Với chủ đề “Giải bài toán chuyển đổi số Quốc gia”, tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III phiên chiều 11/12, các diễn giả đã tập trung bàn về giải pháp chuyển đổi số xây dựng trạng thái bình thường xanh, an toàn trên môi trường số, giải pháp cho các ngành Logistics, Y tế, sản phẩm nông nghiệp…
Ưu tiên giải bài toán bảo mật
Hiện nay, nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyển đổi số chậm và chưa thành công, trong đó có việc DN lo lắng dữ liệu bị rò rỉ, không đủ nhân sự, chuyển đổi chi phí đắt đỏ, quy trình phức tạp hơn và hầu hết các đơn vị chưa hài lòng với công nghệ thông tin hiện nay… Đồng cảm về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức, CEO Công ty CyRadar cho rằng, an toàn trên môi trường số là bài toán lớn.
Theo ông Đức, năm 2021, các cuộc tấn công mạng tăng 30% so với năm ngoái, 100.000 mật khẩu, các cơ quan tổ chức bị rò rỉ. Trong lĩnh vực an toàn thông tin, mỗi ngày có 400.000 - 500.000 con virus xuất hiện. Trước thực trạng này, vấn đề cần đặt ra là bảo vệ các công dân số từ các thiết bị điện thoại, máy tính.
“Chỉ khi vấn đề về an toàn thông tin mạng được xử lý triệt để mới giúp chuyển đổi số thành công. Trong khi đó, để đảm bảo an toàn thông tin cần đảm bảo an toàn dữ liệu từ các nền tảng khác nhau như du lịch, y tế, ngân hàng trước khi vận hành. Chính vì thế, các giải pháp bảo vệ công dân số cần được ưu tiên; các công ty về an toàn thông tin cần giải quyết các bài toán về bảo mật và bản chất là bảo vệ các công dân số”, ông Đức chỉ rõ.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, với phương châm "Doanh nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế" của Chính phủ, FPT mang đến giải pháp "vaccine công nghệ" nhằm đáp ứng tức thời, hiệu quả bền lâu, thôi thúc và giúp đỡ DN chống dịch, phát triển kinh tế, giải quyết bài toán an sinh xã hội. Đồng thời, giải pháp này còn có thể giúp Nhà nước trong công tác phòng chống dịch. phục vụ chính quyền số.
Theo ông Khoa, vaccine công nghệ gồm 3 giải pháp giúp doanh nghiệp có thể vận hành ngay cả khi có F0. Thứ nhất là Ecovax - ko chạm, điều chỉnh từ quy trình bên trong. Thứ hai, Ecovax - Pháo đài xanh giúp khoanh vùng nhanh nhất trong DN nhằm đảm bảo tính vận hành liên tục. Thứ ba là Ecovax nhân lực. Đây là nhân lực cho nhà máy, khu công nghiệp... làm sao để người lao động quay trở lại làm việc nhanh nhất, không mất phí dịch vụ để tìm đến doanh nghiệp
“Sau khi triển khai, đã có hơn 3.000 doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng miễn phí FPT Ecovax. Sau 4 tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp tiếp cận. Với giải pháp này, doanh nghiệp chỉ cần tối đa 5 ngày là có thể sử dụng được. Với diễn biến dịch hiện nay, FPT dự kiến tiếp tục duy trì "kháng thể" bằng cách dùng công nghệ để đi nhanh hơn Covid-19 thay vì đẩy lùi Covid-19”, ông Khoa khẳng định.
"Make in Việt Nam” là tự hào Việt Nam
Nhận định hạ tầng viễn thông công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi số quốc gia, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, nếu Việt Nam tiếp diễn tình trạng đi mua nền tảng số của nước ngoài sẽ không làm chủ được công nghệ và không đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.
Do đó, Viettel thực hiện chiến lược "Make in Vietnam" tự nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông và hạ tầng số. Viettel có thể làm được điều này bởi có kiến thức công nghệ cao, nguồn tài chính tốt để tự nghiên cứu khoa học cùng quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng.
“Khi Viettel nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng số là làm chủ hệ thống, công nghệ lõi mà không dừng lại ở mức chỉ gia công, sản xuất theo nước ngoài. Đơn vị chia hệ thống thành nhiều thành phần và làm chủ từng công đoạn, trước hết là phần mềm, phần cứng và cuối cùng là sản xuất chipset. Hiện, tất cả sản phẩm của Viettel đều theo hướng mở, tạo ra hệ sinh thái giúp cộng đồng phát triển, ứng dụng nền tảng. Đồng thời, DN chủ động đăng ký bằng sáng chế bảo vệ tài sản trí tuệ với các hiệp hội trên thế giới”, ông Dũng cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Không “Make in Việt Nam” thì không thể phát triển, không thể đi ra thế giới, không thể hùng cường, thịnh vượng và "Make in Việt Nam” là tự hào Việt Nam đồng thời kêu gọi các DN công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. “Chúng ta có niềm tin vào sự sáng tạo của DN là vì phía sau mỗi DN là kho tàng tri thức của cả nhân loại, là khả năng huy động nguồn lực toàn cầu, cả nguồn lực nhân tài, công nghệ và tài chính”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ. Nhiều DN số năng động, chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các DN công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý.
“Từ trước đến nay, trong suốt chiều dài lịch sử, con người chỉ tiêu xài tài nguyên. Chuyển đổi số là sáng tạo của toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân. Để làm điều này chúng ta cần công bố bài toán chuyển đổi số ở tầm Quốc gia, Bộ, ngành và địa phương và Bộ TT&TT sẽ đầu mối. Trong tương lai, một trang web quốc gia chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số được thiết lập, có cả các bài học từ thành công, thất bại để mỗi người dân Việt Nam sẽ trở thành 1 công dân số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng./.
Công bố Giải thưởng Make in Vietnam 2021
Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2021 là giải thưởng uy tín do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/1/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Năm nay, Giải thưởng gồm 4 Hạng mục: Thu hẹp khoảng cách số; Giải pháp số xuất sắc; Sản phẩm số xuất sắc; Nền tảng số xuất sắc.
Giải Vàng
- Thu hẹp khoảng cách số: Nền tảng tạo đề thi, bài tập online Azota
- Giải pháp số xuất sắc: Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc
- Sản phẩm số xuất sắc: Bộ thiết bị Mesh wifi VNPT
- Nền tảng số xuất sắc: Nền tảng TMĐT Vỏ sò Viettel
Giải Bạc
- Thu hẹp khoảng cách số: Dự án Chuyển đổi số nâng cao năng lực quản lý hiến máu tình nguyện và đảm bảo an toàn truyền máu
- Giải pháp số xuất sắc: Trung tâm điều hành thông minh IOC của VNPT
- Sản phẩm số xuất sắc: Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh Rynan
- Nền tảng số xuất sắc: Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA
Giải Đồng
- Thu hẹp khoảng cách số: Phần mềm sổ thu chi MISA.
- Giải pháp số xuất sắc: Nền tảng ứng dụng điện toán đám mây cho camera VNG Cloud
- Sản phẩm số xuất sắc: Hệ thống điều hành dữ liệu DOC Viettel
- Nền tảng số xuất sắc: Bản đồ số Map4D của IOTLink./.