Khi bước vào thu hoạch rộ, hiện nay, Vĩnh Long đạt sản lượng khoảng 80.000 tấn. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, với giá bán hiện nay khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg thì nông dân không có lời. Nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân, Sở Công Thương đã kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ cam, trong đó có cả tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.
“Hiện nay đã kết nối tiêu thụ, kết nối nhiều đơn vị, kết nối tại các chợ đầu mối ở TP.HCM, Hà Nội, kết nối với các quận ở TP.HCM, cơ bản cũng ổn, không quá khó khăn”, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Sở Công Thương Vĩnh Long trong việc quảng bá và tiêu thụ cam sành từ các nhà vườn trên sàn thương mại điện tử, Shopee và ShopeeFood đã phối hợp cùng Foodmap.asia (Foodmap) triển khai chiến dịch “Giỏ cam yêu thương”. Chiến dịch này, ngoài mục tiêu tìm đầu ra cho sản phẩm cam sành, còn hướng đến việc mở rộng hệ sinh thái thương mại điện tử để kiến tạo trải nghiệm mua sắm mặt hàng nông sản sạch với nhiều ưu đãi. Toàn bộ nguồn hàng cam sành được thu mua trực tiếp tại các nhà vườn, được hỗ trợ vận chuyển bởi đội ngũ Shopee Xpress và đảm bảo chất lượng sản phẩm khi phân phối đến người dùng cuối. Cùng với sàn thương mại điện tử, các hệ thống siêu thị cho biết đã bắt tay triển khai thu mua cam sành cho nông dân Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, nguyên nhân giá cam sành giảm mạnh chưa từng có là do cung vượt cầu. Theo quy hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh Vĩnh Long có 15.000ha cam sành nhưng hiện tại đã 17.000ha. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, mỗi năm tăng hơn 1.000ha. Theo ông Nguyễn Văn Liêm, do diện tích cam sành Vĩnh Long tăng nhanh, nên từ năm 2020, ngành nông nghiệp đã có cảnh báo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng.
“Cam sành rớt giá cũng đã được các nhà chuyên môn dự báo trước. Không chỉ Vĩnh Long trồng cam sành mà các tỉnh khác cũng trồng cam sành và các tỉnh phía Bắc cũng trồng cho nên nhà nông cần cân nhắc đầu tư chừng mực. Đây không chỉ bài học riêng cho cây cam sành mà cho tất cả các loại cây ăn trái khác nói chung”, ông Nguyễn Văn Liêm nói.
Mặc dù đã được Sở Công Thương Vĩnh Long kết nối với các chợ đầu mối của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, TP.HCM và Hà Nội để tiêu thụ, giá cam có tăng nhẹ, nhưng việc thu mua này cũng chỉ tại những vườn cam trong HTX. Các hộ trồng nhỏ lẻ ngoài HTX vẫn bán cho các thương lái với giá rất thấp, thậm chí không có thương lái đến mua, rất cần sự hỗ trợ kết nối của chính quyền địa phương./.