Nhờ thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu, huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, sầu riêng Khánh Sơn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bình chọn là "Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019".
Từ năm 2019, UBND huyện Khánh Sơn tổ chức Lễ hội trái cây. Lễ hội lần thứ ba này được tổ chức trong 4 ngày, từ 10-13/8 với chủ đề "Khánh Sơn hội tụ - tinh hoa đất trời". Điểm nhấn là các hoạt động tại Quảng trường 20/11, thị trấn Tô Hạp với 60 gian hàng để trưng bày các loại trái cây có giá trị kinh tế cao của huyện như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, mít nghệ, mít tố nữ, mía tím... và các mặt hàng có giá trị kinh tế khác cho du khách mua sắm.
Du khách và người dân còn được thưởng thức các hoạt động đặc sắc như thi trái cây ngon, tái hiện các lễ hội truyền thống của người Raglai; biểu diễn và trưng bày nhạc cụ đàn đá... Bên cạnh trưng bày, giới thiệu trái cây, huyện Khánh Sơn còn tổ chức các hội thảo bàn về giải pháp phát triển du lịch cộng đồng, liên kết tiêu thụ nông sản...
Ông Trần Đình Lộc, thị trấn Tô Hạp, cho biết, giá sầu riêng có giảm so với đầu mùa nhưng đem lại thu nhập cao cho người trồng.
"Nông dân vẫn có lời, trên 60-70 ngàn/kg, vẫn ổn định. Lễ hội trái cây, 2 năm huyện Khánh Sơn tổ chức một lần, du khách đến rất đông, rất tốt đẹp, thấy vậy rất mừng. Người dân mong muốn giá ổn định, nội địa tiêu thụ sầu riêng càng nhiều càng tốt" - ông Lộc chia sẻ.
Huyện Khánh Sơn ở độ cao khoảng 1.000 m so với mực nước biển, cách vùng ven biển khoảng 40 km về phía Tây, quanh năm mát mẻ, ôn hòa, được ví là "Đà Lạt thu nhỏ" của tỉnh Khánh Hòa.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận cảm nhận: "Lên đây khí hậu mát mẻ và lạ lắm, có sương mù nè, em đi nhiều lần nhưng không săn được mây bây giờ mới thấy sương mù. Trái cây rất ngon riêng sầu riêng rất chuẩn rồi, ăn ở đâu cũng không bằng. Nơi khác xuống thì thấy trái sầu riêng cũng to như Khánh Sơn nhưng cơm sầu riêng ít hơn ở Khánh Sơn".
Ở lần đầu tiên năm 2019, Lễ hội trái cây Khánh Sơn thu hút khoảng 10 nghìn lượt khách, lần thứ 2 đón 15 nghìn lượt khách đến, lần thứ 3, dự kiến lượng khách sẽ còn đông hơn. Trong tiến trình phát triển du lịch, Khánh Sơn đặt mục tiêu đến đến năm 2025 thu hút 22.000 lượt khách, xây dựng được mô hình làng du lịch cộng đồng, điểm đến sinh thái nông nghiệp, đồng thời phục dựng lễ hội truyền thống của người Raglai...Thông qua đó đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại chỗ. Tuy vậy, Khánh Sơn đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông chỉ có Tỉnh lộ 9 độc đạo, quanh co, hiểm trở.
Ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, hạ tầng du lịch còn hạn chế khi cả huyện chỉ có gần 60 phòng lưu trú, sản phẩm du lịch còn đơn điệu:
"Du khách đến đây hạ tầng dịch vụ không có, hạ tầng giao thông chưa đảm bảo cũng làm khó khăn cho khách du lịch đến tham gia Lễ hội trái cây. Hạ tầng dịch vụ phải nâng tầm. Thứ hai là phải khuyến khích các nhà vườn phải tập trung cho Lễ hội trái cây, kích thích những người sử dụng sản phẩm trái cây huyện Khánh Sơn với giá tốt nhất" - ông Nhựt cho biết.
Cùng với phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế hàng hóa, huyện Khánh Sơn đang bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử - văn hóa,... và khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, gắn kết phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo tồn văn hóa thành chuỗi liên kết trong phát triển kinh tế xã hội.
Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, Khánh Sơn chọn phát triển nông nghiệp hàng hóa là nòng cốt, liên kết theo chuỗi tiêu thụ, bên cạnh xuất khẩu còn đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Qua đó, góp phần giảm nghèo cho người dân địa phương.
"Phát triển nông nghiệp của huyện Khánh Sơn sang sản xuất kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Trên địa bàn có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn Viet Gap và đảm bảo về mặt truy xuất nguồn gốc. Đây là việc giúp huyện sớm thoát khỏi huyện nghèo".