Đây là phiên chợ rất độc đáo, mỗi năm chỉ tổ chức một lần, đúng vào đêm mùng 2 rạng ngày mùng 3 Tết. Người đi chợ để mua may, bán may; người bán không nói thách, bán chỉ với mong muốn người mua, mua được điều may mắn; người mua cũng không trả giá, mua chỉ với mong muốn người bán nhận được điều may mắn từ mình.
Những gian hàng lưu niệm được người dân bày bán trong lễ hội
Theo ông Võ Văn Bắc - Chủ tịch UBND xã Triệu Đông, phiên chợ đình Bích La năm nay được phục dựng lại nguyên bản, từ thời gian tổ chức đến các nghi thức, nghi lễ. Điểm mới của lễ hội chợ đình Bích La, là kéo dài trong 2 ngày mùng 2 và mùng 3 tết, còn trước kia chỉ diễn ra từ đêm mùng 2 đến sáng mùng 3.
Năm nay, ban tổ chức còn đưa trò chơi bài chòi vào lễ hội, đáng mừng là rất nhiều người hứng thú tham gia. Đặc biệt, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, các trò chơi cờ bạc được kiểm soát chặt, không còn hoạt động rầm rộ như những năm trước. Việc đốt hương trong khuôn viên diễn ra lễ hội được hạn chế, phân luồng giao thông tốt nên không bị ùn tắc cục bộ.
Cây thần tài, nhánh chè xanh để cầu tài lộc năm mới; thẻ hương để thắp xin tổ tiên phù hộ; lá trầu và quả cau để cầu sự sung túc, bình yên.
Những sản vật bà con mang đến chợ đều được làm ra từ đồng ruộng, đất đai hương hỏa của tổ tiên, như buồng cau, lá trầu, nải chuối, bó chè xanh hay con cá, con tôm... Lễ hội Chợ Đình Bích La được tổ chức gồm 2 phần: phần Lễ, Hội và phần Chợ. Tất cả đều diễn ra trong một không gian thống nhất gồm khu vực Miếu thờ, Đình làng và Chợ.
Người tham gia chợ đình Bích La không chỉ gói gọn tại tỉnh Quảng Trị, mà các tỉnh thành lân cận cũng tham gia. Theo quan niệm, chỉ cần mua bất kỳ thứ gì bán ở chợ, đưa về nhà sẽ “rước lộc”, đón một năm mới an lành.
Khu chính Đình làng, nơi khách tham quan thắp hương cầu nguyện
Khách nước ngoài dâng hương cầu nguyện tại lễ hội
Ngoài phần hội, phần lễ chính ở chợ đình Bích La, là nghi lễ gọi thần Kim Quy. Tương truyền, ở hồ nước trước đình làng Bích La có một con rùa vàng sinh sống. Hàng năm, cứ vào sáng mùng 3 Tết Nguyên đán, rùa thường xuất hiện. Người dân làng cho rằng đây là điềm báo tốt lành cho một năm mưa thuận gió hòa. Năm nào rùa không nổi lên thì năm đó thiên tai lụt lội, làm ăn thất bát.
Cầu thần Kim Quy là phần chính của lễ hội
Theo truyền thống có từ lâu, cứ đêm mùng 2 rạng sáng mùng 3 Tết, người dân tập trung trước đình Bích La, đánh trống khua chiêng thật lớn để gọi rùa vàng nổi lên để một năm mới an lành, thuận lợi, mùa màng bội thu, con cái, gia đình hạnh phúc, thuận hòa. Ước tính, trong đêm mùng 2 và sáng mùng 3 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, chợ đình Bích La đã hút hơn 10 nghìn lượt khách.
Bài chòi như một nét văn hóa được BTC đưa vào lễ hội
Cùng với lịch sử hơn 500 năm của làng Bích La, lễ hội truyền thống chợ đình Bích La có từ hàng trăm năm nước, xuất phát từ cõi lòng tâm linh mong cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng làm ăn phát đạt và thịnh vượng của các tộc họ làng Bích La. Lễ hội diễn ra là nơi người dân thường tập trung để cầu mong sự may mắn, thuận lợi trong công việc, cuộc sống, học hành vào năm mới.
Trung Việt