Chiều 26/7, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thông báo trên thị trường đang xuất hiện 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 (vỏ màu đỏ) và Xuyên Tâm Liên CV19 (vỏ màu xanh) có công dụng kháng COVID-19 là giả mạo.
Theo phản ánh đến đường dây nóng của Cục An toàn thực phẩm, hiện nay trên thị trường đang xuất hiện 02 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo TOÀN LỘC (vỏ hộp màu đỏ) và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo NHẤT LỘC (vỏ hộp màu xanh) đều ghi có công dụng:
Sản phẩm Xuyên Tâm Liên CV19 (vỏ màu đỏ): Kháng virus, kháng COVID-19, kháng viêm, nâng cao thể trạng, giảm ho, tiêu đờm, bảo vệ gan, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp,…
Sản phẩm Xuyên Tâm Liên CV19 (vỏ màu xanh) "nổ" công dụng: Tăng cường miễn dịch, điều trị đau họng, cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp; Kháng virus tiềm năng trong việc điều trị COVID-19 và phòng chống COVID,…
Trước thông tin nêu trên, Cục An toàn thực phẩm khẳng định 02 sản phẩm có đặc điểm và công dụng nêu trên chưa đăng ký bản công bố tại Cục. Như vậy, 02 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như trên là giả mạo. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý.
Cục An toàn thực phẩm cảnh báo:
Không có bất kì loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được COVID-19 hay kháng COVID.
Không có bất kì thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”.
Người tiêu dùng phát hiện 02 sản phẩm ghi các công dụng và đặc điểm trên không mua, không sử dụng và báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất.
Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần liên hệ ngay với cơ quan Y tế để được hướng dẫn khám, điều trị kịp thời
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, hiện nay, qua quá trình hậu kiểm Cục An toàn thực phẩm phát hiện một số sản phẩm Thực phẩm chức năng/Thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa tặng quà tặng từ thiện nhưng thực chất là bán Thực phẩm chức năng/Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mạo danh danh nghĩa cơ quan y tế, cơ quan quân đội, công an, thậm chí quảng cáo các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng có thể chữa tiểu đường, huyết áp, xương khớp,…
Thanh tra Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và Facebook để làm rõ các tồn tại nêu trên.
Mới đây, Bộ Y tế đã ra thông báo về danh sách 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, nhưng ngay sau đó 2 ngày lại thu hồi văn bản này. Trong danh mục 12 loại thuốc trên có có 2 sản phẩm viên uống Kovir và Nobel tăng cường miễn của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương. Ngoài ra còn có thêm một sản phẩm khác của doanh nghiệp này được đưa vào là Nano bạc Thái Dương dùng để sát khuẩn tay.
Những sản phẩm nói trên của công ty Sao Thái Dương được nhiều người tìm mua dù giá tăng chóng mặt, từ vài trăm nghìn đồng nay đã lên tới trên 1 triệu đồng, muốn mua cũng khó kiếm. Tìm trên trang web chính thức của công ty Sao Thái Dương thì sản phẩm Kovir và Nobel tăng cường miễn dịch đều không thấy xuất hiện. Trong danh mục "Sản phẩm bán" chạy cũng không thấy tên của 2 sản phẩm "hot" này.
Trên mạng xã hội đang xuất hiện làn sóng tẩy chay một số sản phẩm của Sao Thái Dương, và nêu chuyện tăng giá sản phẩm, chuyện lãnh đạo công ty "khoe" được lọt danh sách thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 từ trước cả thời điểm cơ quan chức năng ra văn bản công bố.
Hiện nay, các sản phẩm thực phẩm chức năng đang như "ma trận" bủa vây người tiêu dùng, do đó người dân cần phải "thông thái" khi lựa chọn sản phẩm, đồng thời tỏ thái độ dứt khoát với các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thổi phồng công dụng, lừa dối người tiêu dùng, đồng thời cần xem xét kỹ lưỡng để tránh những sản phẩm đã bị cơ quan chức năng cảnh báo tránh tiền mất tật mang.
Bộ Y tế khuyến cáo tới người tiêu dùng:
Bộ Y tế khẳng định không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh, thay thế được thuốc chữa bệnh.
Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Không mua và sử dụng Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc bán trôi nổi.
Khi mua các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, trong đó có Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn bán hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.
Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm./.
Theo Trần Ngọc (VOV)