Tại cuộc khi Vietnam Startup Wheel 2019, cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) khởi xướng và hội Doanh nhân trẻ TP.HCM đồng tổ chức, thí sinh nhỏ tuổi nhất là Bùi Lê Chí Bảo sinh năm 2002, hiện đang học lớp 12.
Dự án 6/7 TK của Bảo là hệ sinh thái học tập qua cộng đồng giành được giải ấn tượng nhất của Vietnam Startup Wheel 2019.
Bảo xây dựng hệ sinh thái học tập lớp 6/7 TK từ năm học lớp 6, khi nhận thấy rằng các bạn lớp mình muốn hỏi hay trao đổi bài cũng không biết hỏi ở đâu, với niềm đam mê tin học từ bé, Bảo mong muốn xây dựng cách học tốt nhất và hiệu quả nhất và đó là lý do Lớp 6/7 TK ra đời. Dự án ban đầu chỉ là một trang web Bảo xây dựng dành riêng cho lớp của mình.
Nền tảng này đã có 50.000 user trong đó 10.000 active user, trung bình mỗi ngày có 100 câu hỏi được gửi lên, nếu vào mùa thi sẽ có khoảng 200-300 câu hỏi được trao đổi mỗi ngày.
Hệ sinh thái học tập qua cộng đồng
Trên website Lớp 6/7 TK, các bạn học sinh có thể đặt câu hỏi thông qua phần Hỏi Đáp, cộng đồng với hơn 50.000 thành viên sẽ trợ giúp, ngược lại người dùng có thể tham gia hỗ trợ các bạn khác và nâng cao kiến thức của mình.
Các bạn học sinh cũng có thể kết nối với nhau thông qua nền tảng nhắn tin Letalk với nhiều tính năng từ ảnh GIF đến các phòng chat theo chủ đề và sở thích.
Và cuối cùng nền tảng Lecttr ra mắt vào tháng 8/2019, là nền tảng chia sẻ kiến thức từ cộng đồng, bao gồm các môn học cho đến kĩ năng mềm và nhiều lĩnh vực khác, được tiếp cận theo cách mới dễ hiểu hơn.
Các kiến thức được chia sẻ nằm trong chương trình học của khối trung học cơ sở và trung học phổ thông, tức là từ lớp 6 đến lớp 12. Đây là một nền tảng mở, ai cũng có thể đóng góp nhưng không được sửa câu hỏi của người khác. Có một phận kiểm duyệt và đội ngũ chuyên gia đánh giá các câu trả lời của các thành viên.
Đội ngũ tư vấn viên của Bảo hiện hơn 20 người, gồm các giáo viên, các anh chị đang học đại học Bách Khoa, Sư Phạm, các bạn học sinh đang học trường chuyên. Bảo cũng nhận được sự ủng hộ của mẹ là một giáo viên trường trung học cơ sở.
Đạt doanh thu đầu tiên 25.000 đồng sau 3 năm startup
Sau 2 năm phát triển website, năm 2015 Bảo đặt quảng cáo và ghi nhận doanh thu tháng đầu tiên với 25.000 đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Bảo chia sẻ, website mang về doanh thu khoảng 7.000 USD/năm, tính riêng 8 tháng đầu năm 2019 thu về khoảng 4.000 USD.
Bảo chia sẻ, ban đầu Bảo sử dụng các mã nguồn mở và các phần mềm miễn phí trên mạng để xây dựng website. Sau này khi phát triển các ứng dụng mới, Bảo xin tiền ba mẹ, với chi phí đầu tiên là 2 triệu đồng và tính đến nay, dự án "chưa bao giờ lỗ".
Ba của Bảo trước đây là một kỹ sư tin học và mở một tiệm net ở nhà. Ngày nhỏ, Bảo được ba cho xuống nhà chơi máy tính, năm 3 tuổi đã biết chơi game. Niềm đam mê với máy tính được nuôi dưỡng từ thời bé đã giúp Bảo giành được khá nhiều thành tích tại các cuộc thi về tin học, trong đó có huy chương đồng olympic tin học thành phố HCM và giải nhì cuộc thi khoa học cấp thành phố.
Năm nay Bảo học lớp 12, em đang theo đuổi một đề tài khoa học kỹ thuật về IoT (internet vạn vật), nết lọt vào vòng quốc gia em có thể được tuyển thẳng vào đại học Bách Khoa mà không cần phải thi đại học.
Nếu so với công nghệ của các thí sinh khác trong cuộc thi, website của Bảo khá đơn giản. Không có công nghệ AI, không có blockchain...nhưng Bảo vẫn giành được giải startup ấn tượng nhất. Trước đây, khi Mark Zuckenburg viết phần mềm Facebook ở trường đại học cũng bắt đầu từ những nhu cầu rất đơn giản đó sao. Những trường hợp như của Bảo sẽ là câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo và khởi nghiệp từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo Trí thức trẻ