Trong bức tranh khá tươi sáng của ngành ngân hàng, Viet Capital Bank là ngân hàng đầu tiên báo lỗ.
Ngân hàng đầu tiên báo lỗ
Báo cáo tài chính quý IV/2021 mà Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank - Mã CK: BVB) vừa công bố cho thấy, ngân hàng này lỗ trước thuế lên tới 74 tỷ đồng. Quý IV/2021, tín dụng của Viet Capital Bank tăng trưởng tốt (16,5%) song các hoạt động ngoài lãi tăng không đáng kể, thậm chí còn lỗ.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý IV/2021 đạt 358 tỷ đồng, tăng 14,7%. Tuy vậy, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chỉ đạt 19,4 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ 960 triệu đồng trong khi quý IV/2020 lãi 11,4 tỷ đồng. Lãi thuần từ mua bán đầu tư chứng khoán sụt giảm nặng nề khi chỉ đạt 3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước đạt gần 40 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng chỉ đạt 19,5 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ.
Trong khi thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoài lãi sụt giảm mạnh thì chi phí hoạt động của ngân hàng lại tăng tới 33,7%. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020, lên tới 128 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, BVB ghi nhận khoản lỗ trước thuế tới 74 tỷ đồng.
Trước đó, ông Phạm Anh Tú - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cũng cho biết thêm: “Những tác động của dịch bệnh đến khách hàng thời gian qua không chỉ nghiêm trọng mà còn kéo dài, vì vậy trong quý IV/2021, ngân hàng tiếp tục tập trung hỗ trợ khách hàng, đồng thời ưu tiên nguồn lực cho trích lập dự phòng với danh mục tín dụng của khách hàng đã bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh. Định hướng này chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý IV, nhưng đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả khách hàng và ngân hàng.”
Một ngân hàng khác cũng được dự báo lợi nhuận âm là Ngân hàng Á Châu (ACB). Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 của ACB đạt 2,9 nghìn tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Điều này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng 16% và mức NIM ổn định. Lũy kế cả năm, kỳ vọng ACB có thể ghi nhận 11,8 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+ 23,2% so với cùng kỳ). Chất lượng tài sản dự kiến sẽ duy trì ở mức ổn định, với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Cũng theo các chuyên gia SSI, vấn đề chất lượng tài sản được đặt lên hàng đầu sau làn sóng Covid-19 thứ 4. Ngân hàng Nhà nước ước tính tỷ lệ nợ xấu (bao gồm nợ xấu được công bố, nợ xấu tồn đọng và VAMC, dư nợ tái cơ cấu) là khoảng 7,3% vào cuối năm 2021. Mức này gần tương đương với năm 2017.
Lợi nhuận tăng ngược dòng giữa mùa ''bão'' lớn
Trong năm 2021, giữa làn sóng Covid-19 thứ 4, kết quả kinh doanh của nhiều DN lại ghi nhận những cú quay đầu đầy ngoạn mục khi mục tiêu đặt ra lỗ, kết quả kinh doanh năm 2020 lỗ nhưng kết thúc 2021, DN lại ghi nhận lãi với mức phục hồi mạnh mẽ.
Tasco có lợi nhuận dương thay vì kế hoạch kinh doanh lỗ 100 tỷ được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
Công ty cổ phần Tasco (mã chứng khoán HUT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 với tổng doanh thu đạt hơn 873 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 51,7 tỷ đồng. Kết quả này thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ sau năm 2020 đầy khó khăn của Tasco với số lỗ trước thuế là 247 tỷ đồng. Tasco đã vượt kế hoạch lợi nhuận khi có lợi nhuận dương thay vì kế hoạch kinh doanh lỗ 100 tỷ đồng được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021.
Theo Báo cáo tài chính 2021 được công bố, các mảng hoạt động kinh doanh của công ty đều có sự tăng trưởng so với năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, các mảng hoạt động chính như doanh thu dịch vụ thu phí không dừng tăng hơn 31%, doanh thu mảng y tế tăng 9%, doanh thu thu phí đường bộ tăng hơn 2% so với thực hiện năm 2020.
Chi phí giá vốn được quản lý chặt chẽ và giảm hơn 11% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận gộp đạt hơn 280 tỷ đồng, qua đó tỷ suất lợi nhuận gộp đạt mức trên 32%, quay trở lại thời kỳ trước năm khó khăn 2020. Trong năm 2021, công ty cũng thực hiện cơ cấu, tiết giảm chi phí quản lý DN, giảm hơn 15% so với thực hiện năm 2020.
Đồng thời, trong năm 2021, Tasco cũng đã thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ công ty, tập trung vào các ngành nghề và lĩnh vực hoạt động chính có ưu thế của Tasco, dồn nguồn lực để tạo sức bật trong thời gian tới. Theo đó, công ty đã thực hiện thoái vốn thành công khỏi các công ty con/công ty liên kết theo chủ trương thoái vốn tại những lĩnh vực không thuộc chiến lược kinh doanh.
Với việc thực hiện tái cấu trúc quyết liệt của Hội đồng quản trị và Ban điều hành, cùng với sự phục hồi của các mảng kinh doanh, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt mức 51,7 tỷ đồng, giúp Tasco quay trở lại truyền thống hoạt động có lãi chỉ sau một năm khó khăn. Trong năm 2021, công ty đã phát hành thành công 800 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên thành 3.486 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn lực đầu tư phát triển công ty trong thời gian tới.
Còn nhà sản xuất đá nhân tạo hàng đầu Việt Nam Vicostone (VCS) có kết quả kinh doanh ước tính quý IV/2021 với doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Vicostone ghi nhận lãi trước thuế gần 2.100 tỷ đồng năm 2021 nhờ doanh thu tăng mạnh, đặc biệt xuất khẩu sang thị trường Canada tăng trưởng 150%. Với mức lợi nhuận nói trên, Vicostone vượt 9,2% so với mục tiêu đặt ra tại Đại hội Cổ đông Thường niên 2021. Cổ phiếu VCS tăng gần 40% trong năm 2021, nhỉnh hơn mức tăng của VN-Index, khoảng hơn 30%.
Dự báo triển vọng năm 2022, Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, môi trường kinh tế vĩ mô chung được kỳ vọng tốt hơn từ những chuyển dịch sau đại dịch thông qua các cải cách cơ cấu trên phạm vi rộng, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Tốc độ tiêm vaccine tăng nhanh và gia tăng mức độ thích ứng được với chiến lược sống chung với Covid-19 sẽ giúp nền kinh tế sẽ phục hồi trên diện rộng trong năm 2022.
Dự báo các DN xuất khẩu sẽ gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế nhờ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy bởi các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương.