Cách mạng công nghiệp 4.0 là cụm từ xuất hiện liên trục trên truyền thông trong 2 năm gần đây. Chỉ cần gõ trên trang tìm kiếm của Google, hơn 13 triệu kết quả sẽ được trả về trong chưa đầy một giây, đủ để thấy sự quan tâm của rất nhiều người Việt Nam với vấn đề này.
Xuất hiện tại sự kiện Ngày hội thông tin của cuộc thiKhởi nghiệp cùng Kawai 2019 do Đại học Ngoại Thương tổ chức, anh Nguyễn Minh Quý - CEO Novaon đã có những lý giải rõ hơn về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến các doanh nghiệp.
Từ lịch sử làm việc với hơn 30.000 đối tác, anh Quý cho biết nhiều doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí các doanh nghiệp kiếm tới hàng nghìn tỷ mỗi năm, cũng đều có phần hoang mang, lo sợ trước cuộc cách mạng này. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự hủy diệt, chứ không chỉ dừng ở tính cạnh tranh mà công nghiệp 4.0 mang tới.
Vì sao có sự hủy diệt chứ không phải cạnh tranh? Theo anh Quý, trước hết là khả năng scale (tạm dịch: gia tăng quy mô, PV). Một mô hình khi thành công ở vài địa điểm, khu vực địa lý nhất định sẽ có khả năng mở rộng ra nhiều khu vực khác một cách không giới hạn. Minh chứng từ những mô hình như Uber, Grab hay Airbnb đã thể hiện rõ điều này.
Thứ 2 là yếu tố hiệu suất vượt trội. Ví dụ với Uber, tất cả các bên tham gia đều được lợi: Người dùng gọi xe nhanh hơn, cước phí rẻ hơn, còn tài xế cũng không phải đối diện với tỷ lệ xe rỗng cao như trước đây.
Thứ 3 là dòng vốn trên thế giới đổ vào những "kẻ được chọn". Theo đó, khi một mô hình vươn lên tầm cỡ tỷ USD, các nhà đầu tư không ngần ngại rót vốn vì "niềm tin của họ về sự soán ngôi rất mãnh liệt. "Họ sẵn đổ tiền cho kẻ được chọn để thay đổi thế giới".
Anh Quý lấy ví dụ ở thời điểm hiện tại, Grab đã gọi vốn được khoảng 6 tỷ USD, nâng giá trị công ty lên 11 tỷ USD, trở thành startup giá trị nhất tại khu vực Đông Nam Á.
"Vì những lý do trên, cỡ công ty như Vinasun sẽ không có cửa nào để cạnh tranh, đừng nói là xoay xở", CEO Novaon nhận định.
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện tích cực, anh Quý cho rằng cuộc cách mạng này sẽ là cơ hội để "những người đi sau, những người trẻ, ít vũ khí có thể đánh bại những người nhiều vũ khí, nhiều năm kinh nghiệm".
"Muốn làm được như vậy, đương nhiên các bạn phải lao động, đừng có ngồi đấy mà mơ mộng. Nhưng cơ hội mà bạn có khả năng chiến thắng nhiều hơn. Tôi xin chúc mừng tất cả các bạn", anh Quý nhắn nhủ tới những sinh viên trẻ.
Khởi nghiệp cùng Kawai (KBS) là cuộc thi ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp dành cho sinh viên do CLB Nhà Doanh nghiệp Tương lai - Trường Đại học Ngoại thương tổ chức thường niên từ năm 2006 đến nay. Trải qua 13 năm phát triển, chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 15.000 sinh viên, hơn 1500 đề án khởi nghiệp và là bệ phóng cho sự thành công của rất nhiều những dự án như Kenh14, Ybox, ColorMe,...
Theo Hồng Lam
Trí thức trẻ