Trên Kitco, lúc 15h ngày 3/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới được niêm yết ở ngưỡng 1.912 USD/ounce, giảm 44 USD/ounce so với chiều qua.
Kim loại quý thế giới đảo chiều lao dốc do chịu áp lực bán trong bối cảnh các nhà đầu tư đổ xô chốt lời sau khi vàng chạm mức cao nhất 9 tháng. Ngoài ra, sự phục hồi của USD cũng gây áp lực lên kim loại quý. Rạng sáng, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,53% lên gần ngưỡng 102 điểm.
Sau kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên trong năm 2023 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và phát biểu của người đứng đầu, mối quan tâm của thị trường đang chuyển sang tình hình việc làm tại Mỹ. Dữ liệu sẽ được Bộ Lao động công bố vào sáng thứ Sáu (giờ Mỹ). Con số bảng lương phi nông nghiệp dự kiến sẽ tăng lên 187.000 việc làm, sau khi tăng 223.000 trong báo cáo tháng 12.
Các thị trường đang mong chờ Fed sẽ sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt khi lạm phát giảm tốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng lạm phát sẽ vẫn “dai dẳng” và tiếp tục hỗ trợ vàng chạm các mốc kỷ lục mới.
Diễn biến giá vàng hôm nay
+ Giá vàng trong nước
Lúc 15h ngày 3/2, trên sàn giao dịch của Doji, giá vàng được niêm yết ở mức 66,45 - 67,35 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 150.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Trong khi đó, trên sàn giao dịch của SJC, vàng SJC có giá mua vào là 66,7 triệu đồng/lượng, bán ra là 67,5 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với phiên trước.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 52,95 - 55,2 triệu đồng/lượng.
+ Giá vàng quốc tế
Trên Kitco, lúc 15h ngày 3/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới được niêm yết ở ngưỡng 1.912 USD/ounce, giảm 44 USD/ounce so với chiều qua.
Sáng 3/2, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 54,57 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế và phí) thấp hơn khoảng 13,05 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên giao dịch ở mức 1.953 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn giao dịch ở mức 1.954 USD/ounce.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quỹ liên bang (FFR) thêm 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất FFR lên 4,5%-4,75%/năm. Đây là mức lãi suất chuẩn cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Ngoài nâng lãi suất, Fed cũng giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu. Fed vẫn kiên trì kéo giảm lạm phát về mức mục tiêu 2,5%. Đây là nhiệm vụ lâu dài, nhưng lạm phát của Mỹ thời gian qua đã hạ nhiệt nhanh chóng.
Dự báo giá vàng
Đối tác quản lý Leigh Goehring của Goehring & Rozencwajg dự báo, vàng sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay. “Vào tháng 8/2020, chúng ta đạt đỉnh ở mức 2.050 USD/ounce và sau đó chạm đỉnh một lần nữa vào tháng 3/2022. Năm nay chúng ta sẽ vượt qua mức cao nhất mọi thời đại", Goehring nói.
Vàng sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ khi Fed đang kết thúc chu kỳ thắt chặt tích cực của mình và thị trường không định giá lạm phát một cách chính xác. Goehring cho rằng, Fed sẽ ngừng tăng lãi suất, nhưng sau đó vấn đề lạm phát lớn khác sẽ xuất hiện. Một khi giới đầu tư nhận ra rằng lạm phát sẽ không giảm xuống mức mục tiêu 2% như Fed mong đợi, họ sẽ tìm đến vàng.
Goehring nói rằng, việc thị trường nhận ra các đợt tăng lãi suất của Fed đang kết thúc sẽ là một cú hích tâm lý to lớn để đưa giá vàng vượt qua 2.000 USD và mức cao cũ 2.050 USD.
Việc thị trường nhận ra rằng lạm phát vẫn chưa được kiểm soát là yếu tố quan trọng thứ 2 quyết định hướng đi của vàng.
“Quay trở lại những năm 1970, khi mọi người thấy rằng lạm phát vẫn là một vấn đề lớn, đó là lúc giá vàng bắt đầu phi mã sau khi chạm đáy vào cuối năm 1976. Đó là lý do tại sao diễn biến tiếp theo này sẽ rất thú vị. Tôi không biết vàng có thể tăng cao đến mức nào. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy mức giá 3.000 USD trong năm nay”, Goehring nói thêm.
THEO VTC