Cấp chủ quyền đất chồng chéo, sai lệch.
Nổi bật nhất có thể kể đến trường hợp của bà Bà Phan Ngọc Ẩn ngụ tại ấp Kinh 6, xã Tân Bằng, Huyện Thới Bình , tỉnh Cà Mau . Theo bà Ẩn cho biết bà có mua khu đất diện tích 5500m2 của bà Trần Thị Chính từ năm 2003 để canh tác. Khu đất này trước đây còn hoang sơ do bà Chính khai thác sử dung từ trước năm 1975 đến thời điểm sang nhượng cho bà Ẩn vẫn không có tranh chấp.
Khoảng năm 2009 - 2011 tỉnh bắt đầu giải tỏa đền bù để thực hiện dự án đường hành lang ven biển phía Nam có đoạn đi qua khu vực này thì bà Ẩn phát hiện đất của mình bị chồng lấn trên diện tích đất đã được cấp giấy CNQSDĐ của bà Trần Thị Hồng là 982m2 một cách bất ngờ và vô lý, bởi trước đó bà Hồng không hề sở hữu đất ở khu vực này, không khai thác, canh tác, cũng không tranh chấp. Tuy nhiên giờ đây bà Hồng nghiễm nhiên nhận tiền đền bù cũng như sở hữu giấy tờ đất chồng lấn lên đất mà bà Ẩn đã dày công cải tạo, canh tác. (trong quá trình canh tác gia đình bà Ẩn đã từng phát hiện 2 quả bom còn sót lại từ thời chiến tranh trong khu vực đất trannh chấp)
Bà Ẩn đang chỉ ranh giới đất của mình bị lấn chiếm
Nhận thấy sự việc có điều khuất tất, gia đình bà Ẩn đã tìm hiểu và được biết do địa chính xã Tân Bằng và huyện Thời Bình đã không hề xuống đo vẽ, cắm ranh mốc khi thực hiện quá trình cấp giấy CNQSDĐ cho bà Hồng mà chỉ vẽ sơ đồ và xác định diện tích theo những gì bà Hồng yêu cầu. (Nếu cán bộ địa chính có xuống thực địa thì gia đình bà Ẩn đã biết và sẽ không có câu chuyện chồng chéo xảy ra).
Đơn cử thêm là trường hợp của gia đình bà Lê Thị Hiền và ông Trang Thành Nghĩa. Vợ chồng ông bà được cha mẹ để lại đất có diện tích ngang 55m, dài 500 mét. Đến năm 1994 được UBND huyện Thới Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ xanh) với diện tích 27.500m2. Đến năm 1995 đổi sang sổ đỏ, vợ chồng ông bà nghĩ rằng chỉ là đổi sổ nên không có thay đổi gì về nội dung do đó chủ quan không kiểm tra lại mà đem thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn. Đến năm 1998, bà Đặng Thị Lang (giáp ranh với đất của ông Nghĩa) và ông Trương Văn Hiệp (con bà Lang) đã tự ý đào 1 đoạn mương lấn chiếm sang đất của ông Nghĩa và bà Hiền, sau đó kêu xáng vào cuốc đất và thu hoạch bán tràm trên khu đất đó. Gia đình ông Nghĩa bà Hiền phát hiện và ngăn cản, sau đó ông bà có yêu cầu chính quyền địa phương lập biên bản xử lý, nhưng địa phương hòa giải không thành, ông bà đã kiện ra tòa để xét xử.
Mặt khác trong quá trình tranh chấp đất này ông Nghĩa và bà Hiền mới phát hiện đất của mình khi chuyển qua sổ đỏ đã bị địa chính làm sai, thiếu 1 phần so với diện tích ban đầu. Ông bà có làm đơn xin điều chỉnh nhưng do đang thế chấp ngân hàng nên không thể xử lý được.
Bà Hiền với phần đất bị lấn chiếm và ngang nhiên bị thu hoạch Tràm
Có sự bao che cán bộ sai phạm ?
