8 tháng qua, cơ quan thuế đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng hơn 87.000 tỷ đồng, tăng gần 47% dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm nay đã được Quốc hội thông qua và bằng 90% cùng kỳ năm trước. Có con số hoàn thuế này, trước đó, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành nhiều công điện thúc đẩy quá trình hoàn thuế cho doanh nghiệp sau khi có Công điện 470 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều doanh nghiệp sau đó đã được cán bộ thuế "cầm tay chỉ việc", hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ đầy đủ và đã nhận được tiền hoàn thuế.
Ông Trần Minh Hải, Kế toán trưởng công ty trang thiết bị phòng cháy chữa cháy nêu thực tế: “Đến nay thì trên Cục thuế cũng đã giải quyết số tiền hoàn thuế là trên 3 tỷ đồng cũng đã về đến tài khoản của đơn vị cũng giúp cho đơn vị trong việc đảm bảo được nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh được kịp thời”.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, hiện nay gần 80% số hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đã được cơ quan thuế giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc. Số còn lại, hiện có nhiều doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế rất lớn, nhưng hồ sơ hoàn thuế lại xuất hiện có dấu hiệu vi phạm, nguy cơ rủi ro, do vậy cơ quan thuế cần thời gian tiến trình xác minh, thậm chí gửi hồ sơ sang cơ quan công an.
Song cũng có doanh nghiệp hầu hết số hóa đơn hoàn thuế đều hợp pháp, chỉ có 1 đến 2 hóa đơn có rủi ro với giá trị rất nhỏ, nhưng cũng phải chờ tiến trình xác minh rất lâu khiến cho doanh nghiệp gặp khó.
Một thực trạng hiện nay đó là chỉ một vài hoá đơn rủi ro nhưng ảnh hưởng tới cả bộ hồ sơ hoàn thuế, đây là tình cảnh của không ít doanh nghiệp gặp phải hiện nay, trong đó có nhóm doanh nghiệp dăm gỗ và tinh bột sắn. Để nhanh chóng tháo gỡ cho doanh nghiệp, Tổng cục Thuế cho biết đã ban hành quy trình hoàn thuế mới với 7 giải pháp và ra mắt sổ tay hướng dẫn kiểm tra trước hoàn thuế cho Cục thuế các địa phương, với phương châm: hoàn thuế từng phần, hồ sơ nào đủ điều kiện phải hoàn ngay cho doanh nghiệp, không chờ xác minh toàn bộ.
Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: “Công văn 299 của Tổng cục Thuế cũng đã chỉ rõ là yêu cầu các Cục thuế khẩn trương hoàn thuế phần tiền mà đã đủ điều kiện nhằm một phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có vốn để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Số tiền nào đủ điều kiện sẽ khoanh lại để hoàn tiếp, hoàn nhiều lần, không chờ xác minh đầy đủ rồi mới hoàn cho doanh nghiệp”.
Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: Theo Công điện số 07 của Tổng cục thuế về việc thúc đẩy hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục thuế các địa phương chỉ đạo các Cục phó phải trực tiếp rà soát từng hồ sơ hoàn thuế còn vướng mắc của các doanh nghiệp.
Hiện nay, Tổng cục Thuế đang tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế, đồng thời đẩy mạnh kiểm soát công tác hoàn thuế giá trị gia tăng bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
“Ngoài việc nghe báo cáo ra thì việc trực tiếp ra soát hồ sơ sẽ giúp có được những thông tin đầy đủ hơn, từ đó sẽ có những quyết định ban hành chính xác hơn, nhanh chóng hơn. Điều này sẽ giúp khắc phục trình trạng có thể xảy ra là "trên nóng, dưới lạnh" trong công tác hoàn thuế GTGT” - ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói.
Tiếp tục các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Bộ đã chỉ đạo ngành thuế tổ chức thực hiện hoàn thuế đúng thẩm quyền, đúng pháp luật quy định, không để tồn đọng kéo dài, bảo đảm giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đúng thời hạn quy định.
“Việc xác định trách nhiệm khi mà chậm hoàn thuế VAT thuộc về cơ quan thuế hay là thuộc về doanh nghiệp, người dân thì chúng ta phải xem xét những trường hợp rất cụ thể với những hồ sơ cụ thể từ đó xác định nguyên nhân mới rõ được nguyên nhân do đâu. Đứng về phía cơ quan quản lý nhà nước thì chúng tôi cho rằng: trước hết là phải rà soát lại các quy định của pháp luật, rồi rà soát quy trình, cách thức triển khai công tác hoàn thuế để xem có những gì có thể rút ngắn quy trình này lại mà vừa đảm bảo được yêu cầu là nhanh, chính xác và phòng ngừa rủi ro chống gian lận, lậu thuế trong hoàn thuế giá trị gia tăng” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Theo Tổng cục Thuế, việc đưa vào vận hành, triển khai "Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử", để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành hóa đơn điện tử, giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.
Ngoài ra, trong tháng 9/2023, áp dụng hệ thống phân loại hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm trước hay hoàn thuế trước, một cách tự động bởi ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu của ngành mà không có sự can thiệp của con người. Từ đó sẽ là giải pháp tối ưu giúp quy trình hoàn thuế được diễn ra nhanh chóng hơn.