Thực hiện việc làm rõ những nghi vấn về xuất xứ hàng hóa liên quan đến Công ty cổ phần Điện tử Asanzo, hiện Bộ Tài chính đang xác minh nhiều doanh nghiệp có quan hệ xuất nhập khẩu với Asanzo. Đây là thông tin được bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ gày 1-8, khi lý giải các cơ quan chức năng phải kéo dài thêm 1 tháng (đến ngày 30-8) mới có kết luận chính thức.
Theo bà Mai, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia), đang xác minh 28 doanh nghiệp có các hoạt động xuất khẩu liên quan đến công ty Asanzo. Đồng thời, xác minh đối với Asanzo, các siêu thị, nhà bán lẻ bán các sản phẩm của Asanzo.
Cơ quan chức năng đang làm rõ các nghi vấn về xuất xứ hàng hóa liên quan đến Asanzo
Các cơ quan còn kiểm tra thông tin với cơ quan thuế về giao dịch phát sinh liên quan cũng như xác minh thông tin với Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Theo bà Mai, rất nhiều đầu việc đang được các bộ, ngành thực hiện.
"Chúng tôi đã có chỉ đạo hết sức quyết luyệt và khi có đầy đủ thông tin sẽ công bố với các cơ quan thông tin báo chí về vấn đề này"- bà Mai nhấn mạnh.
Trước đó vào ngày 24-6, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về Công ty CP Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực BCĐ 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường... rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, báo chí phản ánh nhiều sản phẩm của Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam. Đáng chú ý, còn xuất hiện nghi vấn doanh nghiệp này sau khi nhập linh kiện từ Trung Quốc về đã xé nhãn mác, gắn xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường nội địa, đánh lừa người tiêu dùng.
Ông Phạm Văn Tam, CEO của Asanzo, trong lần gặp gỡ báo chí mới đây đã thừa nhận sử dụng tới 70% linh kiện của Trung Quốc để lắp ráp các sản phẩm ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Tam cho rằng việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới.
Theo ông Tam, khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi "Xuất xứ Việt Nam" thay vì "Made in Việt Nam" trên sản phẩm của mình.