Theo đó, dự án Khu dân cư (KDC) Hòa Lân (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương) do Công ty TNHH – SXTM Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) làm chủ đầu tư có tổng diện tích 490.765 m2 (218.964,7 m2 đất nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, và 246.853,1 m2 đất nhà nước giao không thu tiền tiền sử dụng đất). Thiên Phú thế chấp dự án này tại Chi nhánh Chợ lớn – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank Chợ Lớn) để thực hiện gói vay 1.100 tỷ đồng. Do không có khả năng trả nợ, Thiên Phú ký biên bản thỏa thuận giao tài sản để ngân hàng xử lý thu hồi nợ.
Liên quan vụ việc đấu giá tại Khu dân cư Hoà Lân (Bình Dương), hiện hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang Cơ quan công an làm rõ.
Tuy nhiên, qua đơn tố cáo của Công ty Thiên Phú được biết Công ty Cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn có nhiều dấu hiệu là “sân sau” của Agribank Chợ Lớn. Cụ thể, ông Nguyễn Việt Hưng đang là cán bộ Agribank Chợ Lớn (Thành viên ban xử lý nợ) thời điểm đó nắm giữ 76% vốn điều lệ. Mục đích thành lập ra Công ty Cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn là để cùng vợ chồng bà Đặng Thị Kim Oanh – ông Nguyễn Thuận thâu tóm trái phép 3 dự án của công ty Thiên Phú.
Trước vấn đề này, phóng viên đã có trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh).
PV: Đất được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, do không có khả năng trả nợ, do đó công ty Thiên Phú ký biên bản thỏa thuận giao tài sản để ngân hàng xử lý thu hồi nợ. Ý kiến của Luật sư về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Trần Minh Hùng: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 173 Luật đất đai 2013:
“Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”.
Do đó, nếu Công ty Thiên Phú được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nếu Thiên Phú đã ký biên bản thỏa thuận giao tài sản để ngân hàng xử lý thu hồi nợ thì biên bản này có thể vô hiệu theo quy định. Các bên có thể khởi kiện vụ việc ra tòa án yêu cầu tuyên bố văn bản thỏa thuận này vô hiệu.
Ngoài ra, dưới góc nhìn pháp lý, việc Công ty Kim Oanh đấu giá thành với hàng loạt những “uẩn khúc”, dấu hiệu sai phạm được Thanh tra Bộ Tư pháp xác định. Về vấn đề này, quyền và nghĩa vụ của người mua được tài sản bán đấu giá, khoản 1 và điểm a. khoản 2 Điều 36 Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 nói, “Quyền và nghĩa vụ của người mua được tài sản bán đấu giá được xác định từ thời điểm đấu giá viên tuyên bố người đó mua được tài sản bán đấu giá; Người mua được tài sản bán đấu giá có các quyền và nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản cho tổ chức bán đấu giá tài sản;”. Căn cứ các điều khoản này thấy Công ty A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh) đã không thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình.
Mặt khác, theo Quy chế đấu giá và Thông báo bán đấu giá (lần 12) ngày 29/12/2016, “trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày đấu giá thành, khách hàng mua được tài sản bán đấu giá phải thanh toán 20% số tiền trúng đấu giá tài sản (không bao gồm 10% số tiền đã đặt trước). Số tiền 70% còn lại phải thanh toán trong thời hạn 45 ngày.
Nếu khách hàng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo quy định, thì số tiền mà khách hàng đã thanh toán sẽ không được hoàn lại và phải chịu nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, tiền lãi chậm trả đối với việc thanh toán không đúng quy định… Đồng thời đồng ý hủy kết quả đấu giá vô điều kiện và chấp thuận để bên có tài sản đấu giá lấy lại tài sản này”. Từ căn cứ này cho thấy, Công ty A Đông Hải đã nhiều lần vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong một thời gian dài nhưng Agribank Chợ Lớn không có biện pháp quyết liệt để xử lý là không phù hợp với Quy chế đấu giá.
Việc làm này cũng không thực hiện đúng Điều 17 Công văn số 8298/NHNo-HSX ngày 08/12/2014 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, thể hiện việc chưa làm hết trách nhiệm của Agribank Chợ Lớn trong việc quản lý tiền là tài sản nhà nước.
Trước đó, liên quan đến vụ đấu giá Khu dân cư Hoà Lân, trước đó Thanh tra Bộ Tư pháp đã xác định nhiều dấu hiệu sai phạm tại vụ việc. Cụ thể, ngày 24/12/2018, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp ban hành kết luận thanh tra số 62/KL-TTR trong đó xác định Công ty đấu giá Nam Sài Gòn còn thiếu sót, vi phạm trong việc bán đấu giá tài sản như không kiểm tra chặt chẽ thông tin do ngân hàng cung cấp. Quy chế bán đấu giá và thông báo bán đấu giá tài sản có nội dung khác nhau về thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán tiền mua tài sản.
Ngoài ra, trong báo cáo ngày 29/3/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng nêu ra việc không thực hiện đúng thoả thuận của Cty Kim Oanh với Agribank Chợ Lớn, Cty Kim Oanh nhiều lền vi phạm cam kết nghĩa nghĩa vụ tài chính trong thời gian dài nhưng Agribank Chợ Lớn không có biện pháp quyết liệt để xử lý là trái với Quy chế đấu giá, thể hiện việc chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý tiền là tài sản đấu giá Nhà nước của một tổ chức tín dụng.
Cũng tại báo cáo số 91 còn thể hiện, qua thông tin báo chí, Bộ Tư pháp được biết, Công ty Thiên Phú đã khởi kiện, TAND quận 7 (TP. Hồ Chí Minh) đã thụ lý đơn kiện và ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm dịch chuyển quyền về tài sản là Dự án Khu dân cư Hoà Lân.
Tấn Phát - ĐT