Theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) có thể tiếp cận vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc hoặc trả lương phục hồi sản xuất cho NLĐ khi có đủ các điều kiện. Dù vậy, phản ánh của nhiều DN cho thấy đang có những bất cập khiến việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này gặp khó khăn.
Khó đáp ứng điều kiện
Để triển khai gói hỗ trợ nói trên, Ngân hàng Nhà nước đã cho Ngân hàng CSXH vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỉ đồng với lãi suất 0%/năm, thời hạn tái cấp vốn dưới 12 tháng và không có tài sản bảo đảm để DN dễ tiếp cận.
Theo Nghị quyết 68, một trong những điều kiện để DN vay được gói tín dụng ưu đãi 0% lãi suất, trong thời hạn dưới 12 tháng để trả lương ngừng việc cho NLĐ là không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng ở thời điểm đề nghị vay vốn. Quyết định 23 cũng nêu rõ phải nộp bản sao "thông báo quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020" của cơ quan thuế đối với DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Nhiều DN cho biết dịch Covid-19 kéo dài từ năm ngoái đến nay khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh ngừng trệ. DN không chỉ bị giảm doanh thu, lợi nhuận mà nhiều khoản lãi vay đến hạn ở ngân hàng thương mại cũng khó thanh toán đúng hạn. Nợ vay bị nhảy nhóm nợ hoặc phát sinh nợ xấu đối với một số khoản vay là khó tránh, việc quyết toán thuế năm 2020 cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Công ty CP Thiết bị Nhà bếp Vina, cho rằng điều kiện về quyết toán thường có độ trễ từ năm trước, phải sang gần giữa năm sau mới hoàn thành. Trong khi đó, năm nay lại rơi vào thời điểm dịch bệnh phải giãn cách xã hội nên nhiều DN khó có thể hoàn thành quyết toán của năm trước đó.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương hiệu Toàn Cầu, DN rất cần vốn nhưng điều kiện đưa ra là quá khó và không dễ gì tiếp cận được nguồn vốn này. Chẳng hạn, điều kiện về việc DN phải đóng BHXH 100% cho NLĐ là rất khó thực hiện vì có lao động thời vụ. Với điều kiện nợ xấu, nhiều DN cũng không thể đáp ứng được.
"DN hoạt động sản xuất - kinh doanh đa phần đều phải vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ cần một lần DN đáo hạn hoặc thanh toán không đúng thời hạn thì sẽ bị ngân hàng hạ điểm tín nhiệm, kể cả đưa vào danh sách nợ xấu trên hệ thống thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Việc bị hạ điểm tín nhiệm trong bối cảnh dịch càng khó tránh" - ông Luân băn khoăn.
Hầu hết các doanh nghiệp đang cần vốn vay lãi suất thấp để khôi phục sản xuất Ảnh: TẤN THẠNH
Sớm gỡ vướng mắc
Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, nhận định trong thời điểm khó khăn như hiện nay, rất cần những nguồn vốn vay ưu đãi, không chỉ chi trả lương cho công nhân mà còn giúp DN giảm bớt gánh nặng chi phí để tập trung phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, điều kiện để DN được vay từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH với lãi suất 0% cũng không được thuận lợi.
"Về điều kiện hoàn thành quyết toán năm 2020, đa phần DN quy mô lớn có thể đáp ứng vì đây cũng là điều kiện mà đối tác, khách hàng nước ngoài yêu cầu. Tuy nhiên, DN lớn không nhiều, trong khi DN quy mô nhỏ và vừa lại chiếm đa số. Nhóm DN này khó hoàn thành quyết toán đúng tiến độ" - ông Trần Hữu Hậu nói.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam, riêng điều kiện về nợ xấu, cả DN lớn và nhỏ đều dễ bị vướng, nhất là bị mắc nợ ngân hàng do đối tác gặp khó trong dịch. Hiện các DN đã tham gia những chuỗi cung ứng cả trong và ngoài nước, chỉ cần một DN gặp khó thì sẽ kéo theo các DN trong chuỗi cung ứng bị đứt gãy dòng tiền ngay. Do đó, điều kiện vay vốn cần phải định nghĩa thế nào là nợ xấu để tạo thuận lợi cho DN tiếp cận được nguồn vốn này.
Phản ánh đến Cổng thông tin điện tử Chính phủ mới đây, ông Hoàng Tiến Du (Bắc Ninh) cho biết ông có công ty kinh doanh vận tải hàng hóa. Khi làm thủ tục vay vốn, công ty ông đã chuẩn bị toàn bộ hồ sơ nhưng theo quy định tại Quyết định 23 thì phải có thông báo quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020. Khi làm đề nghị sang cơ quan thuế thì DN được phản hồi do chưa có việc thanh - kiểm tra nên không thể xác nhận cho công ty về việc quyết toán này, mà chỉ cấp giấy tờ chứng nhận công ty đã nộp thuế nhưng chưa thanh - kiểm tra.
Tuy nhiên, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Bắc Ninh không đồng ý thông báo này và gửi lại phản hồi. Do vậy, công ty của ông Du rất khó tiếp cận vốn để duy trì, phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Liên quan những phản ánh của DN, ngày 7-10, một đại diện Ngân hàng CSXH xác nhận những vướng mắc liên quan quy định không có nợ xấu tại thời điểm vay vốn hoặc yêu cầu phải có quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020 đang làm khó DN vay vốn ưu đãi 0% lãi suất. Ngân hàng CSXH đã gửi báo cáo lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, xin ý kiến các bộ, ngành rồi trình Chính phủ kiến nghị chỉnh sửa Nghị quyết 68 và Quyết định 23.