Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Việc sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả sẽ thúc đẩy sự phát triển của các startup và nền kinh tế.
Năm 2023, các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Tuy nhiên, so với mức giảm 35% của tổng vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, mức giảm 17% cho thấy Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn.
Điểm đến đầu tư hấp dẫn
Số liệu thống kê trên vừa được Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Quỹ Đầu tư Do Ventures công bố trong Báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024.
Bà Đỗ Hoàng Uyên Vy, người đồng sáng lập và là CEO Do Ventures, cho biết trong năm qua, Việt Nam giữ vững vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư và giành lại vị trí thứ ba về tổng giá trị đầu tư trong khu vực Đông Nam Á. Lĩnh vực y tế nhận được số vốn cao kỷ lục, tăng vọt 391% so với năm trước; lĩnh vực giáo dục cũng nhận số vốn cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với năm trước.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, đánh giá những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho việc đầu tư công nghệ trong khu vực. Điều này là nhờ nền kinh tế số chứng kiến sự tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023. "Giữa những vấn đề không chắc chắn của kinh tế toàn cầu, sáng tạo công nghệ đã trở thành một nhân tố quan trọng đẩy mạnh sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam" - ông Huy nhận định.
Tính chung trong vòng 10 năm 2014 - 2023, đã có hơn 4,6 tỉ USD được rót vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam thông qua 835 thương vụ. Trong đó, TP HCM thu hút phần lớn nguồn vốn này. Đến nay, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực trong việc thu hút lượng đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tập trung ở các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech) và trí tuệ nhân tạo. Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều "kỳ lân" khởi nghiệp như VNG, VNLife/VNPay, MoMo, Sky Mavis.
Riêng năm 2023, theo thống kê của trang thông tin online về khởi nghiệp và công nghệ Tech in Asia, Việt Nam nổi lên một số doanh nghiệp (DN) huy động vốn quốc tế rất tốt. Đứng đầu là Novaland (gọi vốn 250 triệu USD), Vinfast (135 triệu USD), EQuest Education Group (120 triệu USD), IDP (100 triệu USD), Con Cưng (90 triệu USD)... Trong lĩnh vực công nghệ, BuyMed huy động thành công 51,5 triệu USD, công ty xét nghiệm gen Gene Solutions cũng huy động được 21 triệu USD…
Chinh phục thử thách mới
Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Duy Đông cho rằng đầu tư đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của Việt Nam đã "vượt cơn gió ngược" toàn cầu.
Theo ông Trần Duy Đông, dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam thời gian qua đã góp phần quan trọng cho việc phát triển của các DN trong nước; minh chứng cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.
Với nhiều quỹ đầu tư lớn, Việt Nam đang là trung tâm đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á. Ông Erik Jonsson, đối tác điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Antler Việt Nam, nhận xét cùng với sự kiên cường và khéo léo, các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp ở Việt Nam đã và đang bứt phá, chinh phục những thử thách mới. Ngoài ra, với đặc điểm chi phí thấp, cơ hội lớn, thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang trở nên sôi động và phát triển mạnh mẽ hơn, thu hút các nhà sáng lập trong và ngoài nước tham gia.
Quỹ Antler gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2012, đến nay đã đầu tư vào hơn 30 công ty khởi nghiệp. "Mục tiêu của Antler là thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các nhà khởi nghiệp tiềm năng trong hệ sinh thái startup Việt Nam. Nhờ sự chọn lọc cẩn thận và các hoạt động đồng hành cùng dự án của Antler mà có đến 75% startup Việt được chúng tôi rót vốn đang gặt hái thành công" - ông Erik Jonsson nhìn nhận.
Chị Đỗ Hồng Hạnh, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công ty Nhựa sinh học Buyo Bioplastics (Buyo) - một trong những startup công nghệ nổi bật, nhiều lần gọi vốn thành công thời gian gần đây - chỉ ra xu hướng các nhà đầu tư rất quan tâm và cởi mở với những dự án trong lĩnh vực sản xuất xanh, công nghệ vật liệu mới. "Để gọi được vốn, các startup cần tập trung phát triển sản phẩm/dịch vụ chất lượng cao, có tính ứng dụng thực tế, giúp giải quyết các vấn đề thiết yếu của cuộc sống, có khả năng phát triển ra thị trường quốc tế" - chị Hạnh nêu bí quyết.
Bà Đỗ Hoàng Uyên Vy cũng lưu ý các startup cần có sự thích ứng và chuyển hướng sang mô hình tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa startup với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các DN khác để học hỏi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác.
Theo Bộ KH-ĐT, thị trường khởi nghiệp ngày càng cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi các startup phải có năng lực mạnh mẽ. Hiện nay, phần lớn các startup sử dụng vốn đầu tư để phát triển sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, nhiều startup dành khoản vốn đáng kể cho các hoạt động marketing, tuyển dụng nhân sự, mở rộng thị trường và trang trải chi phí hoạt động hằng ngày của DN.
Nhìn chung, các startup Việt Nam đã sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của DN và hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục như: tỉ lệ thất bại của startup còn cao; hiệu quả sử dụng vốn chưa như mong muốn; khả năng tiếp cận vốn đầu tư của các startup ở giai đoạn đầu còn hạn chế...
Theo NLĐ