Ở Việt Nam, quần áo "sida" có nghĩa là hàng cũ, đồ đã qua sử dụng. Tên gọi này xuất phát từ những năm 80 thế kỷ trước do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) viện trợ quần áo cũ cho Việt Nam. Sau khi SIDA dừng chương trình viện trợ thì cái tên “sida” gắn với những món đồ cũ, quần áo đã qua sử dụng. Việc chữ "sida" trùng với tên gọi căn bệnh SIDA/AIDS chỉ là ngẫu nhiên.
Bác sĩ Trần Thiên Tài, Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, nhiều bệnh nhân đến viện khám do mắc một số bệnh lý ngoài da như dị ứng và các bệnh lây nhiễm. Nguyên nhân sau khi sàng lọc lâm sàng cho thấy họ mắc bệnh do mặc quần áo "sida".
Theo bác sĩ Tài, hầu hết loại quần áo này không có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác và chất liệu rõ ràng. Chúng thường được đóng thành kiện hàng lớn và cất giữ trong môi trường ẩm mốc. Nhiều nơi bày bán để quần áo tràn lan trên nền nhà, vỉa hè… vô tình tạo thành ổ chứa mầm bệnh. Từ đó, người dùng dễ có nguy cơ lây nhiễm và nhiễm trùng bởi các vi sinh vật, nấm mốc, con cái ghẻ hoặc tác nhân gây dị ứng như con mạt bụi nhà.
Nhiều người, nhất là người có cơ địa dị ứng, hen suyễn, chàm khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh sẽ có các biểu hiện ở da như ngứa rát, nổi mẩn đỏ hoặc viêm đường hô hấp như chảy nước mũi, lên cơn khò khè, ho, khó thở…“Người dùng có nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa vì mặc quần, đồ bơi hoặc đồ lót từ chủ nhân trước của những trang phục này”, bác sĩ Tài chia sẻ.
Những loại đồ cũ này được thu gom theo nhiều cách và giặt tẩy bằng hóa chất có mùi đặc trưng để khử mùi và làm mới. Khi mua về, dù giặt sạch nhưng vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, bác sĩ Tài cho biết thê