde & Schwarz xuất xứ Cộng hòa liên bang Đức và hãng Anritsu xuất xứ Nhật Bản Sử dụng các phần mềm kiểm tra tự động được cung cấp bởi đối tác Qualcomm - hãng sản xuất vi xử lý điện thoại số 1 thế giới.
Theo Vingroup, tất cả dây chuyền được sắp xếp theo triết lý "luồng 1 sản phẩm". Thao tác công nhân được sắp xếp tuần tự, hệ thống kiểm soát chặt chẽ để công nhân không bỏ sót công đoạn, hoặc chuyển sản phẩm công đoạn trước sang công đoạn sau.
Nhà máy có hệ thống ERP sử dụng của hãng SAP là hệ thống số 1 thế giới của Cộng hòa liên bang Đức cho việc quản lý kế hoạch, quản lý nguyên vật liệu và bán hàng.
Hệ thống quản lý dây chuyền sử dụng của hãng OPTEL nổi tiếng đến từ Mỹ, quản lý và theo dõi chất lượng sản xuất đến từng công đoạn, lưu trữ lịch sử đo kiểm xuyên suốt từng sản phẩm.
Bảo Trân/NLĐ