Độc đáo phiên chợ dùng lá cây để giao dịch ở TP.HCM
"Chợ lá" là nét đẹp truyền thống ở Tây Ninh, xuất hiện từ khoảng 10 năm nay. Tuy nhiên, theo Báo Lao Động, năm nay, phiên chợ đã được tổ chức lần đầu tiên tại TP.HCM với sự tham gia của đông đảo người dân ở khắp mọi nơi về tề tựu.
Địa điểm tổ chức phiên "chợ lá" không cố định, có thể ở bất kì đâu, thường là ở trong khu dân cư, gần các khu chợ truyền thống. Bất kể ai cũng có thể tham gia phiên chợ. Sự kiện năm nay lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực quận 5, TP.HCM và vào đúng vào dịp cuối tuần nên đông đảo người dân ở khắp mọi nơi đã đến để tham gia.
Mỗi người sẽ được phát từ 7-10 lá bồ đề để mua những mặt hàng mà mình thích. Không cần biết mệnh giá, khách mua cứ mua, người bán cứ bán. Muốn mua thứ nào, khách chỉ việc đưa một chiếc lá cho người bán.
Phiên chợ lá với hơn 70 gian hàng, đủ các loại mặt hàng được bày bán như: bột giặt, kem đánh răng, cơm, nước ép, bánh bột lọc, xôi,... Ở đây, cả người bán và người mua đều rất thoải mái, cái họ có được không phải tiền bạc mà là niềm vui.
Phiên chợ ‘độc lạ’, chỉ bán duy nhất mặt hàng đá quý
Miền đất Lục Yên, tỉnh Yên Bái được biết đến là một trong những thủ phủ đá quý lớn nhất Việt Nam. Nơi đây vẫn duy trì "chợ đá quý" để phục vụ nhu cầu của thị trường. Ở đây chỉ bán một mặt hàng duy nhất là đá quý.
Ở đây, đá ruby (thường gọi là đá đỏ) dù có giá trị về kinh tế rất lớn nhưng được bày bán công khai trên các mặt bàn ở chợ mà không cần có biện pháp bảo vệ nào. Người mua cũng thoải mái lựa chọn, soi xét và điều đặc biệt là việc mua bán tại chợ đá quý diễn ra nhẹ nhàng, không ồn ào, không có to tiếng mắng chửi nhau. Đây cũng là nét độc đáo của chợ đá quý Lục Yên.
Các sản phẩm ở chợ đá quý Lục Yên rất đa dạng về mẫu mã, giá cả. Những viên đá thô chưa qua chế tác có giá chỉ từ 50.000 đồng. Còn những viên đá to, đẹp được chế tác tinh xảo có hàng chục triệu cho đến cả tỷ đồng.
Bất ngờ con trâu màu hồng độc lạ ở TP.HCM
Ông Đặng Văn Ghên (một nông dân ở huyện Củ Chi, TP.HCM) sở hữu chú trâu có màu da hiếm, màu hồng. Theo Tri Thức và Cuộc Sống, ông Ghên cho biết con trâu này đã 36 tuổi. Nó thuộc gốc trâu của Thái Lan, di chuyển qua Campuchia rồi “cập bến” tại Tây Ninh.
Năm 2001, cha của ông Ghên mua con trâu hồng với giá 12 triệu đồng (khoảng 2,5 cây vàng). Một số người tưởng rằng con trâu này bị bệnh "bạch tạng", nhưng cha của ông Ghên khẳng định con trâu này có màu hồng từ lúc sinh ra đến nay. Gần đây, có nhiều người thấy con trâu này rất lạ nên có ý muốn mua lại với giá cả tỷ đồng để về trưng trong nhà nhưng ông Ghên không bán.
Xây phòng cho ốc 'ngủ', thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Để làm ốc gác bếp theo cách thông thường, ốc được sơ chế và cho vào giỏ treo trên giàn bếp 2-3 tháng mới chế biến thành món ăn. Tuy nhiên, theo Arttimes, cách làm này khiến con ốc dễ bị ám khói, kén người ăn.
Với bí quyết riêng, anh Lê Hồng Lâm (Đồng Tháp) quyết định làm “ốc gác bếp” theo quy trình công nghiệp. Anh đã xây dựng căn phòng đặc biệt cho ốc ngủ sau đó đem đi bán, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
Để làm ốc gác bếp “không khói”, anh Lâm vẫn sử dụng ốc lác làm nguyên liệu chính. Sau một tuần ủ trong phòng kín, ốc chuyển sang trạng thái "ngủ". Lúc này, anh sẽ chuyển ốc sang kệ trong phòng mát cho ốc chuyển hóa năng lượng.
Trong phòng mát, ốc sẽ ngủ đến 3 tháng. Phần dinh dưỡng từ đuôi ốc chuyển thành năng lượng để nuôi chúng sống trong thời gian "ngủ" triền miên. Phương pháp này giúp thịt ốc sạch, loại bỏ bùn dơ, tạp chất. Điều đặc biệt, vỏ ốc sẽ mỏng hơn sau nhiều tháng "ngủ" vùi.
Theo Vietnamnet