Tại hội thảo “Nhận diện thực phẩm an toàn” do Hiệp hội Thực phẩm minh bạch tổ chức ở TP.HCM ngày 7/12, một người tiêu dùng đã hỏi trực tiếp chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành rằng, hiện có quá nhiều sản phẩm ghi là chiết xuất từ thiên nhiên, làm sao để biết sản phẩm đó có thực sự được chiết xuất từ thiên nhiên hay không, ông Thành ngay lập tức lắc đầu: “Không thể biết, trừ khi đưa sản phẩm đến phòng thí nghiệm để kiểm tra”.
Ông dẫn chứng, tại TP.Hà Nội, có không ít cơ sở bán hương liệu cà cuống nhưng giờ tìm đỏ mắt không ra con cà cuống, vậy có nghĩa, hương cà cuống đó là nhân tạo. Chỉ đưa vào phòng thí nghiệm mới phát hiện được, nhưng không phải người tiêu dùng cứ nghi ngờ là có thể mang sản phẩm đi kiểm tra.
Theo ông Thành, tình trạng mập mờ trong thông tin công bố trên sản phẩm hiện rất phổ biến. Ông liệt kê hàng loạt kiểu mập mờ, chẳng hạn trên nhãn kẹo cao su ghi “sử dụng đường tự nhiên”, thực tế, loại đường này chiết xuất từ bắp nhưng sau đó qua quá trình phản ứng hóa học, nó thực chất là đường hóa học nhưng nhà sản xuất vẫn cho là hoàn toàn tự nhiên.
Hoặc nhiều loại dầu thực vật được ghi nhãn với cỡ chữ lớn “không cholesterol”; thực vật chắc chắn không có chất này, nhưng người ta vẫn đưa vào. Kiểu đưa thông tin mập mờ này dễ gây hiểu lầm rằng, dầu thực vật của hãng khác có chứa cholesterol.
Có những sản phẩm được công bố là không dùng nguyên liệu biến đổi gen (GMO) nhưng khi đọc kỹ, họ chỉ công bố 1 trong số 5 nguyên liệu cấu thành sản phẩm không GMO. Đây là một dạng mập mờ thông tin với người tiêu dùng, được du nhập từ nước ngoài về và hiện xuất hiện phổ biến.
Theo thạc sĩ công nghệ thực phẩm Đỗ Lan Nhi, công bố thông tin và thông tin có đúng hay không là hai chuyện khác nhau. Chẳng hạn, công bố sản phẩm chiết xuất từ tự nhiên nhưng mùi hương thực ra không phải tự nhiên.
Theo đúng quy định, từng câu, chữ ghi trên nhãn mác sản phẩm đều phải đúng luật và phải đăng ký ghi nhãn với cơ quan chức năng chứ không phải thích gì ghi nấy rồi đem lưu hành sản phẩm. Việc cho phép doanh nghiệp tự công bố thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục, nhưng mặt trái là không kiểm tra được hết tất cả những thông tin tự công bố.
Theo ông Vũ Thế Thành, sự thiếu minh bạch trong lĩnh vực thực phẩm đã tạo ra khá nhiều thuật ngữ, định nghĩa của các nhà sản xuất, chẳng hạn như khái niệm “thực phẩm sạch” chỉ có ở Việt Nam. Trên thế giới, không có thực phẩm sạch hay thực phẩm bẩn mà chỉ có thực phẩm đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn, thực phẩm nào không đáp ứng những quy định của nhà nước, sẽ bị xử lý.
Đăng Thư/PNO