Mặc dù có rất nhiều sai phạm rõ ràng trong quy trình cấp giấy CNQSDĐ nhưng chính quyền địa phương huyện Thới Bình và tỉnh Cà Mau vẫn không có hình thức và biện pháp xử lý thỏa đáng dẫn tới nhiều vụ khiếu kiện kéo dài trong những năm qua.
Cụ thể trong vụ án của bà Phan Ngọc Ẩn, đã nhiều năm bà Ẩn gửi đơn khiếu nại khắp nơi nhưng quả bóng trách nhiệm lại được xã Tân Bằng và huyện Thới Bình đá qua lại nhiều lần khiến bà phải chạy tới chạy lui chờ xử lý. Cuối cùng sau khi hòa giải tại địa phương không được, bà Ẩn đã gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Cà Mau.
Tuy nhiên, tại cuộc họp “Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại về đất đai Thuộc huyện Thới Bình” diễn ra ngày 7/5/2015 với thành phần tham dự gồm lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành, hanh tra Sở Tài nguyên và môi trường đã kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định: giữ nguyên nội dung quyết định số 15/QĐ-UBND, ngày 9/1/2014 của chủ tịch UBND huyện Thới Bình; bác đơn khiếu nại của bà Ẩn.
Điều đáng nói là việc Bà Ẩn khiếu nại hành vi sai trái của cán bộ địa chính xã đều không được tiếp nhận và điều tra xử lý ở cả ba cấp (xã, huyện và cấp tỉnh). Bà Ẩn còn cho biết thêm: bà liên tục bị các cán bộ địa chính Huyện gây khó dễ. Đồng thời còn bị một cán bộ “đe dọa” nếu bà còn giữ giấy tờ đất của bà Chính sang nhượng cho bà thì bà sẽ bị ở tù !? Bà Ẩn bức xúc: “Tôi không hiểu vì sao cán bộ nhà nước lại nói như vậy trong khi giấy tờ đất là do nhà nước cấp, tôi không gian lận gì sao lại phải ở tù, sau này có người giải thích với tôi là họ làm vậy nhằm khiến tôi sợ phải hủy đi giấy tờ gốc vì đây là bằng chứng quan trọng”.
Sau khi bị Tòa án nhân dân huyện Cà Mau xử thua tại phiên sơ Thẩm. Cho rằng tòa chỉ căn cứ vào những chứng cứ và lời khai từ một phía trong khi có nhiều bằng chứng và nhân chứng đặc biệt là Chủ đất củ là gai đình bà Chính sẵn sàng xác nhận ranh giới đất thực của bà lại bị bỏ qua không xét đến, hiện bà Ẩn đang kháng cáo lên tòa án tối cao để được xử phúc thẩm.
Tương tự trường hợp của ông Nghĩa và bà Hiền. Tại tòa án Huyện Thới Bình và Tỉnh Cà Mau, vợ chồng ông bà đều bị xử bất lợi vì những tắc trách trong việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày trước.
Tuy nhiên ông bà không đồng tình và đã tiếp tục kháng cáo lên Giám đốc thẩm, mong tòa án nhân dân tối cao giải quyết đem lại công bằng cho ông bà, vì không thể vì sai lần của cán bộ, chính quyền và bắt người dân phải thiệt hại quyền lợi. hơn nữa, trên thực tế từ năm 1994 đến năm 2000 chính quyền vẫn thu thuế phần đất của ông bà với diện tích 27.500m2 , và khi làm đường giao thông nông thôn chính quyền cũng thu tiền làm đường của gia đình ông bà theo diện tích là chiều ngang 55m.
Có thể thấy những năm qua, công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Thới Bình và tỉnh Cà Mau đã được tập trung tăng cường, tuy nhiên, những “lỗ hổng” trong quản lý đã dẫn đến phát sinh những hệ lụy, gây khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, rất khó xử lý, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, an ninh trật tự tại địa phương. Thiết nghĩ các cấp chính quyền cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, nghiêm minh hơn nữa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Tổng hợp theo báo Công Lý